ABBANK và Maybank: Thương vụ bền chặt hay món nợ dằng dặc?

“Món nợ” với cổ đông

Lần gần nhất ABBANK chia cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2017, với tỷ lệ 3,8%, thực chi hơn 202 tỷ đồng. Kể từ đó, ngân hàng chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ và củng cố năng lực tài chính.

Năm 2022, ngân hàng chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35%. Đến năm 2023, ABBANK tiếp tục phát hành thêm gần 94,1 triệu cổ phiếu để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, nâng vốn điều lệ lên hơn 10.350 tỷ đồng.

Dù việc tăng vốn được kỳ vọng giúp ngân hàng mở rộng hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng trong mắt nhiều cổ đông, những đợt chia cổ phiếu liên tiếp không thể thay thế được dòng tiền thực tế mà họ trông đợi.

ABBANK và Maybank: Thương vụ bền chặt hay 'món nợ' dằng dặc?
Ngày 18/4/2025, ABBANK tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên tại Hà Nội. Ảnh: nhadautu

Ban lãnh đạo ABBANK nhiều lần nhấn mạnh việc giữ lại lợi nhuận là cần thiết để phục vụ cho chiến lược tái cấu trúc, tăng vốn và đầu tư vào nền tảng phát triển dài hạn. Toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm 2024, khoảng hơn 470 tỷ đồng, cùng với lợi nhuận chưa phân phối các năm trước, tổng cộng 2.311 tỷ đồng, tiếp tục được giữ lại để xử lý nợ xấu và tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng thừa nhận năm 2024 là một năm vô cùng khó khăn của ABBANK, với lợi nhuận trước thuế đạt 779 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 81% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc kế hoạch kinh doanh chưa sát thực tế, danh mục tín dụng chưa được đánh giá đầy đủ, tỷ lệ nợ xấu phát sinh nhiều và hệ quả của quá trình luân chuyển nhân sự cấp quản lý khiến hiệu quả hoạt động kinh doanh sụt giảm đáng kể.

Tuy vậy, ông Kháng khẳng định ngân hàng đã đi qua giai đoạn "vùng trũng" nhất và đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2024. Trong quý I/2025, ABBANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 416 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành hơn 23% kế hoạch năm.

Dù chưa thể cam kết chia cổ tức tiền mặt ngay trong năm 2025, lãnh đạo ABBANK cho biết sẽ nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động để từng bước đáp ứng kỳ vọng cổ đông.

"Chúng tôi còn nợ cổ đông quá nhiều. Nhưng ở thời điểm hiện tại, an toàn và tái cấu trúc hệ thống phải là ưu tiên số một", ông Vũ Văn Tiền nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ hy vọng nỗ lực hiện tại sẽ sớm mang lại thành quả xứng đáng cho các cổ đông trong tương lai gần.

ABBANK “nợ” cổ đông nào nhiều nhất?

Nếu điểm tên một cổ đông mà ABBANK mang "nợ" nhiều nhất, thì không cái tên nào xứng đáng hơn Malayan Banking Berhad (Maybank) – cổ đông chiến lược, cũng là đối tác đã đồng hành suốt 17 năm cùng Ngân hàng An Bình.

ABBANK và Maybank: Thương vụ bền chặt hay 'món nợ' dằng dặc?
Maybank là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Đông Nam Á, dẫn đầu tại Malaysia về thị phần và quy mô tài sản

Năm 2008, Maybank trở thành cổ đông chiến lược của ABBANK sau khi mua 15% vốn điều lệ (tương đương 40,588 triệu cổ phần), với tổng giá trị quy đổi theo tỷ giá thời điểm đó khoảng 1.580 tỷ đồng, tương ứng mức giá gần 39.000 đồng/cổ phiếu.

So với thỏa thuận ban đầu, mức giá này đã được điều chỉnh giảm. Ban đầu, Maybank dự kiến chi khoảng 430 triệu ringgit Malaysia (RM), tương đương 124,6 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) để sở hữu số cổ phần trên. Việc điều chỉnh giảm là do những biến động kinh tế lớn diễn ra trong giai đoạn này.

Quay lại bối cảnh năm 2008, đây là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh mẽ sau đỉnh cao năm 2007. Chỉ số VN-Index trượt dài từ gần 1.170 điểm (tháng 3/2007) xuống chỉ còn 300–400 điểm vào giữa năm 2008.

Cổ phiếu ngành ngân hàng, tài chính giảm sâu theo đà chung của thị trường. Riêng ABBANK, do chưa niêm yết trên HOSE hay HNX, cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC với giá dao động 18.000–25.000 đồng/cp.

So với các ngân hàng cùng thời điểm, mức giá Maybank mua cổ phiếu ABBANK cao hơn giá OTC của TCB (25.000–40.000 đồng/cp) và VPB (18.000–30.000 đồng/cp), nhưng thấp hơn Vietcombank (50.000–60.000 đồng/cp) và ngang bằng ACB (35.000–45.000 đồng/cp).

Xét về quy mô, ABBANK nhỏ hơn nhiều so với Vietcombank, ACB. Tuy nhiên, đây là một thương vụ chiến lược, đi kèm với quyền quản trị và vị trí cổ đông lớn, do đó mức giá Maybank chấp nhận bỏ ra phản ánh giá trị chiến lược hơn là chỉ dựa trên quy mô tài sản hay lợi nhuận của ABBANK.

Ngay khi thương vụ bán 15% vốn điều lệ cho Maybank hoàn tất, Chủ tịch HĐQT ABBANK thời điểm đó - ông Vũ Văn Tiền, cho biết: “Không có gì thuyết phục hơn thực tế. ABBANK đã thu hút đối tác qua những giá trị căn bản của mình trong toàn bộ các hoạt động công khai và minh bạch”.

ABBANK và Maybank: Thương vụ bền chặt hay 'món nợ' dằng dặc?
Maybank trở thành cổ đông chiến lược của ABBANK vào năm 2008 sau khi mua 15% vốn điều lệ (tương đương 40,588 triệu cổ phần)

Tuy nhiên, sự phát triển của ABBANK sau “cú bắt tay” với Maybank lại không được như kỳ vọng. Ngân hàng tăng trưởng chậm, biên lợi nhuận thấp hơn so với đối thủ cùng quy mô, đồng thời gặp khó khăn về nhân sự, quản trị, nợ xấu và đặc biệt là lỡ hẹn nhiều năm với kế hoạch niêm yết trên HOSE.

Hệ quả, cổ phiếu ABB không tạo được sức hút trên thị trường. Cổ phiếu ABB chính thức giao dịch trên UPCoM từ 28/12/2020 với mức giá tham chiếu khá khiêm tốn, 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong vòng một năm sau đó, giá cổ phiếu ABB có xu hướng tăng nhưng mức tăng không nổi bật so với nhóm ngân hàng niêm yết khác.

Đến tháng 2/2022, sau đợt chia cổ phiếu thưởng, giá ABB điều chỉnh do pha loãng, duy trì ổn định quanh 12.000–13.000 đồng/cổ phiếu giữa năm 2022. Từ năm 2023 đến đầu 2025, cổ phiếu ABB liên tục giao dịch dưới mệnh giá, phổ biến ở mức 7.000–8.000 đồng/cp. Chốt phiên ngày 6/5/2025, cổ phiếu ABB đóng cửa ở mức giá 7.400 đồng/cp, chưa bằng 20% mức giá mà Maybank từng bỏ ra cách đây 17 năm.

ABBANK và Maybank: Thương vụ bền chặt hay 'món nợ' dằng dặc?
Diễn biến giá cổ phiếu ABB

Cổ đông bền chặt

Quay lại thời điểm Maybank và ABBANK hoàn tất đàm phán, “cả hai bên đều thấy hài lòng”, theo phát biểu của Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBANK khi đó, ông Nguyễn Hùng Mạnh.

Vị này cho biết: “Chính nhờ phong cách kỹ lưỡng từ phía đối tác, chúng tôi biết điều mà họ cần chính là sự bền chặt lâu dài để đôi bên cùng phát triển”.

Hành trình gần 2 thập kỷ sau ngày hợp tác đã chứng minh, “bền chặt” quả thật là từ ngữ thích hợp nhất để miêu tả về thương vụ đầu tư của Maybank vào An Bình.

Cuối năm 2009, Maybank nâng tỷ lệ sở hữu tại ABBANK từ 15% lên 20%. Đến tháng 12/2010, ngân hàng này tiếp tục rót vốn vào ABBANK thông qua trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu dài hạn, nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu và bổ sung nguồn lực tài chính cho đối tác Việt Nam.

Với vai trò cổ đông chiến lược, Maybank – tập đoàn ngân hàng lớn nhất Malaysia – không chỉ góp vốn mà còn đồng hành hỗ trợ chuyên môn toàn diện. ABBANK đã mời các chuyên gia quản lý rủi ro thị trường của Maybank tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật quy trình và quy định quản lý rủi ro hiện đại, giúp củng cố năng lực kiểm soát rủi ro của ngân hàng.

Thời gian đầu hợp tác, Maybank tài trợ thương mại 22 triệu USD, tham gia đồng tài trợ cho khách hàng của ABBANK, đồng thời cử chuyên gia xây dựng khối Quản lý Rủi ro, đào tạo nghiệp vụ về rủi ro thị trường và vận hành. Ngoài ra, Maybank cũng hỗ trợ ABBANK trong công tác vận hành, triển khai hệ thống báo cáo thông tin quản lý (MIS), cải thiện cấu trúc, quy trình, lập dự toán, phát triển công nghệ thông tin, nội quy đạo đức, và hỗ trợ nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối.

Hiện nay, sau khi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thoái vốn, Maybank trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại Ngân hàng An Bình với tỷ lệ sở hữu 16,4%.

ABBANK và Maybank: Thương vụ bền chặt hay 'món nợ' dằng dặc?
ABBANK và Maybank ký văn bản tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược vào tháng 9/2024. Ảnh: ABBANK

Sự “bền chặt” của Maybank khá hiếm gặp trên thị trường tài chính Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ gắn bó, cổ đông chiến lược Standard Chartered đã thoái vốn hoàn toàn khỏi ngân hàng ACB vào năm 2018. Cùng thời điểm Maybank đầu tư vào ABBANK năm 2008, Eximbank cũng đón nhận vốn ngoại từ SMBC, với thương vụ bán 15% cổ phần. Thế nhưng, sau quãng thời gian dài Eximbank chật vật với quản trị và lợi nhuận, SMBC đã rút lui khỏi ngân hàng này vào năm 2022.

Trong khi nhiều nhà băng ngoại đã rời đi, Maybank vẫn đang tiếp tục nối dài những thỏa thuận chiến lược cùng ABBANK. Tháng 9 năm ngoái, Maybank và ABBANK tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận tăng cường Hợp tác chiến lược, trong đó tập trung vào công tác hỗ trợ cho các sáng kiến chuyển đổi và xây dựng năng lực của ABBANK.

Theo đó, nội dung Biên bản ghi nhớ thỏa thuận các nguyên tắc để các bên cùng hợp tác xây dựng và triển khai các dự án tư vấn nâng cao hiệu quả hoạt động của ABBANK đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi, bao gồm nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực Ngân hàng SME; Ngân hàng Bán lẻ và số hóa và các lĩnh vực khác phù hợp trong hoạt động kinh doanh của hai bên.

Sự kiện lần này phát đi thông điệp cam kết của cả hai bên trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh ABBANK đang tiến hành các công tác chuyển đổi toàn diện.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn