TP.HCM hỗ trợ tài chính doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; Chung cư Hà Nội hết thời tăng giá “phi mã”

Sau đây là phần tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.

Gia đình đông con sắp được hưởng ưu đãi nhà ở xã hội?

Mới đây, trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho các gia đình đông con, các đối tượng yếu thế khi có con.

Việc nới điều kiện thu nhập mua nhà ở xã hội đang phát huy tác dụng chủ yếu đối với người độc thân, chưa có con nhỏ. Ảnh: Thanh Vũ

Đây là một tin vui đối với những gia đình có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, nhiều người dân cho rằng, cách tính điều kiện thu nhập để mua nhà ở xã hội hiện đang thiếu đi sự linh hoạt, đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng đang phải nuôi con nhỏ hoặc chăm sóc cha, mẹ không có lương hưu.

Cụ thể, nếu xét theo quy định cũ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người mua sẽ phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập thường xuyên, đồng nghĩa với việc thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh không được vượt quá 11 triệu đồng/tháng.

Như vậy, với mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, nếu có một người phụ thuộc, mức thu nhập từ tiền lương, tiền công của người mua nhà ở xã hội có thể lên đến 17 triệu đồng/tháng hoặc 22 triệu đồng/tháng, nếu có 2 người phụ thuộc. Đó là chưa kể đến khoản trừ từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... 

Nếu xét theo quy định cũ, tổng thu nhập của hai vợ chồng có hai con nhỏ có thể lên tới 33 triệu đồng/tháng mà vẫn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Đối chiếu với quy định trong Nghị định 100/2024/NĐ-CP, tổng thu nhập thực nhận của hai vợ chồng mặc định sẽ phải dưới 30 triệu đồng/tháng. Như vậy, điều kiện thu nhập trong quy định cũ còn có phần “xông xênh” hơn.

Trước đó, vào tháng 3/2025, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép phụ nữ sinh con thứ 2 được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, đặc biệt tại các khu công nghiệp, địa phương có mức sinh thấp. Tuy nhiên, từ đó tới nay, đề xuất này vẫn chưa được hiện thực hóa và cũng không được Bộ Xây dựng đề cập lại trong các chính sách về nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đốc thúc các địa phương tăng tốc triển khai nhà ở xã hội

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, công tác phát triển nhà ở xã hội trong những tháng đầu năm 2025 đã có nhiều chuyển biến, đạt được một số kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 15.614 căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành. Ngoài ra, 17 dự án đã được khởi công với quy mô 17.664 căn.

Các dự án nhà ở xã hội đang được gấp rút xây dựng. Ảnh: Thanh Vũ

“Nhiều địa phương đã bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động, tích cực đôn đốc các chủ đầu tư khởi công, hoàn thành các dự án nhà ở xã hội, đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu của đề án như TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An…”, công điện nêu rõ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cho rằng, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa có dự án được khởi công hoặc có dự án được khởi công nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp; chưa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, chưa bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…

Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 11 nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ định kỳ kiểm tra, đôn đốc các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện tại từng nơi.

TP.HCM xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội

Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, TP.HCM đang xây dựng Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Nghị quyết này sẽ áp dụng cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công. Bao gồm các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hợp pháp để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đất đai. Các chủ đầu tư triển khai nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn tài chính công đoàn.

Dự án nhà ở xã hội có tên thương mại là Phú Thọ DMC (quận 10, TP.HCM) đã cơ bản xây dựng xong phần khung.

Các nhà đầu tư được lựa chọn theo pháp luật về đấu thầu hoặc cơ chế thí điểm của Quốc hội trong trường hợp khu đất chưa hoàn tất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Việc hỗ trợ tài chính sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc minh bạch và kiểm soát chặt chẽ. Đối với kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư chỉ được hỗ trợ sau khi hoàn tất nghiệm thu, kiểm toán và được cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định. Các khoản hỗ trợ không được tính vào giá bán, thuê, hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

Về điều kiện, dự án phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư kể từ ngày 1/8/2024 trở đi – thời điểm Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 chính thức có hiệu lực. Những dự án đã được phê duyệt trước thời điểm này nhưng chưa có giấy phép xây dựng sẽ được hỗ trợ nếu được cấp phép sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Phương thức hỗ trợ dựa trên kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn xây dựng. Kinh phí sẽ được bố trí từ ngân sách chi thường xuyên của địa phương. Việc thanh toán và quyết toán thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở xã hội, bao gồm: giao thông, chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải và chất thải rắn.

Hỗ trợ toàn bộ phí và lệ phí liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng, như: thẩm định quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được trích từ ngân sách chi thường xuyên của TP.HCM. Sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ căn cứ vào chức năng và nguồn lực để triển khai thực hiện.

Dự án nhà ở xã hội chậm triển khai, Bình Định cân nhắc gia hạn hoặc thu hồi

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo kết luận của ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh này tại cuộc họp rà soát các nội dung liên quan đến Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kết luận “việc triển khai Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn trong thời gian qua quá chậm, không đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra”.

Nguyên nhân được chỉ ra là nhà đầu tư chưa tích cực, quyết tâm triển khai dự án, việc phối hợp xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chưa tốt...

Đồng thời, Sở Xây dựng, UBND thị xã Hoài Nhơn và các cơ quan liên quan chưa chủ động kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan, dẫn đến triển khai dự án chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Công ty TNHH Phát triển Hoài Hương tổ chức lễ động thổ Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất phường Bồng Sơn vào ngày 18/2/2025. Nguồn: UBND thị xã Hoài Nhơn.

Về hướng xử lý, ông Hoàng giao Sở Xây dựng rà soát lại các quy định về điều kiện điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, đối chiếu với thực tế việc triển khai đề xuất phương án xử lý, giải quyết; có kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết, xác định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư…

“Trường hợp không đảm bảo điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì Sở Xây dựng xem xét, đề xuất dừng thực hiện dự án, thu hồi chủ trương đầu tư dự án theo quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh; hoàn thành trong tháng 5/2025”, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu.

Trong trường hợp được xem xét cho gia hạn thực hiện, chủ đầu tư được yêu cầu tập trung nguồn lực để triển khai dự án theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý, hồ sơ môi trường, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng... và triển khai đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục…

Về các vướng mắc của dự án, UBND thị xã Hoài Nhơn và chủ đầu tư được yêu cầu phối hợp giải quyết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại; giải quyết các vướng mắc về thủ tục môi trường, kết nối giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực triển khai dự án…

Trước đó vào ngày 18/2/2025, Công ty TNHH Phát triển Hoài Hương tổ chức Lễ động thổ Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất phường Bồng Sơn. Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại thị xã Hoài Nhơn.

Chung cư Hà Nội hết thời tăng giá “phi mã”

Trong báo cáo thị trường quý I/2025, Bộ Xây dựng đã thông báo một “tin vui” đối với người mua nhà. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM đã chững lại, không còn tăng mạnh như trong năm 2024.

“Trong quý I/2025, giá chung cư Hà Nội nhìn chung vẫn giữ ở mức ổn định. Một số dự án, vị trí chỉ tăng giá khoảng 5% so với quý IV/2024”, Bộ Xây dựng kết luận.

Giá chung cư Hà Nội dù đã chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh: Thanh Vũ

Theo khảo sát của Bộ tại thị trường Hà Nội, mặt bằng giá rao bán chung cư trong 3 tháng đầu năm vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, đà tăng đã chậm lại và không có nhiều biến động so với quý trước.

Tại Vinhomes Ocean Park 1 (huyện Gia Lâm), phân khu The Pavilion có giá rao bán khoảng 50 - 64 triệu đồng/m2; phân khu The Zurich có giá 55 - 67 triệu đồng/m2. Với Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm), phân khu The Sakura có giá lên tới 60 - 80 triệu đồng/m2; phân khu The Canopy Residences có giá khoảng 65 - 73 triệu đồng/m2; phân khu The Sapphire có giá “dễ thở” nhất, khoảng 55 - 72 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, các chung cư khác như Thống Nhất Complex (quận Thanh Xuân) cũng có giá rao bán lên tới 70 - 82 triệu đồng/m2; Eco Lake View (Hoàng Mai) là 58 - 70 triệu đồng/m2; Lumi Hanoi (quận Nam Từ Liêm) khoảng 79 triệu đồng/m2; Grand SunLake (quận Hà Đông) là 60 triệu đồng/m2; The Wisteria (huyện Hoài Đức) khoảng 60,2 triệu đồng/m2.

Một số dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội cũng đã được Bộ “điểm danh”. Ví dụ, Heritage West Lake (quận Tây Hồ) có giá chạm mức 158 triệu đồng/m2. Dự án D’.El Dorado II (quận Tây Hồ) có giá quanh mức 100 triệu đồng/m2. Vinhomes D'Capitale (quận Cầu Giấy) có giá lên đến 75 - 110 triệu đồng/m2.

Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư vào dự án khu đô thị 1.363 tỷ đồng

Sở Tài chính Hà Tĩnh vừa công bố danh mục dự án sử dụng đất để mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.

Một góc Thị trấn Nghèn - nơi thực hiện dự án, ảnh nguồn: Báo Hà Tĩnh

Theo công bố, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.363 tỷ đồng, với quy mô diện tích sử dụng đất lên tới 404.001 m2. Thời gian thực hiện dự án được xác định là trong vòng 5 năm, tính từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất hoặc cho thuê đất.

