Truyền hình Cáp Việt Nam (CAB) niêm yết “cho vui”, kết quả kinh doanh hiện tại ra sao?

Công ty Cổ phần Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab, UPCoM: CAB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 516 tỷ đồng giảm 19%. Giá vốn hàng bán giảm 18% còn 417 tỷ nên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 98 tỷ giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí cho hoạt động tài chính tăng không đáng kể đồng thời công ty cũng tiết giảm chi phí bán hàng còn 43 tỷ giảm 16%, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28% ở mức 77 tỷ đồng nên dẫn đến công ty lỗ ròng 25 tỷ đồng, cùng kỳ khoản này ghi nhận có lãi 2,4 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai liên tiếp của CAB trong năm nay.

Truyền hình Cáp Việt Nam (CAB) niêm yết “cho vui”, kết quả kinh doanh hiện tại ra sao?
Đơn vị: Tỷ đồng

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt 1.528 tỷ đồng giảm 10%, lỗ ròng 18.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 30,4 tỷ đồng.

Năm 2023, CAB đặt ra kế hoạch kinh doanh công ty mẹ với tổng doanh thu 2.300 tỷ đồng và lãi sau thuế 68,6 tỷ đồng. Xét trên kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng của công ty mẹ, CAB đã thực hiện lần lượt 66% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận. Công ty cho biết tình hình kinh doanh trong quý ngày càng khó khăn làm doanh thu, lợi nhuận của VTVcab và các công ty con đều giảm.

Cuối quý 3, tổng tài sản hợp nhất của CAB đạt 1,927 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 40%), ở mức 774.6 tỷ đồng và tăng 14% so với đầu năm, trong đó chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn các khách hàng là CTCP Tổ hợp truyền thông STV, Tổng Công ty Truyền thông – VNPT Media, CTCP Truyền thông Ontrending, Tổng Công ty Viễn thông Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và các khách hàng khác, tổng giá trị phải thu hơn 571 tỷ đồng.

Truyền hình Cáp Việt Nam (CAB) niêm yết “cho vui”, kết quả kinh doanh hiện tại ra sao?
Kết quả kinh doanh của CAB qua các quý - Đơn vị: Tỷ đồng

Ngoài ra các khoản phải thu từ đơn vị hợp tác kinh doanh phát sinh theo các hợp đồng BCC cũng đóng góp lớn vào khoản phải thu, lớn nhất phải kể đến khoản phải thu gần 100 tỷ đồng đối với CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT).

Ở phía bên kia bảng cân đối, khoản phải trả ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn vốn với giá trị 606.3 tỷ đồng (chiếm hơn 31%), bao gồm phải trả đối với Công ty TNHH In the BOX ASIA, CTCP Điện ảnh Truyền hình, CTCP Thương mại và Nội dung Số Việt, CTCP Truyền thông Tương lai Việt Nam và các bên khác. CAB vay nợ không nhiều, tổng dư nợ khoảng 160.1 tỷ đồng, chiếm 9% tổng tài sản.

Đáng nói, sau giai đoạn kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến kỳ này của Công ty âm 28.7 tỷ đồng, kéo theo vốn chủ sở hữu giảm 12% về 560.4 tỷ đồng.

Một cổ đông lớn chiếm 98,55% vốn

Hiện tại, cổ đông tổ chức trong nước là Ðài truyền hình Việt Nam đang nắm giữ tới 98,55% cổ phần CAB tương đương với 45 triệu cổ phiếu, còn lại 1,45% cổ phần do các cá nhân trong nước sở hữu.

Khi CAB lên sàn được nhiều người đã dự đoán việc IPO là hình thức, sàn sẽ có thêm "thành tích" tăng vốn hóa, chứ không có thanh khoản. Thực tế cho thấy, lên sàn UpCOM từ năm 2019 nhưng việc mua - bán cổ phiếu CAB rất ít ỏi, mới diễn ra trong nội bộ cán bộ, nhân viên của CAB, chứ chưa có tính thị trường.

"Nuôi" gà đẻ trứng vàng Honda, Ford... VEAM (VEA) nhận về 4.000 tỷ đồng chia lãi từ đầu năm

Xem thêm tại nguoiquansat.vn