Bị khối ngoại bán ròng 22 phiên liên tiếp, điều gì đang xảy ra với cổ phiếu 'quốc dân' HPG?
Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường chung, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì áp lực bán ròng mạnh mẽ trong suốt các tháng gần đây. Kết thúc tháng 8, khối ngoại đã bán ròng hơn 4.455 tỷ đồng trên sàn HoSE, đánh dấu tháng thứ bảy liên tiếp "xả hàng".
Điều đáng chú ý, trong số 4.455 tỷ đồng bị bán ròng, quá nửa trong đó là gần 2.400 tỷ đồng xuất phát từ cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. HPG không chỉ dẫn đầu danh sách các mã bị bán ra mạnh nhất trong tháng 8 mà còn ghi nhận mức bán ròng cao kỷ lục kể từ khi niêm yết. Trước đó, tháng 3/2022, HPG đã từng bị bán ròng mạnh nhất với gần 2.000 tỷ đồng từ khối ngoại.
Bước sang tháng 9, xu hướng bán ròng cổ phiếu HPG của khối ngoại vẫn chưa chấm dứt. Phiên giao dịch đầu tháng ghi nhận khối ngoại bán ròng 108 tỷ đồng. Đến phiên 5/9, mặc dù áp lực bán đã giảm, HPG vẫn bị bán ròng hơn 92 tỷ đồng, kéo dài chuỗi bán ròng liên tiếp lên 22 phiên.
Chưa hết, áp lực từ khối ngoại đã đẩy giá cổ phiếu HPG giảm về vùng thấp nhất kể từ đầu năm. So với đỉnh 29.600 đồng/cổ phiếu hồi tháng 6, thị giá hiện tại đã giảm hơn 15%, xuống còn 25.050 đồng/cổ phiếu vào ngày 5/9.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 1 năm trở lại đây |
Trước đó, vào cuối tháng 6, Hòa Phát đã phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10%, đã được giao dịch sau khi niêm yết bổ sung. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 1/4 vốn điều lệ của HPG, ước tính đã nhận thêm khoảng 130 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành này. Do đó, nhiều nghi vấn đặt ra rằng đà bán ròng của khối ngoại đến từ động thái trên.
Tuy nhiên khi nhìn về triển vọng, ngành thép thế giới đang trong "mùa đông khắc nghiệt" và Hòa Phát cùng các nhà sản xuất thép trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Cụ thể, giá thép thanh tương lai đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua, còn khoảng 3.000 CNY/tấn. Tương tự, giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng đã rơi xuống vùng đáy 4 năm, thấp hơn 700 USD/tấn.
Nguyên nhân giá thép thế giới liên tục ‘phá đáy’ đến từ việc chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm xuống còn 49,1 trong tháng 8 – mức giảm mạnh nhất từ đầu năm. Chỉ số PMI xây dựng của Trung Quốc cũng giảm xuống 50,6, cho thấy tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi bắt đầu được thu thập vào năm 2020.
Những tín hiệu trên phản ánh nhu cầu thép tại Trung Quốc đang suy yếu, buộc các nhà máy của nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp cho sự sụt giảm trong nước, tạo thêm áp lực giảm giá trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước như Hòa Phát đang chờ đợi quyết định của Bộ Công thương liên quan đến các cuộc điều tra chống bán phá giá, với kỳ vọng giảm bớt phần nào áp lực lên thị trường nội địa. Trọng tâm của các cuộc điều tra là sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngành thép Việt Nam lại đối mặt với thách thức mới khi Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng vụ Phòng vệ Thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn