ADB cho Campuchia vay 50 triệu USD để thúc đẩy năng lực cạnh tranh

Ngân hàng ADB chấp thuận khoản vay chính sách trị giá 50 triệu USD nhằm hỗ trợ chính phủ Campuchia đa dạng hoá nền kinh tế và thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia này.

ADB cho Campuchia vay 50 triệu USD để thúc đẩy năng lực cạnh tranh

Ngân hàng ADB chấp thuận khoản vay chính sách trị giá 50 triệu USD nhằm hỗ trợ chính phủ Campuchia đa dạng hoá nền kinh tế và thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia này.

Khoản vay sẽ hỗ trợ đà phục hồi kinh tế hậu Covid-19 bằng cách hỗ trợ cuộc cải cách của chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đồng thời cải thiện chính sách thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.

Ngành may mặc là một ngành đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Campuchia. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng may mặc của nước này đã tăng 18.5%.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt Campuchia (thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính nước này) cho thấy xuất khẩu hàng may mặc đạt 7.75 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng từ mức 6.54 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Con số này chiếm khoảng 41.3% tổng thu nhập nước ngoài của Campuchia là 18.75 tỷ USD trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, trong tháng 10/2022, xuất khẩu giảm do nhu cầu từ các thị trường nước ngoài chậm lại.

“Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Campuchia, như sản xuất hàng may mặc, giày dép và dệt may, cũng như du lịch và xây dựng”, chuyên gia kinh tế cấp cao của ADB, Sion L. Morton cho biết.

“Những cải cách trong chương trình cho vay này sẽ giúp cải thiện triển vọng phục hồi hậu COVID-19 của Campuchia bằng cách mở đường cho các doanh nghiệp phát triển và chuyển sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, cũng như thích ứng được với bối cảnh thương mại đang thay đổi”, ông nói.

Khoản vay, một phần của Chương trình Thương mại và Năng lực Cạnh tranh, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể cho cả các công ty trong nước và nước ngoài hoạt động tại Campuchia.

Theo phần chương trình đầu tiên, chính phủ Campuchia đã ban hành luật đầu tư mới để hệ thống hoá các biện pháp bảo vệ pháp lý cho giới đầu tư, bao gồm cả những người đầu tư vào các đặc khu kinh tế, đồng thời nâng cấp cổng thông tin kinh doanh trực tuyến để cho phép cấp giấy phép kinh doanh số chuyên biệt kịp thời.

Chương trình hỗ trợ sự phát triển và đa dạng hóa của các MSME, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của họ và tạo ra thị trường mới cho họ.

Trong đó bao gồm việc đơn giản hóa định nghĩa pháp lý về MSME; triển khai gói hỗ trợ do chính phủ tài trợ để cung cấp các khoản trợ cấp; và hỗ trợ kỹ thuật cho MSME trong các ngành ưu tiên có nhiều phụ nữ tham gia.

Chương trình cũng sẽ giúp Campuchia cải thiện việc thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và tăng cường phối hợp để tạo thuận lợi thương mại, từ đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Campuchia xuất khẩu hàng hóa. Là một phần của phần chương trình đầu tiên, chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi Thương mại và phê duyệt Lộ trình Quốc gia về Tạo thuận lợi Thương mại.

Kim Dung (Theo Khmer Times)

FILI