Dự án hướng đến phát triển một khu đô thị đồng bộ, hiện đại, bao gồm nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể, dự án sẽ cung cấp 132 căn nhà ở liền kề và biệt thự đã xây thô, hoàn thiện mặt ngoài; 544 lô đất nền đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để người dân tự xây dựng nhà ở.

Bên cạnh đó, dự án còn bao gồm các hạng mục như khu thương mại - dịch vụ cao 4 tầng, khu hỗn hợp thương mại - văn phòng cao 11 tầng, khu thể thao đa chức năng và một trường mầm non phục vụ nhu cầu của cư dân trong khu đô thị.

Lợi nhuận của doanh nghiệp địa ốc phân hóa mạnh

Quý I/2025 được kỳ vọng là bước khởi đầu cho quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sau giai đoạn trầm lắng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp địa ốc cho thấy bức tranh tăng trưởng vẫn phân hóa mạnh.

Sau 3 quý liên tiếp có lãi, Tập đoàn Novaland bất ngờ báo lỗ trở lại trong quý I/2025 với khoản lỗ ròng 476 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng mạnh từ 697 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, lên 1.778 tỷ đồng, các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn là gánh nặng lớn, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Trong quý I/2025, Novaland lỗ ròng tới 476 tỷ đồng.

Năm nay, Novaland xây dựng 2 kịch bản kinh doanh tùy theo tiến độ tháo gỡ các vướng mắc pháp lý dự án. Kịch bản lạc quan dự kiến doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. Kịch bản thận trọng hơn kỳ vọng doanh thu đạt 10.453 tỷ đồng, với mức lỗ sau thuế lên tới 688 tỷ đồng. Với kết quả quý I/2025, Novaland hoàn thành 13 - 17% chỉ tiêu doanh thu năm và cách khoảng 30% so với mức lỗ dự kiến lớn nhất.

Điểm sáng hiếm hoi là hoạt động bàn giao sản phẩm bắt đầu có tín hiệu tích cực, với 256 sản phẩm được bàn giao, đạt 17% kế hoạch năm. Công ty kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn từ quý II/2025, khi các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ.

Là nhà phát triển bất động sản lớn, nhưng quý đầu năm nay, Tập đoàn Hà Đô tiếp tục không ghi nhận khoản thu nào từ hoạt động bất động sản. Doanh thu chủ yếu đến từ các mảng năng lượng, như thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Tổng doanh thu thuần hợp nhất giảm 29%, còn 599 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 22%, xuống còn 207 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do không ghi nhận doanh thu bất động sản và phải trích lập chênh lệch giá bán điện tại Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4.

Dù tình hình kinh doanh quý I/2025 đi lùi, Hà Đô vẫn đặt mục tiêu cả năm đạt 2.936 tỷ đồng doanh thu (tăng 8%) và 1.057 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 236% so với năm 2024). Để đạt được mục tiêu này, Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng tại các dự án hiện có, đặc biệt là Hado Charm Villas dự kiến mở bán trong quý II/2025 với kỳ vọng doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trái ngược với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Vinhomes có một quý kinh doanh bùng nổ. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 15.698 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.652 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với quý I/2024. Động lực chính đến từ hoạt động bàn giao tại các dự án trọng điểm như Vinhomes Royal Island và Ocean Park 2–3. Ngoài ra, doanh số bán hàng trong quý I/2025 đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ, trong khi doanh số chưa bàn giao đạt tới 120.000 tỷ đồng.

Còn với Công ty Nhà Khang Điền, trong quý vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 710 tỷ đồng, tăng trưởng 113% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận gộp của Khang Điền cũng được cải thiện, từ 174 tỷ đồng trong quý I năm ngoái lên 307 tỷ đồng trong quý vừa qua. Sau khi trừ các chi phí và thuế, Khang Điền báo lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng hơn 92%, lên 122 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, song kết quả quý này vẫn còn rất khiêm tốn so với kế hoạch kinh doanh mà Khang Điền đã thông qua cho cả năm 2025, khi đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 24,4% so với thực hiện năm 2024.

Nam Long cũng có một quý tăng trưởng ấn tượng khi doanh thu hơn 1.290 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ bàn giao các dự án Akari (quận Bình Tân) và Central Lake (Cần Thơ). Lãi ròng đạt gần 110 tỷ đồng, đảo chiều so với khoản lỗ 65 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024.

Quý I/2025 cho thấy, thị trường bất động sản vẫn đang ở giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ. Những doanh nghiệp có nền tảng pháp lý tốt, dòng tiền khỏe và tập trung vào nhu cầu thực vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt.

Xem thêm tại baodautu.vn