Báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu VNI bị vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về trạng thái chứng khoán của cổ phiếu của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (mã VNI-UPCoM).
Cụ thể, cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 13/11/2024 do BCTC bị tổ chức kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp (2021, 2022, và 2023), thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.
Bên cạnh đó, cổ phiếu VNI tiếp tục nằm trong diện bị đình chỉ giao dịch, với lý do không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo quy định.
Đáng chú ý, nguyên nhân bị đình chỉ giao dịch của VNI cũng liên quan đến các BCTC nêu trên. Nửa đầu năm 2023, cổ phiếu này bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm công bố BCTC 2022 quá thời hạn quy định. Sau đó, do không khắc phục được nên cổ phiếu này bị chuyển sang diện đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12/2023 và duy trì đến nay.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán bởi AASCS. AASCS cho biết cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ là công ty không thể làm thủ tục xác nhận số dư tiền gửi ngân hàng đối với tài khoản đồng sở hữu sau: Tài khoản 6160201018552 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là 2.291.948.855 đồng; Tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 1.000.000 đồng; Tài khoản 601704060623664 tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam là 6.341.077 đồng.
Do đó, bên kiểm toán không thể khẳng định tính hiện hữu cũng như ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề này đến các báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2023.
Bên cạnh đó, công ty chưa thực hiện việc đối chiếu xác nhận nợ đối với số dư các khoản Vay ngắn hạn là 34.384.373.084 đồng, Vay dài hạn 92.970.225.259 đồng và lãi vay là 62.602.898.297 đồng tại ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2023.
Bên kiểm toán cho biết đã áp dụng các thủ tục thay thế, tuy nhiên cũng không xác định được tính chính xác cũng như ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề này đến các báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, công ty không thể tiến hành các thủ tục giải thể hoặc nắm quyền điều hành đối với công ty con "Công ty CP Đầu tư TMDV Phước Long”, số liệu của công ty con dùng dể lập Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 là số liệu của Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán. Trong đó, tổng tài sản của công ty con có giá trị là 10.529.654.788 đồng (tương ứng 1,24% tổng tài sản của nhóm công ty). Các khoản chênh lệch ghi nhận giữa công ty mẹ và công ty con khi hợp nhất được trình bày ở Thuyết minh VI.7 "Chi phí khác" và trong Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất.
Việc công ty lập báo cáo tài chinh hợp nhất không đồng nhất về thời gian là chưa tuân thủ quy định của Luật Kế toán, cũng như Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam về nguyên tắc lập báo cáo tài chính hợp nhất. Do đó, bên kiểm toán cũng không thể xác định ảnh hưởng của các vấn đề nêu trên đến các báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2023.
Bên cạnh đó, bên kiểm toán cũng muốn lưu ý đến Thuyết minh VIII.4 trong báo cáo tài chính hợp nhất về khoán nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn của công ty là 158.196.946.801 đồng. Điều kiện này cùng những vấn đề khác được nêu trong Thuyết minh VIII.4 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn dến nghi ngờ đáng kề về khá năng hoạt động liên tục của Công ty.
Kết thúc năm 2023, công ty báo lãi hơn 226 triệu, cùng kỳ lãi gần 718 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 56 tỷ - trong khi vốn chủ sở hữu là hơn 48,2 tỷ đồng.
Xem thêm tại vneconomy.vn