VN-Index sẽ biến động ra sao trong tháng 4 qua lăng kính của các CTCK?

Hướng đến kịch bản VN-Index điều chỉnh sau chuỗi tăng dài

Theo báo cáo chiến lược tháng 4 của SSI Research, số liệu vĩ mô quý I nghiêng nhiều hơn về gam màu sáng. Tăng trưởng GDP cao hơn so với kịch bản tăng trưởng của Chính phủ, trong đó sản xuất và xuất khẩu phục hồi tích cực.

Số liệu tăng trưởng quý I chưa có sự bứt phá quá mạnh trên mức nền thấp nhưng cũng đánh dấu sự khởi đầu tích cực, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và bất động sản. Với kịch bản phục hồi luân phiên và kỳ vọng về tiêu dùng tích cực hơn trong nửa cuối năm nay, SSI Research dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 là khoảng 6%.

Các biến động về mặt ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất và các động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ là yếu tố cần phải theo dõi trong thời gian tới. Trong tháng 4, tâm điểm hoạt động của Chính phủ và Quốc hội là việc chuẩn bị văn bản pháp lý hướng dẫn dưới luật và các nghị quyết thí điểm cần trình lên trong kỳ họp Quốc hội tháng 5.

SSI Research nhận thấy một số yếu tố rủi ro có thể khiến thị trường cần có một “nhịp nghỉ”, bao gồm: lực bán chốt lời đẩy mạnh khi thị trường đã phục hồi gần 25% trong 5 tháng liên tục; biến động tăng của tỷ giá và biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Hai yếu tố rủi ro này có thể nhạy cảm hơn so với các tháng trước do thị trường đang tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng.

Sau các nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong tuần đầu tháng 4, P/E ước tính 1 năm của VN-Index đang ở mức 11,7 lần, tăng nhẹ từ mức 11 lần vào đầu tháng 3. SSI Research tin rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp vẫn khiến cho lợi suất đầu tư trên thị trường cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong bối cảnh hiện tại.

So với giai đoạn VN-Index tiệm cận mốc điểm số 1.300 điểm ở nửa đầu năm 2021, SSI Research nhận thấy giai đoạn hiện tại thị trường đang có lợi thế hơn về mặt định giá cũng như mặt bằng lãi suất cũng đang tốt hơn. Đáng chú ý là giai đoạn nửa đầu năm 2021 thị trường ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh tương ứng 77% ở quý I và 61% ở quý II. Với giai đoạn hiện tại để có thể tiến lên các vùng điểm số cao hơn thị trường có thể cần được hỗ trợ thêm bởi yếu tố triển vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới.

Kịch bản nhóm phân tích của SSI dự đoán cho thị trường là điều chỉnh ngắn hạn, tích lũy và quay lại xu hướng tăng chính. Cụ thể hơn, các mốc hỗ trợ cần lưu ý lần lượt tại vùng 1.240 - 1.230 điểm và xa hơn là 1.203 điểm trên VN-Index. Các nhịp hồi phục ngắn hạn có thể diễn ra khi chỉ số chạm các vùng này.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng có góc nhìn thận trọng tại báo cáo chiến lược tháng 4. Về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn HOSE trong quý I, VDSC ước tính mức tăng trưởng đạt khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Về thanh khoản thị trường, sự bùng nổ trong tháng 3 kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới và chủ yếu dẫn dắt bởi nhóm nhà đầu tư trong nước, khi mức lãi suất thực đang tiệm cận ngưỡng 0%, nhờ vào các đợt cắt giảm lãi suất có kỳ 12 tháng trở lên vẫn tiếp diễn kể từ đầu năm.

Với mức P/E 14,9 lần hiện tại, định giá tương đối sát với P/E mục tiêu 15x lần cho VN-Index mà VDSC đã đề ra trong báo cáo chiến lược năm 2024. Giả định kết quả kinh doanh quý I phù hợp với dự phóng, lợi nhuận sau thuế 12 tháng toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng 2% so với quý trước. Điều này hàm ý P/E thị trường sẽ điều chỉnh giảm và điểm số thị trường có thể tăng về quay trở lại mức P/E mục tiêu với một mức tương ứng là 2% tại điểm số đóng cửa tháng 3.

Tuy nhiên, tỷ giá hiện tại vẫn rất áp lực. Tỷ giá đã gần sát ngưỡng với mức Ngân hàng Nhà nước can thiệp 25.200 VND đổi 1 USD. Nhóm phân tích nhận thấy rằng tâm lý thị trường thường biến động mạnh trong nhưng lúc tỷ giá có biến chuyển lớn.

Với các yếu kéo và đẩy kể trên, VN-Index được kỳ vọng sẽ biến động trong biên độ hẹp 1.220 - 1.320 điểm trong tháng 4. Dự kiến dòng tiền còn khá dồi dào trên thị trường, VDSC cho rằng phần lớn thời gian của tháng 4 sẽ diễn ra các phiên “đỏ vỏ, xanh lòng”. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua có thể sẽ dao động trong biên độ hẹp và là yếu tố duy trì chỉ số thị trường, trong khi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ có mức tăng giá tốt hơn.

Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đồng quan điểm sau đợt tăng dài từ tháng 10/2023, một nhịp điều chỉnh là điều cần thiết để thị trường hạ nhiệt, làm “mềm” các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở những ngưỡng rất cao. Vùng giá kỳ vọng sẽ là 1.215 – 1.230 điểm của VN-Index.

Nếu chỉ số về vùng này, TPS khuyến nghị có thể xem xét giải ngân và đây sẽ là vùng mua trong cả trung hạn cho các nhà đầu tư ưa thích nắm giữ. TPS đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra trong tháng 4. Kịch bản tích cực (xác suất 40%), thị trường giữ được giá, nhưng vẫn sẽ có những phiên giảm về vùng giá 1.230 - 1.240 điểm.

Với kịch bản tích cực, chỉ số sau khi nhúng xuống vùng hỗ trợ có thể nhanh chóng lấy lại được sức mạnh và trở lại vùng giá 1.300 điểm. Xa hơn vùng 1.300 điểm, đà tăng của thị trường sẽ ổn định hơn bởi các kháng cự ở vùng giá này ít hơn. Sức mạnh của thị trường khi vượt vùng giá 1.300 điểm sẽ quyết định độ bền của xu hướng tăng tiếp đó.

Kịch bản trung tính (xác suất 60%), VN-Index trượt dần về 1.230 điểm và có thể rơi về những vùng giá thấp hơn. Thanh khoản giao dịch trong kịch bản này không cao bởi tâm lý nhà đầu tư thường trở nên thận trọng hơn. Với kịch bản này, nhà đầu tư sẽ chờ mua ở những vùng hỗ trợ dưới như 1.230 và 1.215 điểm (thấp nhất là vùng 1.180 điểm). Đây là vùng mua TPS đánh giá hấp dẫn cho cả ngắn hạn và trung hạn.

Ưu tiên chọn lựa cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt

Theo SSI Research, tháng 4 là cao điểm mùa báo cáo tài chính quý I và ĐHĐCĐ và các chủ đề liên quan tăng trưởng như kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn sẽ thu hút sự quan tâm của dòng tiền. Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh lành mạnh, nhà đầu tư nên tập trung vào bức tranh lớn và triển vọng tăng trưởng ở từng cổ phiếu để lựa chọn vùng giá tích lũy phù hợp. Báo cáo chiến lược nêu danh mục khuyến nghị gồm 6 cổ phiếu KDH, FMC, VPB, PLX, PVT, MSN.

Theo VDSC, với mức nền thấp của năm 2023, các thông tin về kế hoạch 2024 cũng như kết quả kinh doanh quý I nhìn chung sẽ tích cực so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, sự tích cực này là không ngoài kỳ vọng và đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Diễn biến tỷ giá là yếu tố nhà đầu tư cần quan sát chặt chẽ hơn.

Các ý tưởng giao dịch tháng 4 của VDSC xoay quanh các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận quý I tăng trưởng khả quan, danh mục khuyến nghị gồm HAX, SCS, QNS, REE, VNM, MSN, HPG, CMG, FPT, HSG, MWG, NTC...

Bàn về câu chuyện đầu tư trong tháng 4, TPS tập trung vào 3 ngành hóa chất, bán lẻ và thép. Danh mục khuyến nghị quan tâm gồm các mã QNS, HCM, MWG, PVB, DGC, NVL, VCI và HSG.

Báo cáo tháng 4 của FIDT nêu kịch bản cơ sở (xác suất 60%), thị trường sẽ đi ngang (sideways), VN-Index dao động 1.250 – 1.300 điểm. Vận động nhìn chung sẽ đi lên tuy nhiên sẽ không còn mạnh như những tháng đầu năm xuất phát từ ảnh hưởng của các yếu tố có trạng thái tốt xấu đan xen.

FIDT khuyến nghị quan tâm những nhóm ngành như: nhóm dầu khí thượng nguồn kỳ vọng về quyết định FIT cho dự án Lô B trong tháng 4; bất động sản với dòng tiền bắt đầu có sự phục hồi và tín hiệu thị trường tốt trong thực tế; nhóm chứng khoán với câu chuyện KRX đưa vào vận hành đầu tháng 5 cũng như triển vọng nâng hạng; nhóm xuất khẩu với sự phục hồi đơn hàng tốt vẫn nên duy trì một tỷ trọng tương đối trong rổ danh mục.

“Với rủi ro vẫn tiềm ẩn, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên để tỷ trọng thấp cho nhóm cổ phiếu có biến động lớn như chứng khoán hay những cổ phiếu đã tăng giá quá tốt và phản ánh đủ triển vọng, hoặc những câu chuyện phục hồi chưa rõ ràng của doanh nghiệp.”, FIDT khuyến nghị.

Tại báo cáo danh mục khuyến nghị tháng 4, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng hai câu chuyện chính dẫn dắt dòng tiền tháng 4 sẽ là kết quả kinh doanh quý I và các thông tin tại ĐHĐCD thường niên.

Với các tiêu chí ưu tiên cổ phiếu có định giá hợp lý và tình hình tài chính lành mạnh, lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng cao trong quý I cũng như duy trì trong cả năm 2024, Agriseco đưa ra một số ý tưởng đầu tư DBC, HPG, PLX, PVD, SSI, TNG.

Báo cáo chiến lược tháng 4 của Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng thị trường có thể sẽ gặp khó khăn trong tháng ngắn hạn và các nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng và phòng thủ trong giai đoạn này. Nhóm cổ phiếu chú ý tháng 4 gồm dịch vụ dầu khí (PVD, PVS) và công nghệ (FPT, CMG).

Xem thêm tại vietnambiz.vn