Bản tin kinh tế ngày 19/11/2024
SSI 'ế' hơn 5 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông
Công ty CP Chứng khoán SSI (MCK: SSI) vừa công bố Nghị quyết số 18/2024/NQ-HĐQT của HĐQT thông qua kết quả thực hiện quyền mua cổ phiếu được chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu và tiếp tục phân phối số lượng cổ phiếu chưa được đăng ký mua.
Theo đó, SSI đã phân phối gần 145,6 triệu cổ phiếu/tổng số 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Gần 145,6 triệu cổ phiếu này đã được đăng ký mua và nộp tiền đến hết ngày 4/11. Với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu, số tiền thu được tương ứng gần 2.184 tỷ đồng.
Số cổ phiếu chưa được đăng ký mua là hơn 5,3 triệu đơn vị. Lượng cổ phiếu này sẽ được SSI tiếp tục phân phối cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cán bộ chủ chốt của công ty cũng với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Theo danh sách công bố đính kèm nghị quyết, có 8 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện đã đăng ký mua hết số cổ phiếu trên, đều là cán bộ cấp cao của SSI.
Trong đó, 2 nhà đầu tư được phân phối nhiều nhất là bà Nguyễn Vũ Thùy Hương- Giám đốc Khối cao cấp Phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn & Kinh doanh tài chính và bà Nguyễn Ngọc Anh- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI với số lượng cùng là 1 triệu cổ phiếu.
Sau đó là bà Lê Thị Lệ Hằng- Giám đốc Chiến lược và ông Bùi Thế Tân- Giám đốc Khối Bán lẻ, đều được phân phối 850.000 cổ phiếu, ông Mai Hoàng Khánh Minh- Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán Khách hàng tổ chức, được phân phối hơn 835.000 cổ phiếu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Thông- Phó Tổng Giám đốc được phân phối 300.000 cổ phiếu, bà Nguyễn Thị Thanh Hà- Giám đốc Tài chính 300.000 cổ phiếu và ông Thomas Nguyen- Giám đốc Thị trường nước ngoài 200.000 cổ phiếu.
Được biết, việc SSI phát hành 151,1 triệu cổ phiếu nhằm hướng đến việc huy động gần 2.267 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi và bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.
TCBS giành 'ngôi vương' vốn điều lệ công ty chứng khoán
CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, ngày 15/11, TCBS kết thúc đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, phân phối thành công hơn 1,743 tỷ cổ phiếu cho 73 cổ đông. Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng lên 1,96 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ đạt 19.613 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, bao gồm 9.192 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 8.242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Với vốn điều lệ 19.613 tỷ đồng, TCBS đã giành được "ngôi vương" về vốn trong nhóm các công ty chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý III/2024, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 1.845 tỷ đồng với hầu hết các mảng kinh doanh đều có sự tăng trưởng.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu là mảng cho vay và phải thu với 706 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Một số mảng kinh doanh khác như doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh và đại lý phát hành đóng góp 307 tỷ đồng, tăng 7%; lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) hơn 126 tỷ đồng, tăng 16%.
Dù đóng góp nhiều thứ hai trong tổng doanh thu với gần 487 tỷ đồng nhưng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lại giảm 27%. Bên cạnh đó, doanh thu môi giới cũng giảm 9% về gần 134 tỷ đồng.
Các khoản chi phí của TCBS có biến động trái chiều. Trong khi chi phí hoạt động giảm 4% còn 140 tỷ đồng, thì chi phí tài chính lại tăng 62% lên gần 478 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 14% lên hơn 136 tỷ đồng.
TCBS báo lợi nhuận trước thuế 1.097 tỷ đồng trong quý III/2024, giảm 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng "đi lùi" 4% so với cùng kỳ, về gần 878 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCBS mang về doanh thu 5.772 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 3.869 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm (3.700 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của TCBS đạt gần 49.868 tỷ đồng, tăng gần 6.080 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% so với đầu năm.
Tổng nợ phải trả cuối quý III/2024 đạt gần 24.279 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn gần 18.251 tỷ đồng. Trong đó, 10.577,5 tỷ đồng là vay vốn bằng đồng USD và 7.673 tỷ đồng vay bằng VND.
Huy động 3.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Nhà Khang Điền "rót" vốn vào đâu?
CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền, MCK: KDH, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tình hình sử dụng vốn thu về từ đợt chào bán bán cổ phiếu riêng lẻ được thực hiện vào tháng 7/2024.
Trước đó, từ 15-29/7/2024, Nhà Khang Điền chào bán hơn 110 triệu cổ phiếu KDH với giá chào bán 27.250 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 3.000 tỷ đồng. Sau đợt chào bán, doanh nghiệp này nâng vốn điều lệ từ 7.993 tỷ đồng lên 9.094 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình sử dụng vốn, KDH cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 29/7/2024 - 1/10/2024, doanh nghiệp này đã giải ngân toàn bộ 3.000 tỷ đồng huy động được, trong đó: Đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (2.700 tỷ đồng); Thanh toán nợ vay tại ngân hàng theo hợp đồng tín dụng năm 2021 gần 250 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh 50 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu của KDH, số tiền mà doanh nghiệp này đầu tư góp thêm vốn vào Khang Phúc đã được Khang Phúc thanh toán cho 3 khoản vay tại ngân hàng của Khang Phúc đúng theo mục đích chào bán đã được phê duyệt.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý III/2024, Nhà Khang Điền ghi nhận 252,6 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 59% so với cùng kỳ. Mặc dù đã tiết giảm giá vốn nhưng lợi nhuận gộp vẫn giảm 64% về còn 157,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm lần lượt 81,5% và 75% so với cùng kỳ, về còn 12,6 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 49,4 tỷ đồng.
Kết quả, Nhà Khang Điền báo lãi sau thuế gẩn 66,4 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Khang Điền ghi nhận 1.231 tỷ đồng doanh thu thuần, 410,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 24% và 61,5% so với 9 tháng đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Khang Điền đạt 31.605 tỷ đồng, tăng 19,3% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, KDH có 3.295 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 3.476 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Chiếm 71% tổng tài sản là hàng tồn kho với 22.450 tỷ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm, hầu hết đến từ bất động sản xây dựng dở dang. Trong đó, dự án Khu dân cư Tân Tạo chiếm 6.651 tỷ đồng, Bình Trưng Đông chiếm 7.873 tỷ đồng, Khu định cư Phong Phú 2 chiếm 1.797 tỷ đồng, An Dương Vương chiếm 1.741 tỷ đồng…
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang 967 tỷ đồng gần như toàn bộ nằm ở KCN Lê Minh Xuân mở rộng đang được thế chấp cho khoản vay ngân hàng.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng nợ phải trả của Nhà Khang Điền tăng 16% so với đầu năm, ở mức 12.722 tỷ đồng.
Quỹ ngoại Phần Lan liên tục giảm sở hữu tại Dabaco
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu/chứng chỉ quỹ đóng tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (MCK: DBC, sàn HoSE).
Theo đó, ngày 5/11/2024 quỹ Pyn Elite Fund đã thông qua sàn để đã bán ra 1 triệu cổ phiếu DBC, giảm sở hữu tại Dabaco từ hơn 24,1 triệu cổ phiếu (tương đương 7,2% vốn) xuống mức hơn 23,1 triệu cổ phiếu (tương đương 6,9% vốn).
Tính theo giá cổ phiếu DBC đóng cửa phiên ngày 5/11/2024 là 27.550 đồng/cổ phiếu, ước tính Pyn Elite Fund đã thu về 27,55 tỷ đồng từ giao dịch bán ra cổ phiếu này.
Chỉ sau đó 2 ngày, quỹ Pyn Elite Fund tiếp tục thông qua sàn để bán ra 1,1 triẹu cổ phiếu DBC. Sau giao dịch bán ra cổ phiếu này, Pyn Elite Fund giảm sở hữu từ 21,1 triệu cổ phiếu DBC (tương đương 6,31% vốn) xuống còn hơn 20 triệu cổ phiếu (tương đương 5,98% vốn) tại Dabaco.
Cũng tính theo giá cổ phiếu DBC đóng cửa phiên ngày 7/11/2024 là 28.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Pyn Elite Fund đã thu về 30,8 tỷ đồng từ giao dịch bán ra cổ phiếu lần này.
Về tình hình kinh doanh của Dabaco, theo báo cáo tài chính quý III/2024 công ty mang về doanh thu thuần 3.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Do giá vốn giảm mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 624 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng nhưng mức tăng không đáng kể. Qua đó, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, gấp 25 lần cùng kỳ, đạt 312 tỷ đồng, mức lợi nhuận cao nhất trong 5 quý gần đây.
Giải trình về việc lợi nhuận tăng đột biến, Dabaco cho biết, trong quý III/2024, tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định; giá lợn hơi trên thị trường tăng. Do vậy, lợi nhuận các đơn vị chăn nuôi tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Dabaco mang về 9.962 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế 530 tỷ đồng, gấp 28 lần cùng kỳ.
Năm 2024, DBC đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng; lần lượt tăng 14% và gấp 29 lần năm 2023. Như vậy sau 9 tháng, công ty mới hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu nhưng đã đạt 73% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng tài sản của Dabaco đạt 14.070 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 7.543 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó phần lớn là nợ vay với 5.685 tỷ đồng, DBC không thuyết minh chi tiết các chủ nợ.
Vốn chủ sở hữu đạt 6.527 tỷ đồng, bao gồm 3.347 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu (tăng 927 tỷ đồng so với đầu năm); lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 533 tỷ đồng.
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn