TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn

TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn- Ảnh 1.

Năm 2024, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với giá trị lên tới 279.219 tỷ đồng. Theo ông, điều này có tiềm ẩn rủi ro gì không?

Thực ra, những điều lo lắng nhất đã xảy ra trong quá khứ rồi. Sáu tháng cuối năm 2022 là đỉnh điểm khó khăn của thị trường khi liên tục xảy ra các vụ việc của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC. Tuy nhiên, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt như cơ cấu nợ giữa người phát hành và người mua trái phiếu, sửa các quy định để thị trường trái phiếu bình ổn hơn... Đến nay, tình hình thị trường đã khả quan hơn nhiều so với 2 năm trước.

Trong bối cảnh xử lý những sai sót bằng pháp luật vẫn đang tiếp diễn, các doanh nghiệp trở nên dè dặt hơn khi phát hành trái phiếu và các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn. Thế nhưng, tôi không nghĩ việc đáo hạn trái phiếu gây khó khăn cho thị trường.

Trước đây có một đợt trái phiếu đến hạn rất lớn, nhưng Nhà nước đã có giải pháp, mở ra cơ hội thương lượng giữa các bên để kéo dài thời hạn trái phiếu. Phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã trả được phần lãi và cơ cấu lại nợ gốc... 

Từ những cơ sở này, tôi tin rằng niềm tin của thị trường đã tốt hơn nhiều và sẽ không có vấn đề gì xảy ra đối với các đợt đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi đã có nghị định 65 sửa đổi bổ sung nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ.


TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn- Ảnh 2.

Với dự báo lãi suất được hạ xuống và các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản được tổ chức liên tục, ông có dự đoán gì về tăng trưởng tín dụng đối với thị trường này trong năm 2024?

Tôi có thấy một giải pháp hay từ kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP.HCM khi họp với Thủ tướng: họ đề nghị sử dụng các biện pháp phi tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thực chất, vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản là pháp lý như các thủ tục hành chính, cấp phép để xây dựng, hoàn thiện các dự án. Nếu tập trung tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản thì tín dụng cũng sẽ được giải quyết và thị trường phục hồi.

Còn đối với các tổ chức tín dụng, họ tự chịu trách nhiệm về những khoản vay của mình nên việc hạ lãi suất và tăng cho vay sẽ được đẩy mạnh nếu triển vọng của thị trường bất động sản rõ ràng hơn, mà ở đây pháp lý là vấn đề hàng đầu

TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn- Ảnh 3.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán tăng trưởng và giá của nhiều cổ phiếu ở mức cao nhất trong hơn 1 năm và giá Bitcoin cũng như một số loại tiền mã hóa khác cũng tăng vọt, dù kinh tế nói chung chưa thực sự khởi sắc mạnh mẽ. Theo ông, điều này ẩn chứa điều gì?

Quay lại 2 năm về trước, khi Covid-19 xảy ra, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ... Lúc này, ở Mỹ cũng như nhiều thị trường tài chính khác trên thế giới, dòng tiền lớn chảy mạnh vào các tài sản tài chính như vàng, chứng khoán hay tiền mã hóa như Bitcoin, khiến giá tăng rất mạnh. Đây cũng là hiện tượng xảy ra trong 5-7 năm gần đây mỗi khi nền kinh tế có nhiều biến động, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Hiện tại, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn và hiện tượng như kể trên cũng diễn ra. Tuy nhiên, có điểm khác là năm 2024 nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu đi lên, khả quan hơn năm 2023. 

Cụ thể, năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới là 2,7% thì năm 2024 tăng trưởng được dự báo ở mức 3,1%. Cùng với đó, lạm phát gần như đã đạt đỉnh, năm 2023 là 6,9 % thì năm 2024 dự báo khoảng 5,8% và năm 2025 còn 4,4%.

TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn- Ảnh 4.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương sớm hay muộn trong vài ba tháng nữa sẽ cắt giảm lãi suất vì tăng trưởng thế giới sẽ đi lên, lạm phát đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống. 

Đô la Mỹ vẫn là một đồng tiền mạnh kể cả trong cơ cấu dự trữ thế giới và vai trò trong thanh toán, đầu tư của thị trường tài chính quốc tế. Ba lần cắt giảm lãi suất sắp tới trong năm 2024 theo như nhận định của Fed sẽ có những tác động mạnh. 

Tỷ giá của đồng đô la so với các ngoại tệ mạnh có khả năng giảm xuống. Các dòng vốn sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó chắc chắn đến Việt Nam. Thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động nhiều từ xu hướng lãi suất.

Trên bình diện thế giới, các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam sẽ giảm dần mức độ thắt chặt tiền tệ, giúp cho tiêu dùng sản xuất kinh doanh từng bước phục hồi, từ đó cũng tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam.

TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn- Ảnh 5.

Bên cạnh triển vọng vĩ mô, những yếu tố từng gây sóng gió cho thị trường chứng khoán như trái phiếu dần đi vào ổn định, vụ SCB và Tân Hoàng Minh... đã được kiểm soát và đưa ra xét xử lấy lại được niềm tin cho thị trường. 

Thêm vào đó, lãi suất tiết kiệm lại đang ở mức rất thấp, thị trường cổ phiếu đã suy giảm trong một thời gian dài nên khi triển vọng vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu sáng hơn thì việc phục hồi diễn ra.

Những người đầu tư vào tài sản tài chính như cổ phiếu sẽ nhìn vào triển vọng của tương lai. Khi nhìn thấy viễn cảnh có nhiều điểm sáng thì họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra thôi.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết mà chỉ có thể phục hồi nhờ các biện pháp và công cụ mạnh mẽ hơn. Khi các dự án bất động sản được khởi động trở lại, nguồn tiền ách tắc được khơi thông sẽ tạo nên vòng quay vốn luân chuyển tốt hơn trong nền kinh tế. Nếu làm được điều đó cùng với đầu tư công, kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ có sự phát triển tích cực hơn nhiều.

Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành và doanh nghiệp dẫn đầu các lĩnh vực công nghệ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, tiêu dùng, năng lượng, xuất nhập khẩu như Ngân hàng Techcombank, ACB, HSBC, CTCK PineTree, Dragon Capital, Rapido, Tập đoàn AIG, Viettel Post,…

- Thời gian: 8h00-11h30 ngày 26/03/2024.

- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

-Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM).

TS. Trương Văn Phước: Thị trường trái phiếu đã ổn, kinh tế 2024 sẽ có nhiều điểm sáng nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn- Ảnh 6.

Xem thêm tại cafef.vn