15 năm, 5.833 lượng vàng SJC: Khoản nợ xấu vàng lớn nhất thế kỷ và thế khó của Sacombank

Khoản nợ xấu 5.833 lượng vàng SJC kéo dài 15 năm

Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (mã cổ phiếu APT – UPCOM), tiền thân là Công ty Thực phẩm III, là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1976. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là nuôi trồng thủy sản, sản xuất và kinh doanh hải sản, chế biên đông lạnh và tươi sống nông sản, gia súc, gia cầm; gia công mặt hàng thủy hải sản; dịch vụ kho bảo quản hàng đông lạnh xuất khẩu.

Đầu năm 2009, thời điểm những khoản cho vay vàng còn phổ biến ở một số Ngân hàng thương mại, Thủy hải sản Sài Gòn đã được NHTMCP Phương Nam cho vay 5.833 lượng vàng SJC, tương đương khoảng hơn 154 tỷ đồng lúc bấy giờ.

Khoản vay này là hạn mức bổ sung vốn lưu động nên chỉ có thời hạn 12 tháng, ngày đến hạn theo khế ước là ngày 8/1/2010.

Vậy nhưng tình hình kinh doanh không thuận lợi sau đó đã khiến APT không thể thực hiện nghĩa vụ đúng hạn với ngân hàng. Trong 2 năm 2009 -2010, ảnh hưởng từ lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao cũng như khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ đã khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành thủy sản hoạt động kém hiệu quả.

Theo thống kê, lợi nhuận sau thuế của 9 trên 15 công ty trong ngành năm 2010 đều giảm mạnh. Trong cơn sóng dữ của ngành, APT cũng không phải ngoại lệ. Liên tiếp từ 2009 tới 2023, công ty thua lỗ liên tục 15 năm với mức lỗ năm sau cao hơn năm trước.

15 năm, 5.833 lượng vàng SJC, khoản nợ xấu vàng lớn nhất thế kỷ và thế khó của Sacombank
Công ty CP Kinh Doanh Thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: Internet

Gặp khó trong hoạt động kinh doanh, cho đến nay, tức là hơn 15 năm kể từ ngày vay vốn, APT vẫn chưa thể hoàn trả khoản nợ cho Sacombank. Điều trớ trêu là không như khoản vay bằng VND chỉ đẻ lãi, khoản vay bằng vàng nếu quy đổi ra tiền đã gấp gần 3 lần so với giá trị ban đầu do sự tăng giá của vàng.

Tính đến ngày 31/12/2023, 5.833 lượng vàng SJC mà APT nợ Sacombank đã có giá trị tương đương 435,14 tỷ đồng. Với diễn biến tăng khoảng 10% của giá vàng từ đầu năm tới nay, khoản nợ gốc ngày càng trĩu nặng.

Do tồn đọng khoản vay quá hạn chưa giải quyết được nên trong rất nhiều năm Công ty không thể vay vốn Ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh mà chỉ có thể xoay sở trong nguồn vốn có hạn.

15 năm, 5.833 lượng vàng SJC, khoản nợ xấu vàng lớn nhất thế kỷ và thế khó của Sacombank
Hình ảnh minh họa

Quay trở lại năm 2011, UBND TP. Hồ Chí Minh từng có thông báo số 447/TB-VP (ngày 12/7/2011) về việc kết luận thanh tra toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác điều hành SXKD và công tác quản lý tổ chức của APT. Qua đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất theo đề xuất của công ty, chọn phương án tái cấu trúc lại tổ chức và hoạt động để giúp công ty phục hồi.

Với việc mở đường này, Ban Điều hành Công ty đã tích cực đeo bám, tìm mọi giải pháp để làm việc với Ngân hàng Phương Nam về việc khoanh nợ nhằm tạo điều kiện cho Công ty thực hiện công tác tái cấu trúc theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Theo đó, Công ty đã gửi rất nhiều văn bản đề xuất giải pháp để được khoanh nợ nhưng đến cuối 2012 vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của Ngân hàng Phương Nam.

Đến năm 2015, Ngân hàng Phương Nam sáp nhập với Sacombank và món ‘quà’ mà Phương Nam để lại cho Sacombank là khối nợ xấu "khổng lồ", tất nhiên, không loại trừ cả khoản nợ 5.833 lượng vàng của APT.

Trong suốt hơn chục năm qua, HĐQT Công ty APT đã nhiều lần có văn bản đề nghị Ngân hàng Phương Nam và sau đó là Ngân hàng Sacombank tiến hành khoanh nợ, xóa lãi vay tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận.

Trong nỗ lực của mình, APT đã đưa ra hàng loạt giải pháp xử lý nợ như chuyển nợ vay thành vốn góp điều lệ, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, xây dựng thành các phương án để đàm phán với Ngân hàng nhưng không thể thực hiện được do cơ chế pháp lý.

Thế khó của Sacombank

Năm 2022, Sacombank đã nộp đơn khởi kiện Thủy hải sản Sài Gòn ra Tòa án nhân dân quận Bình Tân yêu cầu thanh toán nợ và phát mãi toàn bộ tài sản của công ty để thu hồi nợ.

Xin nói thêm, các hình thức bảo đảm tiền vay của khoản nợ kinh điển trên được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của Công ty theo hợp đồng thế chấp tài sản được ký ngày 8/1/2009. Nhưng tại 31/12/2023, giá trị tài sản trên sổ sách của APT chỉ có hơn 170 tỷ đồng, trong khi nghĩa vụ nợ quá hạn tại Ngân hàng đã lên tới 1.375 tỷ đồng.

15 năm, 5.833 lượng vàng SJC, khoản nợ xấu vàng lớn nhất thế kỷ và thế khó của Sacombank
Sản phẩm của APT từng nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao

Cho dù có ra Tòa thì việc Sacombank đòi được nợ của Thủy hải sản Sài Gòn cũng không dễ dàng, bởi lẽ bản thân APT hiện nay phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ nguồn tài chính cho đến bối cảnh kinh doanh chung của ngành.

Theo BCTC năm 2023 đã được kiểm toán, đến thời điểm 31/12/2023, APT đang lỗ lũy kế 1.354,5 tỷ đồng ăn cụt vào nguồn vốn chủ sở hữu 1.264,7 tỷ đồng. Công ty cho biết, khoản lỗ lũy kế trên thực chất là khoản lỗ do phát sinh lãi vay phải trả Sacomb và xử lý dự phòng công nợ, hàng tồn kho... của những năm từ 2009 trở về trước.

Nếu chỉ tính riêng từ hoạt động kinh doanh chính, không tính phần phát sinh lỗ của những năm trước đây, lãi phải trả cho Ngân hàng Sacombank và các khoản trích lập dự phòng thì mỗi năm APT cũng dư ra được vài tỷ đồng, như năm 2022 lãi hơn 5 tỷ và năm 2023 lãi hơn 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chừng nào chưa thể tất toán xong nghĩa vụ với Sacombank và những nghĩa vụ nợ khác như nợ Ngân sách, nợ quá hạn tại Tổng Cty TM Sài Gòn-TNHH MTV… thì APT rất khó có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay khác và trở mình.

Bên cạnh đó, việc thiếu vốn trong 1 thời gian dài, khiến tài sản bảo đảm, cơ sở vật chất hao mòn dần theo thời gian nhưng không được đầu tư mới cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của công ty.

Theo dự báo mới đây của APT, năm 2024, tình hình sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn hơn, một số khách gia công giảm lượng do nguồn nguyên liệu khan hiếm, không ổn định, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn