Vì sao xuất khẩu gạo phá kỷ lục nhưng lợi nhuận doanh nghiệp teo tóp?

Năm 2022, cả nước xuất khẩu hơn 7,2 triệu tấn gạo, với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 16% về lượng, và hơn 6% về giá trị so với năm 2021. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm của ngành gạo giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.

Nhu cầu lương thực trên thế giới tăng vọt đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đạt doanh thu kỷ lục. Tuy nhiên, việc hàng loạt chi phí tăng cao đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không được như kỳ vọng.

Vì sao xuất khẩu gạo phá kỷ lục nhưng lợi nhuận doanh nghiệp teo tóp? - Ảnh 1.

Ghi nhận doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động, nhưng năm 2022 lãi sau thuế của Lộc Trời vẫn giảm nhẹ 1%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp trong quý này đạt 3.062 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Lũy kế từ đầu năm, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 11.690 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021. Đây là mức doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của công ty. Mức tăng này chủ yếu đến từ doanh thu mảng lương thực khi đem về hơn 6.430 tỷ đồng (tăng gần 60%).

Tuy vậy, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh gần 50% (chủ yếu do chi phí lãi vay) và giá vốn bán hàng tăng 15% lên hơn 9.500 tỷ đồng nên cả năm, lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm nhẹ 1%, còn hơn 412 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn khác của Việt Nam phải kể đến là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Trong quý IV/2022, việc nhận được hàng loạt đơn hàng từ sớm đã giúp doanh thu của Trung An tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1.575 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Trung An đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của Trung An kể từ năm 2016.

Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của Trung An âm hơn 700 tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với đầu năm). Nguyên nhân là hàng tồn kho tăng mạnh gần 40% lên 1.410 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp đôi với khoảng 624 tỷ đồng.

Vì sao xuất khẩu gạo phá kỷ lục nhưng lợi nhuận doanh nghiệp teo tóp? - Ảnh 2.

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giảm hơn 27,5%. Doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền.

Để bù đắp, doanh nghiệp phải vay thêm hơn 1.590 tỷ đồng (tăng 21% so với đầu năm), trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn. Việc nhiều loại chi phí tăng mạnh, nhất chi phí lãi vay đã khiến lãi sau thuế của Trung An giảm gần 28% so với năm 2021, về còn 70 tỷ đồng.

Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đáng chú ý là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Năm qua nhờ thị trường lúa gạo thế giới xuất hiện cơ hội hiếm có nên các doanh nghiệp này liên tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu của Vinafood 1 đạt khoảng 700 ngàn tấn (chiếm khoảng 10% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước), với kim ngạch đạt khoảng 310 triệu USD.

Kết thúc năm 2022, doanh thu toàn tổng công ty ước đạt khoảng 16.170 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của Vinafood 1 đạt 283 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2021.

Vì sao xuất khẩu gạo phá kỷ lục nhưng lợi nhuận doanh nghiệp teo tóp? - Ảnh 3.

Thị trường xuất khẩu gạo sôi động giúp Vinafood 2 lần đầu tiên có lãi trong vòng 5 năm qua.

Với Vinafood 2 , sản lượng gạo toàn tổng công ty bán ra ước đạt hơn 1,1 triệu tấn, với doanh thu đạt hơn 17.300 tỷ đồng (tăng 4,6%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 430 triệu USD (tăng 9,3% so với năm trước).

Hết năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ước đạt hơn 22,5 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua, Vinafood 2 hoạt động có lợi nhuận.

Xem thêm tại cafef.vn