Trước thềm ĐHCĐ tháng 4: Điểm danh những ngân hàng hoàn thành mục tiêu kinh doanh

Trước thềm ĐHCĐ tháng 4: Điểm danh những ngân hàng hoàn thành mục tiêu kinh doanh- Ảnh 1.

Nhận diện những "điểm nóng" của mùa ĐHĐCĐ

Đến hẹn lại lên, tháng 4/2024, hàng loạt ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, được xem là cuộc họp mà cổ đông và nhà đầu tư trông chờ nhất năm. Ngày 29/3, NamABank sẽ là ngân hàng đầu tiên họp ĐHCĐ thường niên và tiếp đến trong tuần tới (1-7/4) sẽ có 3 ngân hàng tổ chức là VIB, ACB, ABBank.

Như thường lệ, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 và các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 là một trong những nội dung chính của cuộc họp này. Mùa ĐHĐCĐ này có thể sẽ hơi khác, bởi năm 2023 vừa qua là năm hiếm hoi chứng kiến hàng loạt nhà băng không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đang niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM thì có đến 16 ngân hàng không đạt được mục tiêu lợi nhuận năm 2023, phần lớn rơi vào các ngân hàng nhỏ. Điều này gây không ít bất ngờ bởi thực tế ngay từ đầu năm 2023, các nhà băng cũng đã khá thận trọng khi đặt ra các kế hoạch kinh doanh do lo ngại bối cảnh thị trường chung nhiều thách thức.

Ngoài báo cáo kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh thì nhiều nội dung khác cũng được cổ đông đặc biệt quan tâm, chẳng hạn như cổ tức, kế hoạch tăng vốn, kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài,…Với một số ngân hàng thì năm 2024 cũng là năm đặc biệt khi họ tiến hành bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ mới.

Điểm danh những ngân hàng hoàn thành kế hoạch trước thềm Đại hội

Xét chung toàn ngành thì bức tranh kinh doanh của các ngân hàng năm 2023 "kém sắc" hơn so với những năm trước.Tuy nhiên, điểm sáng là trong 27 ngân hàng vẫn có 11 cái tên có tăng trưởng tốt và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận mà ĐHĐCĐ đề ra. Trong đó có những ngân hàng lớn như nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank), MB, ACB, Techcombank,…

Cả 3 "ông lớn" ngành ngân hàng là Vietcombank, BIDV, VietinBank đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm qua. Trong đó, Vietcombank hoàn thành suýt soát mục tiêu lợi nhuận tăng 10%, đạt hơn 41.000 tỷ đồng. BIDV ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 21%, đạt hơn 27.650 tỷ đồng trước thuế, vượt kế hoạch (tăng 10-15%). Tương tự, VietinBank với hơn 25.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cũng hoàn thành mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, cả 3 ngân hàng trên đều duy trì được chất lượng tài sản ổn định, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống.

Hay như ACB là một trong những ngân hàng hiếm hoi hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra. Nhà băng này lần đầu tiên báo lãi trước thuế vượt 20.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu và là một trong 2 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất năm vừa qua. Theo đó, ACB đã ghi nhận chuỗi 10 năm liên tục có lợi nhuận tăng trưởng dương, bất chấp giai đoạn Covid-19 (2020-2022) và sau đó là bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Ngoài ra, các chỉ số hoạt động khác của ACB đạt kết quả ấn tượng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17,86%, cao hơn trung bình toàn ngành. Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập) cải thiện mạnh mẽ, giảm từ 40% (năm 2022) xuống còn 33% (năm 2023). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,21%, nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Hiệu quả kinh doanh cũng dẫn đầu thị trường với ROAA đạt 2,42%; ROAE đạt 24,80%.

ACB cũng đi đầu thực hiện chia cổ tức tiền mặt trong năm qua với tỷ lệ 10%. Bên cạnh đó, thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, nhà băng này cũng thành công nâng vốn điều lệ lên 38.841 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong các ngân hàng niêm yết.

Trước thềm ĐHCĐ tháng 4: Điểm danh những ngân hàng hoàn thành mục tiêu kinh doanh- Ảnh 2.

ACB là một trong những ngân hàng hiếm hoi hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra

Ngân hàng MB cũng đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 và hoàn thành suýt soát mục tiêu tăng trưởng 15%. Tăng trưởng quy mô vượt kế hoạch với tổng tài sản tăng xấp xỉ 30% đạt 950.000 tỷ đồng.

Techcombank tuy ghi nhận tăng trưởng âm, lợi nhuận trước thuế giảm 10% so với năm 2022 xuống 22.888 tỷ đồng nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ trước đó (22.000 tỷ đồng).

Ngoài những cái tên đề cập ở trên, một số nhà băng khác như HDBank, Sacombank, LPBank,…cũng có thể tự tin báo cáo kết quả hoạt động tại ĐHĐCĐ khi hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra.

Kết quả kinh doanh luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư khi quan sát về các ngân hàng. Với một năm kinh doanh tích cực, nhà băng sẽ có tiền đề để củng cố nền tảng tài chính cũng như triển khai việc chia thưởng cho cổ đông. Điển hình như ACB, tại cuộc họp ĐHĐCĐ vào ngày 4/4 sắp tới, nhà băng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25% trong năm nay, trong đó 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Ngân hàng cũng khá lạc quan với triển vọng năm 2024 khi đề ra mục tiêu lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10%.

Xem thêm tại cafef.vn