Vietnam Airlines tăng vốn điều lệ thêm gần 1 tỷ USD
Chiều 15/5, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 để thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng thuộc chiến lược tái cơ cấu và tăng vốn.
Tăng vốn điều lệ và mua thêm 50 máy bay
Báo cáo tại đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết doanh thu hợp nhất năm 2024 của tổng công ty đạt 112.777 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức cao kỷ lục 7.958 tỷ đồng, đánh dấu kết quả tốt nhất trong lịch sử hoạt động.

Bước sang quý I/2025, Vietnam Airlines cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 3.625 tỷ đồng, vận chuyển 6,2 triệu lượt hành khách, tăng lần lượt 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Vietnam Airlines, 2025 là năm bản lề để tổng công ty bước vào giai đoạn phát triển mới. Vietnam Airlines dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 22.000 tỷ đồng, thực hiện trong hai đợt, bao gồm tăng 9.000 tỷ đồng ngay trong năm 2025 và tiếp tục tăng thêm 13.000 tỷ đồng vào năm 2026.
Đợt tăng vốn này giúp Vietnam Airlines thoát âm vốn và củng cố nền tảng tài chính vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững.
Trình bày tại đại hội về phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết tổng số cổ phiếu chào bán là 900 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán theo mệnh giá là 9.000 tỉ đồng.
Số cổ phiếu trên dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu vào cuối năm 2025. Cổ đông sở hữu cổ phiếu này được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho các cá nhân, tổ chức trong nước (chỉ chuyển nhượng 1 lần). Tiền bán cổ phiếu tăng vốn sẽ sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
"Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Vietnam Airlines cải thiện khả năng thanh khoản, nâng cao chất lượng các chỉ số tài chính và giảm hệ số nợ. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để Hãng tiếp cận các nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ và triển khai các chiến lược dài hạn", đại diện Vietnam Airlines nói.
Về dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp, ông Tạ Mạnh Hùng, thành viên HĐQT Vietnam Airlines cho biết đây là dự án đã báo cáo cấp thẩm quyền từ năm 2017, nhưng đã tạm dừng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Hiện Vietnam Airlines đang báo cáo cấp thẩm quyền để triển khai dự án từ năm 2030-2032. Việc lựa chọn mua mới 100% dòng máy bay thân hẹp Airbus A320 NEO hoặc Boeing 737 MAX từ nhà sản xuất máy bay sẽ giúp hãng nhận được sự hỗ trợ vốn từ tổ chức tài chính, hỗ trợ về kỹ thuật của nhà sản xuất.
Dự kiến tổng mức đầu tư 50 máy bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng khoảng 3,587 tỷ USD (tương đương 92.379 tỷ đồng). Nếu thực hiện dự án, năm 2030 Vietnam Airlines sẽ nhận 14 máy bay, năm 2031 nhận 18 máy bay, và năm 2032 nhận 18 máy bay.
Lộ trình đưa cổ phiếu thoát diện bị kiểm soát đặc biệt
Tại đại hội, trả lời cổ đông về việc khi nào cổ phiếu HVN thoát khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt, ông Trần Văn Hữu, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết cổ phiếu Vietnam Airlines hiện đang trong diện kiểm soát đặc biệt là do chỉ số tài chính chưa đạt yêu cầu.

Theo ông Hữu, thời gian qua, hãng đã có các giải pháp như cải thiện tình hình tài chính đã nỗ lực hết sức giảm lỗ, tăng cường doanh thu. Đồng thời, triển khai các giải pháp tự thân tập trung vào các hoạt động vận tải hành khách quốc tế, tối ưu hóa khai thác, cơ cấu chi phí, trong đó tối ưu hóa hiệu suất đội tàu bay, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và lãi vay khi cơ cấu khoản nợ vay, tối ưu hóa hoạt động.
Kế toán trưởng Vietnam Airlines cũng cho biết hãng xây dựng kế hoạch dài hạn với mục tiêu giảm nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính phát triển hệ thống mạng đường bay, duy trì lợi nhuận dài hạn, có kế hoạch triển khai gói tăng vốn.
“Với các giải pháp cải thiện dòng tiền, kết quả khả quan và hồi phục rõ ràng, các chỉ số tài chính Vietnam Airlines tích cực, chúng tôi tin tưởng sẽ khắc phục sớm tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát diện đặc biệt", ông Hữu nói.
Nói rõ hơn về kế hoạch mua 50 máy bay, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines khẳng định đây là một trong những dự án quan trọng nhất của hãng.
Theo ông Hòa, hãng đã xác định giai đoạn sắp tới để phục hồi, mở rộng mạng bay, nên nhu cầu về máy bay rất lớn. Riêng năm nay, Vietnam Airlines sẽ mở mới và khai thác trở lại 15 đường bay quốc tế.
Hiện tại, Vietnam Airlines sở hữu đội bay hơn 100 máy bay, trong đó có 65 chiếc thân hẹp. Tuy nhiên, doanh nghiệp này dự báo năm 2030 sẽ cần đến 95 máy bay thân hẹp, 37 máy bay thân rộng và 5 máy bay ATR. Đến năm 2035, Vietnam Airlines cần 112 máy bay thân hẹp, 52 máy bay thân rộng.
"Dự án đầu tư thêm 50 tàu bay là nhu cầu tối thiểu của Vietnam Airlines trong bối cảnh nhu cầu về máy bay thương mại của các hãng trên toàn cầu rất lớn. Nếu các nhà sản xuất không kịp giao máy bay cho hãng trước năm 2030, Vietnam Airlines có thể phải thuê thêm tàu vào năm 2027 và 2028", Chủ tịch Vietnam Airlines nói.
Ông Hòa cho biết thêm khi được cởi trói nguồn vốn, tài chính khơi thông, Vietnam Airlines sẽ có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu máy bay và dự kiến máy bay sẽ giao vào năm 2030 hoặc 2031, nhưng hãng đang đàm phán để xin nhận được máy bay sớm hơn.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn