Tranh cãi quanh đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam ngày 25/3, các công ty bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, CTCP Thép TVP, Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One đã phản đối đề xuất trên.

Theo các doanh nghiệp này, tại Việt Nam, có nhiều công ty sản xuất được thép thành phẩm gồm tôn mạ, ống thép và các sản phẩm thép khác. Tuy nhiên, chỉ có 02 công ty tại Việt Nam gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sản xuất được thép cán nóng để làm nguyên liệu cho toàn bộ chuỗi sản xuất tôn mạ, ống thép, thép kết và các loại thép khác sau đó.

Trích dẫn số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp cho biết, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang không đủ nguồn cung thép cán nóng để đáp ứng nhu cầu thép cán nóng của toàn Việt Nam. Hiện nhu cầu thép cán nóng trong nước rơi vào khoảng 10-13 triệu tấn/năm, trong khi đó, tổng công suất thiết kế hiện tại chỉ đạt 8,2 triệu/năm nếu Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chạy được tối đa công suất.

Thực tế, sản lượng bán hàng thép cán nóng do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán tại thị trường Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 12/2023 cho thấy, sản lượng thép cán nóng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 chỉ đạt 3,4 triệu tấn, được phân bổ cho các công ty sản xuất tôn mạ và ống thép. Tức là, cung trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, sản lượng sản xuất và bán hàng thép cán nóng của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đạt được sự tăng trưởng qua từng năm. Trong đó, sản lượng sản xuất thép cán nóng tại Việt Nam lần lượt năm 2019 là 4,13 triệu tấn, năm 2020 là 4,45 triệu tấn, năm 2021 là 7,32 triệu tấn, năm 2022 là 6,04 triệu tấn và năm 2023 là 6,73 triệu tấn.

Cũng theo Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ năm 2019 đến năm 2023, sản lượng bán hàng thép cán nóng tại Việt Nam lần lượt năm 2019 là 4,1 triệu tấn, năm 2020 là 4,29 triệu tấn, năm 2021 là 7,13 triệu tấn, năm 2022 là 6,19 triệu tấn và năm 2023 là 6,8 triệu tấn.

Theo thông tin từ các công ty tôn mạ, không chỉ về sản lượng, về giá cả, 2 ông lớn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang hưởng lợi cực kỳ lớn khi họ luôn bán thép cán nóng cho các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu thép cán nóng, cao hơn khoảng 10 - 20 USD/tấn, thậm chí có thời điểm cao hơn đến 40 - 50 USD/tấn so với hàng nhập khẩu. Giá bán dù cao nhưng 2 ông lớn này luôn trong tình trạng không có hàng để bán. Vì sao?

Khi xuất khẩu sang một số thị trường như Hoa Kỳ và Mexico, các công ty tôn mạ và ống thép luôn ưu tiên sử dụng thép cán nóng do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất, chấp nhận phải mua với giá cao vì Hoa Kỳ và Mexico có các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ Việt Nam của nguyên liệu thép cán nóng dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Quan trọng hơn, sản lượng xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng sản lượng xuất khẩu của các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam. Do vậy, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang hưởng lợi rất lớn từ việc bán thép cán nóng cho các công ty tôn mạ và ống thép xuất khẩu sang 02 thị trường Hoa Kỳ và Mexico.

Chính vì không đủ nguồn cung thép cán nóng từ 2 công ty Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, ngành tôn mạ và ống thép Việt Nam mới phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đặc biệt, hiện có tình trạng các công ty thành viên của Hòa Phát cũng phải nhập khẩu thép cán nóng từ nước ngoài, trong khi chính Hòa Phát đang sản xuất thép cán nóng. Điều này càng chứng minh rằng cung thép cán nóng trong nước đang thấp hơn nhu cầu thực tế rất nhiều.

Đề xuất khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp tôn mạ và ống thép lo ngại về khả năng độc quyền và chi phối giá cả của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép chịu nhiều thách thức vì giá bán thành phẩm bị đẩy lên tương ứng và không thể bán được hàng.

Điều 24 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 quy định “Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau: Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; 3 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan…”

Như vậy, với tổng thị phần chiếm gần 80% ngành thép cán nóng nội địa, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang là 2 công ty có vị thế thống lĩnh thị trường.

“Hiện thép cán nóng là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn, thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác, bất kỳ diễn biến nào xảy ra với nguồn nguyên liệu thép cán nóng cũng có thể gây ảnh hưởng đến toàn ngành thép”, các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam nhận định.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn