VN-Index giảm gần 14 điểm phiên đầu tuần, NVL giao dịch đột biến

VN-Index hôm cuối tuần đạt mức cao nhất trong phiên tại 1.291,27, nhưng không thể giữ vững, chỉ số đóng cửa tại 1.281,8 điểm thể hiện áp lực cầu gia tăng chốt lời ở vùng điểm số cao. Trước khi bước vào phiên giao dịch mới, thị trường đón nhận thông tin VNDirect  -công ty chứng khoán nằm trong top dẫn đầu thị trường về thị phần môi giới bị tấn công hệ thống và khách hàng chưa thể giao dịch được. Việc VNDirect gặp sự cố phần nào ảnh hưởng đến tâm lý cũng như giao dịch trên thị trường do đây là CTCK có thị phần top 3 tại sàn HoSE trong năm 2023.

Bước vào phiên giao dịch ngày 25/3, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn sau 3 phiên liên tiếp tăng điểm. Áp lực chốt lời có phần dâng cao đã đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu cũng nhanh chóng quay trở lại và giúp các chỉ số hồi phục trở lại. Sắc xanh nhẹ của VN-Index được duy trì trong phần còn lại ở phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, giao dịch trên thị trường trở nên tiêu cực hơn khi áp lực bán dâng cao và đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu đi xuống. Tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan khi có một số tin đồn về một CTCK cắt margin đối với nhiều cổ phiếu.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, BID giảm mạnh 2,2% và lấy đi của VN-Index 1,67 điểm. Các mã ngân hàng như CTG, VCB, ACB... cũng chìm trong sắc đỏ và gây áp lực rất lớn. CTG cũng giảm 2,8% và lấy đi của VN-Index 1,31 điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như GVR, MSN, HPG... cũng đều giảm giá. GVR giảm sâu hơn 4% và lấy đi 1,32 điểm.

NVL là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index ngày 25/3

Nhóm cổ phiếu chứng khoán biến động cũng không được tốt. Tâm điểm của nhóm này tập trung vào VND, có thời điểm VND chịu áp lực bán rất mạnh và giảm đến hơn 3%, tuy nhiên, lực cầu vẫn tỏ ra tương đối mạnh giúp thu hẹp đà giảm vào cuối phiên và chỉ còn 1,44%. Đáng chú ý, dù không phải là "nhân vật chính" ở nhóm chứng khoán trong phiên hôm nay nhưng VCI bất ngờ bị bán mạnh vào những phút cuối phiên và giảm đến 3,2%, VDS giảm 3%, HCM cũng dể mất 1,75%.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản có biến động tích cực trong đó, NVL là tâm điểm khi tăng hơn 3,5% và khớp lệnh đột biến 110,5 triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại mua vào hơn 13,5 triệu đơn vị. NVL cũng là mã tác động tích cực nhất khi đóng góp cho VN-Index 0,29 điểm. Bên cạnh đó, các mã bất động sản khác như HPX, QCG, DRH, KHG... cũng biến động theo chiều hướng tích cực.

Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng có sự phân hoá khi ghi nhận một số mã tăng giá ở phiên hôm nay như VPB, TPB...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,94 điểm (-1,09%) xuống 1.267,86 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 351 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,36%) xuống 240,81 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 93 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index giữ được sắc xanh khi tăng 0,14 điểm (0,15%) lên 91,09 điểm.

Thanh khoản thị trường có phần giảm so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch riêng sàn HoSE đạt 29.258,55 tỷ đồng, giảm 15,76% so với phiên trước, một phần cũng do thiếu vắng giao dịch từ CTCK top 3 thị trường là VNDirect. Giao dịch thỏa thuận đóng góp giá trị gần 2.027 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX và UPCoM đạt lần lượt 2.924 tỷ đồng và 530 tỷ đồng.

NVL đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 110 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, VND và VIX khớp lệnh lần lượt 86 triệu đơn vị và 40 triệu đơn vị.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng 

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 10 liên tiếp riêng sàn HoSE với giá trị 540 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VNM với 164 tỷ đồng. MSN và VHM đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NVL được mua ròng mạnh nhất với 237 tỷ đồng. PDR và STB được mua ròng lần lượt 61 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn