Tiền số lao dốc

Đêm qua, áp lực bán ồ ạt khiến thị trường tiền số lao dốc mạnh. Bitcoin - tiền số vốn hóa lớn nhất thị trường - đã giảm hơn 5% xuống dưới 66.000 USD, sau khi thách thức mức 71.000 USD chỉ vài giờ trước đó.

Ethereum (ETH), loại tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, có lúc giảm tới 12% xuống còn 3.100 USD, trước khi thu hẹp đà giảm về mức 8%.

Các loại tiền điện tử khác thậm chí còn chịu tổn thất nặng nề hơn. Chỉ số CoinDesk 20 theo dõi 20 tiền số lớn nhất giảm gần 10%, với ADA của Cardano, AVAX của Avalanche, Bitcoin cash (BCH), Filecoin (FIL) và Aptos (APT) giảm mạnh 15-20%. Các Altcoin có mức vốn hóa trung bình hoặc thấp giảm 25-30% chỉ trong vài giờ.

Theo Coinglass, hơn 900 triệu USD các vị thế giao dịch hợp đồng tương lai trên các sàn giao dịch đã bị thanh lý sau nhịp giảm của thị trường, trong đó hơn 80% là các vị thế mua (vị thế long, đặt cược vào khả năng tăng giá của tài sản).

Thị trường tiền số lao dốc trong phiên 13/4, với Bitcoin giảm hơn 5% còn nhiều đồng tiền khác mất 10-30% giá trị. Ảnh: CoinMarketCap

Đà sụt giảm của thị trường tiền số xảy ra khi thị trường chứng khoán Mỹ cũng chìm trong sắc đỏ, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về xung đột mở rộng ở Trung Đông. Chính quyền Mỹ cảnh báo về khả năng Iran có thể đẩy xung đột leo thang với Israel.

Trái phiếu kho bạc và chỉ số đôla Mỹ (DXY) tăng mạnh khi các nhà giao dịch đổ xô vào phòng ngừa rủi ro, trong khi các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là S&P500 và Nasdaq 100 giảm gần 2%. Vàng, tài sản "trú ẩn" ưa thích, biến động mạnh. Kim loại quý có thời điểm lên sát mức 2.430 USD mỗi ounce - mức cao kỷ lục, sau đó lao dốc về 2.335 USD chỉ trong vài giờ.

Ngoài ra, chỉ số CPI nóng hơn dự kiến trong số liệu mới nhất cũng thu hẹp hy vọng cắt giảm lãi suất của Fed, trong bối cảnh lo ngại rằng việc kiềm chế mức giá tăng cao chưa thực sự hiệu quả.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon, đã cảnh báo vào ngày 12/4 rằng lạm phát "dai dẳng", căng thẳng địa chính trị và các nỗ lực thắt chặt định lượng của Fed đe dọa đến triển vọng kinh tế tích cực. Người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Mỹ về tài sản cho rằng thị trường "chưa bao giờ thực sự trải nghiệm toàn bộ tác động của việc thắt chặt định lượng ở quy mô này", bởi áp lực lạm phát, có thể sẽ tiếp tục.

Xem thêm tại vietnambiz.vn