Vì sao dòng tiền ngoại ưu ái cổ phiếu bất động sản?
Ghi nhận từ Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) - quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục tại thời điểm 30/4/2025 có sự xuất hiện của cổ phiếu VHM (Vinhomes).
Dòng tiền ngoại ưu ái
Cụ thể, VHM đứng thứ 10 trong danh mục đầu tư của VEIL với tỷ trọng 4,4%, tương ứng khối lượng nắm giữ khoảng 30 triệu đơn vị.
Lần gần nhất, cổ phiếu VHM hiện diện trong top 10 danh mục đầu tư của VEIL là thời điểm cuối tháng 10/2024 với tỷ trọng 3,8%, tương ứng số lượng sở hữu khi đó khoảng 39,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, sau đó, VHM đã không còn trong top danh mục của VEIL vào thời điểm công bố cuối tháng, cho tới tận cuối tháng 4 vừa qua mới quay trở lại.
VEIL là pháp nhân đăng ký tại quần đảo Cayman, được thành lập từ năm 1995, do Dragon Capital quản lý. Thời điểm hiện tại, VEIL đang là quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng lên đến gần 1,6 tỷ USD, tương đương hơn 40.000 tỷ đồng (tính đến ngày 6/5/2025).
![]() |
Cổ phiếu bất động sản nhận được sự ưu ái của dòng tiền ngoại trong thời gian gần đây. |
Trước đó, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã công bố văn bản thông báo về thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu của công ty.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 29/4/2025, quỹ ngoại Dragon Capital do bà Trương Ngọc Phượng làm đại diện đã thông qua 4 quỹ thành viên của mình để mua vào thành công 2,8 triệu cổ phiếu DXG.
Sau giao dịch này, Dragon Capital nâng sở hữu cổ phiếu DXG từ gần 110,8 triệu cổ phiếu lên gần 113,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,7183% lên 13,0399% vốn tại Tập đoàn Đất Xanh.
Cũng trong tháng 4, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đã có văn bản thông báo đăng ký giao dịch mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ( KDH).
Theo đó, các quỹ thuộc VinaCapital đã đăng ký mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu KDH nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Không riêng các quỹ, nhìn chung, trong thời gian gần đây, khối ngoại trên thị trường liên tục có động thái gom cổ phiếu bất động sản.
Điển hình trong phiên 7/5, việc mua ròng 3 phiên liên tiếp của khối ngoại là điểm sáng, tạo tâm lý vững chắc cho nhà đầu tư nội. Đây cũng là phiên khối ngoại mua ròng lớn nhất 15 phiên, tổng cộng hơn 905 tỷ đồng trên HoSE, trong đó "bộ đôi" bất động sản DXG và NLG được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lần lượt 105 tỷ và 102 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu DXG tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh trong phiên 8/5 với giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Trong phiên này, cổ phiếu VIC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường với giá trị 145 tỷ đồng.
Sự tích cực lan tỏa
Thực tế, trong khi thị trường chung chứng kiến sự phân hoá, thì sự tích cực đang có xu hướng lan toả khắp nhóm cổ phiếu bất động sản.
Trong phiên 7/5, có được điểm số tăng giúp VN-Index vượt trên 1.250 điểm là nhờ sự góp công của nhóm cổ phiếu bất động sản. Dẫn đầu thị trường lẫn nhóm bất động sản là "bộ đôi" VIC và VHM.
Cổ phiếu VIC đóng cửa tăng 4,11%, thanh khoản trị giá 552,2 tỷ đồng, cao thứ hai thị trường. VHM đóng cửa trên tham chiếu 1,81%.
Các cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng ấn tượng, NLG đóng cửa giá kịch trần ở mức 30.700 đồng, với giá trị giao dịch đạt 193,4 tỷ đồng; cổ phiếu HDC tăng 5,64%, KDH tăng 5,54%, DXG tăng 4,58%, KBC tăng 3,4%, PDR tăng 2,79%…
Các cổ phiếu bất động sản nhỏ cũng tăng mạnh, trong đó AGG tăng 4,25%, DXS tăng 3,01%, QCG tăng 2,82%, D2D tăng 2,64%, NVL tăng 3,27%, OGC tăng 3,03%...
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu trồi sụt thời gian qua, cổ phiếu “đầu tàu” VIC (Vingroup) bất ngờ ghi nhận đà tăng dựng đứng hơn 60% chỉ sau 4 tháng đầu năm, leo lên ngưỡng 78.500 đồng/cp (chốt phiên 8/5) - vùng giá cao nhất gần 2 năm, là cổ phiếu tăng mạnh nhất VN30.
Ngoài câu chuyện Vinpearl, Vingroup còn dồn dập đón tin vui từ hoạt động sản xuất kinh doanh của VinFast cùng loạt dự án khủng trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, năng lượng,… được cho là “chất xúc tác” cho cổ phiếu này. Đồng thời, sự tăng giá của cổ phiếu VIC được cho là lan tỏa hiệu ứng sang các cổ phiếu trong ngành.
Mặt khác, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2024 và đầu năm 2025 đã có những dấu hiệu tích cực với sự gia tăng nguồn cung nhà ở và căn hộ, cải thiện về giá cả và nâng cao sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Trong năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua giai đoạn phục hồi sau thời kỳ trầm lắng trước đó. Nguồn cung sản phẩm mới bắt đầu tăng từ quý II/2024, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM nhờ các bộ luật mới có hiệu lực và quy hoạch tổng thể được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép dự án.
Ba tháng đầu năm 2025 tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, cơ sở hạ tầng được cải thiện và khung pháp lý hoàn thiện đã thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt kế hoạch kinh doanh lạc quan cho năm 2025 nhờ các dự án mới.
Chẳng hạn, Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 102.589 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với năm trước. Nam Long và Khang Điền dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 29,9% và 33,5%, nhờ các dự án như Akari Giai đoạn 2 và Clarita. Các doanh nghiệp này đều có quỹ đất lớn, pháp lý rõ ràng và tiềm lực tài chính vững mạnh, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo giới phân tích, ngành bất động sản Việt Nam đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính: lãi suất thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện khung pháp lý. Những yếu tố này tạo nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường trong tương lai gần. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng được khuyến nghị thận trọng trước những biến động tiềm ẩn của thị trường.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn