Bancassurance sụt giảm mạnh, tương lai vẫn là 'mỏ vàng' của ngân hàng?

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024, cổ đông của các ngân hàng không còn quan tâm nhiều đến mảng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm như những năm trước. Nguyên nhân có thể do Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sắp có hiệu lực quy định các ngân hàng không được bán bảo hiểm “bia kèm lạc”, đồng thời có những quy định chặt chẽ hơn về quy trình, nghiệp vụ. Do đó, các ngân hàng cần có thời gian để quản trị lại hoạt động này.

Khó tránh khỏi sụt giảm

Báo cáo tài chính quý I/2024 đang được các ngân hàng dần công bố, song nhiều ngân hàng cho biết, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm chưa hồi phục. Mảng bảo hiểm - vốn là “át chủ bài” trong thu dịch vụ của nhiều ngân hàng - vẫn chưa có sự khởi sắc. Năm nay, nhiều ngân hàng không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bán chéo bảo hiểm.

Tại ĐHĐCĐ của VIB, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cho hay, trong quý I/2024, VIB đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do các ngân hàng mất một tháng hoạt động trong kỳ Tết và các hoạt động bancassurance giảm sút.

Còn theo lãnh đạo ACB, năm qua, doanh thu từ phí bảo hiểm của ngân hàng có sụt giảm nhẹ trong bối cảnh chung của thị trường. Vì vậy, trong năm nay ACB cũng không đặt kỳ vọng cao vào mảng kinh doanh bảo hiểm.

-4481-1714031689.jpg

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7 tới có thể gây ra nhiều thách thức hơn đối với doanh thu mảng bancassurance trong năm 2024.

Trả lời cổ đông về việc khi doanh thu mảng bancassurance bị ảnh hưởng, ACB sẽ bù đắp doanh thu từ mảng nào khác để có thể thực hiện được mục tiêu lợi nhuận 2024?, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát cho hay, để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 22.000 tỷ đồng trong năm nay, ACB sẽ tìm cách đẩy mạnh doanh thu từ các mảng khác. Chẳng hạn, gần đây, ACB đã phát triển dịch vụ mới như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế…

Trong khi đó, để tiếp tục tăng các khoản thu ngoài lãi đối với nhóm khách hàng cá nhân, lãnh đạo ABBank cho biết sẽ đẩy mạnh các mảng bảo lãnh, bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, tăng thu phí dịch vụ thông qua việc thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng tài khoản ABBank như là tài khoản giao dịch chính...

Đồng thời, ABBank tập trung đẩy mạnh phát triển và cung cấp các dịch vụ về ngân hàng giao dịch cho các khách hàng SME và khách hàng doanh nghiệp lớn; khai thác sâu vào nhóm doanh nghiệp SME có doanh thu từ 25 đến 2.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, ABBank sẽ tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng của các mảng kinh doanh trọng yếu, với dự kiến tăng trưởng 13,5% ở cả mảng huy động và cho vay.

Để làm được điều này lãnh đạo ABBank cho biết ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số.

Khi nào bancassurance phục hồi?

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, doanh thu phí năm 2024 của mảng bảo hiểm nhân thọ tăng nhẹ 5%, đạt 164.000 tỷ đồng khi mà người tiêu dùng chưa có kỳ vọng chắc chắn về sự phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài ra, SSI cho rằng Thông tư 67 của Bộ Tài chính (về hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm) và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng sẽ tác động đến doanh thu của mảng bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, thông điệp của Thông tư 67 là hướng tới việc thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và minh bạch về dài hạn của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách cần có thời gian để thích nghi, những quy định mới cũng có thể có ảnh hưởng nhất định tới việc phục hồi về tăng trưởng doanh thu phí khai thác mới trong ngắn hạn.

Về Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, Luật sẽ nghiêm cấm việc gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm/dịch vụ khác của ngân hàng dưới mọi hình thức. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể gây ra nhiều thách thức hơn đối với doanh thu bancassurance trong năm 2024.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, quy định mới sẽ khiến các ngân hàng có thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, thị trường sẽ có diễn biến tích cực trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh bancassurance. Cùng với nỗ lực mang lại tính minh bạch cho thị trường từ phía cơ quan quản lý, cần có sự phối hợp chủ động hơn ở tất cả các cấp của ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, từ trụ sở chính đến chi nhánh.

Lãnh đạo ACB tin rằng, mảng kinh doanh này của ACB nói riêng và thị trường nói chung sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới nhờ các quy định chặt chẽ hơn trong luật mới sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn.

Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB, sau những lùm xùm xảy ra với hoạt động bảo hiểm của ngành ngân hàng trong thời gian qua, ngân hàng cẩn trọng cao hơn. VIB ưu tiên đào tạo để các cấp và nhân viên nắm rõ hoạt động bancassurance, sau đó chuyển tải thành quy trình để nhân viên tuân thủ pháp luật.

Ngân hàng đã thành lập một ủy ban cam kết về các điều khoản tuân thủ quy định, tiến hành hoạt động thanh tra, giám sát để phát hiện trường hợp không đúng chuẩn, xử lý nghiêm khắc.

Ông Vũ khẳng định, ngân hàng bán bancassurance theo sự tự nguyện để thể hiện cam kết. VIB muốn biến bancassurance không phải là sản phẩm bán kèm hay bắt ép mà bancassurance phải là quyền lợi của khách hàng, phải truyền tải thông tin bảo hiểm là quyền lợi cho khách hàng.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn