4 ngân hàng đầu tiên họp ĐHCĐ 2024: Nhiều con số mang đến kỳ vọng lớn, đặc biệt là cổ tức
Tại 4 ĐHCĐ ngân hàng vừa kết thúc, câu chuyện về kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án tăng vốn, chi trả thù lao như thường lệ trở thành một trong những vấn đề được quan tâm.
Trong khi đó, câu chuyện phân phối lợi nhuận dường như đã bớt nóng hơn khi tại tài liệu công bố trước thềm Đại hội, hàng loạt ngân hàng đã thông tin về các phương án chia cổ tức bằng tiền, cổ phiếu sau nhiều năm ở trạng thái “giữ lại toàn bộ lợi nhuận”.
Ngân hàng TMCP Nam Á (NAB) là ngân hàng tổ chức ĐHCĐ sớm nhất. Đại hội diễn ra vào hồi 8h30 tại Dalat Palace Heritage, số 02 Trần Phú, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ tờ trình được cổ đông biểu quyết thông qua. Một số thông tin quan trọng trong năm 2024 của NAB có thể kể tới như:
Phương án tăng vốn điều lệ thêm 3.145 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 10.580 tỷ lên mức 13.726 tỷ đồng. Trong đó, 2.645 tỷ tăng từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và 500 tỷ đồng phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động. Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi đã thực hiện tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Quang cảnh ĐHCĐ thường niên 2024 của NamABank |
Năm 2024, NAB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023. Tổng tài sản đạt 232.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Huy động đạt 178.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3% và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo đúng quy định
Ngoài ra, Đại hội còn thông qua các quyết sách khác liên quan tới việc bầu HĐQT mới, niêm yết trái phiếu và góp vốn, mua cổ phần…
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tiến hành ĐHCĐ vào đầu tháng 4 tại TP. HCM với sự tham dự của 219 cổ đông, chiếm 83,59% tổng số phiếu biểu quyết của VIB.
Đại hội thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với 2023; tổng tài sản dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 492.000 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 320.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; huy động vốn tăng 21%, đạt 315.200 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì thấp hơn 3%.
VIB cũng chốt kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% gồm cổ tức tiền mặt (12,5%) và cổ phiếu thưởng (17%). Đồng thời, ĐHCĐ VIB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng, tăng 17,44% so với năm 2023 nhằm triển khai các chiến lược mới trong giai đoạn tiếp theo.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là ngân hàng thứ 3 thực hiện tổ chức Đại hội vào ngày 4/4 tại TP. HCM.
Tính đến hiện tại, ACB là ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận 2024 cao nhất, lên tới 22.000 tỷ đồng - tăng 10% so với năm trước. Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 555.866 tỷ đồng - tăng 14% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.
Quang cảnh ĐHCĐ thường niên 2024 của ACB |
ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Như vậy, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ tương ứng thêm 5.800 tỷ đồng, lên mức 44.666 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB cho biết tín dụng của ACB đã tăng 3,7% so với đầu năm, huy động đạt 2,1% so với cuối năm 2023, tỷ lệ CASA trong quý đạt 23%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 4.900 tỷ đồng - giảm nhẹ so với cùng kỳ do tăng trích lập sự phòng chung.
Bên cạnh đó, ACB hiện tại không có kế hoạch M&A hay mở rộng ở nước ngoài và không bán vốn ACBS.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) cũng đã tổ chức ĐHCĐ vào ngày 5/4/2024 tại trụ sở ngân hàng tọa lạc ở số 36 Hoàng Cầu, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Mục tiêu lợi nhuận năm tới của ABBank ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 95% so với thực hiện năm 2023. Về các chỉ tiêu khác, ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay nhằm tích lũy nội tại để tăng vốn trong tương lai. Ngoài ra, kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE vẫn đang bỏ ngỏ.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn