Vinasun: Lãi quý I/2025 giảm sâu, xuống thấp nhất 13 năm
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HoSE: VNS) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2025 đạt 234,39 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, biên lợi nhuận gộp suy giảm khi lợi nhuận gộp giảm 4,6%, còn 52,2 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh 28,7%, về mức 3,21 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 40,5%, lên 7,95 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 12%, tương ứng giảm hơn 5 tỷ đồng, nhưng không đủ bù đắp mức sụt giảm lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính, cũng như áp lực chi phí tài chính tăng cao. Các khoản thu – chi khác trong kỳ không biến động đáng kể.
Kết quý, công ty ghi nhận lợi nhận sau thuế đạt 14,16 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cách đây vài ngày, Vinasun đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu và thu nhập dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 53,63 tỷ đồng. Với kết quả đã đạt được trong quý I, Vinasun đã hoàn thành hơn một phần tư kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo công ty cũng cho biết đang triển khai kế hoạch đầu tư bổ sung khoảng 400 xe mới trong năm 2025, chủ yếu là xe Hybrid của Toyota. Tổng số xe dự kiến hoạt động đến cuối năm là 2.368 chiếc, giảm khoảng 100 xe so với cuối năm trước. Đây là một phần trong chiến lược tái cấu trúc đội xe nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả vận hành.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã làm dấy lên lo ngại trong giới cổ đông. Một số ý kiến bày tỏ quan ngại về áp lực chi phí đầu tư xe mới trong khi hiệu quả tài chính chưa có nhiều cải thiện.
Phản hồi về vấn đề này tại đại hội cổ đông, ông Trần Lê Minh – Phó Tổng giám đốc Vinasun – cho biết việc công ty đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi phần lớn đến từ sự suy giảm của các khoản thu nhập khác, không phản ánh trực tiếp sức khỏe hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo ông Minh, nếu chỉ xét riêng mảng vận tải, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu phục hồi trong hoạt động chính.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNS của Vinasun đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong nhiều năm, khiến nhiều cổ đông đặt vấn đề về khả năng công ty mua lại cổ phiếu quỹ nhằm hỗ trợ thị giá. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết sẽ chỉ cân nhắc phương án này nếu đảm bảo được yếu tố dòng tiền, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên thị trường hiện ở mức thấp, khoảng 2–3%, do phần lớn đã nằm trong tay cổ đông lớn.
Diễn biến đáng chú ý liên quan đến cơ cấu cổ đông là việc ông Lê Hải Đoàn – thành viên Hội đồng quản trị vừa được bầu tại đại hội cổ đông thường niên 2025 – đăng ký bán toàn bộ 9,3 triệu cổ phiếu VNS đang nắm giữ, tương đương 13,65% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/5 đến 3/6/2025. Với thị giá 10.550 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 29/4, lượng cổ phiếu này có giá trị khoảng gần 100 tỷ đồng.
Thông tin công bố cho biết giao dịch có khả năng là sự chuyển nhượng giữa các bên liên quan. Cụ thể, Công ty Cổ phần VBP – một trong hai tổ chức có liên quan đến ông Đoàn đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu VNS trong cùng thời gian, với mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,77%. Cùng với Tập đoàn HIPT, các bên liên quan đến ông Đoàn đang nắm tổng cộng khoảng 2,8 triệu cổ phiếu trước giao dịch.
Ông Đoàn bắt đầu gia tăng sở hữu tại Vinasun từ cuối năm 2024, trong bối cảnh quỹ ngoại Tael Two Partners LTD liên tục giảm tỷ lệ nắm giữ. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông xác nhận đã thực hiện các giao dịch thỏa thuận với cổ đông ngoại, song cho biết đây là giao dịch giữa các cổ đông với nhau và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn