![]() |
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có những chỉ đạo quyết liệt nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất. Ảnh minh họa |
Theo phân tích của ông Ngô Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), NIM trong quý I/2025 khá ảm đạm, chỉ có MB và TPBank ghi nhận mức NIM tương đối ổn; HDBank và VPBank ghi nhận mức NIM không quá tệ.
Tăng trưởng tín dụng giữ nhịp, biên lãi ròng suy giảm
Cũng theo nhóm phân tích, với 11 ngân hàng nằm trong phạm vi nghiên cứu (riêng HDBank và VPBank dựa trên số liệu riêng lẻ) của VPBankS, tăng trưởng tín dụng đạt 3,3% trong quý I/2025, cao hơn mức 2,1% của quý I/2024 nhưng vẫn thấp hơn mức 4,5% của quý I/2023. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự tăng trưởng này là lợi suất tài sản sinh lãi (IEA yield) giảm trung bình 68 điểm cơ bản so với cùng kỳ, trong khi chi phí vốn (CoF) chỉ giảm 20 điểm cơ bản.
NIM sẽ chịu nhiều sức ép"NIM là một trong những chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả hoạt động, bên cạnh nhiều chỉ số khác. Trong quý IV/2024, NIM hợp nhất của VietinBank đạt 2,92%, cao hơn cùng kỳ và mức bình quân cả năm 2023. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng NIM trong năm 2025 sẽ chịu áp lực giảm, do chi phí vốn có xu hướng tăng, trong khi chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, chắc chắn NIM sẽ có những tác động nhất định trong năm tới" - ông Lê Thanh Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị VietinBank đánh giá. |
Do đó, NIM chịu áp lực mạnh, đặc biệt tại nhóm ngân hàng quốc doanh, với Vietcombank ghi nhận NIM năm chỉ còn 2,6%. Còn nhóm ngân hàng tư nhân ghi nhận kết quả không đồng đều, trong đó, đáng chú ý, ACB và Techcombank lần lượt đạt mức NIM bình quân theo quý thấp nhất, kể từ năm 2017 đến nay.
Theo đại diện VPBankS, sở dĩ tại một số ngân hàng, NIM thu hẹp, một phần do các ngân hàng lựa chọn chia sẻ lợi nhuận và trách nhiệm với nền kinh tế bằng cách cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Trái với xu hướng suy giảm NIM kể trên, theo phân tích của VPBankS, MB và TPBank là hai ngân hàng có kết quả khả quan nhất, trong đó, MB giữ nguyên NIM so với quý trước ở mức 4,2%, còn TPBank tăng 30 điểm cơ bản lên 3,5%.
Một điểm đáng quan tâm khác là hiệu suất NIM của VPBank (số liệu riêng lẻ), nếu tăng trưởng huy động trong quý I/2025 đạt tương ứng với tăng trưởng cho vay thì mức giảm NIM theo quý sẽ chỉ là 15 điểm cơ bản so với quý trước, thay vì 25 điểm cơ bản thực tế. Bởi thực tế, tiền gửi tăng 14,1% trong khi cho vay chỉ tăng 6,3%.
Cũng theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, NIM của tổng cộng 27 ngân hàng giảm 45 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống còn 3,1% trong quý I/2025, chủ yếu do lợi suất tài sản giảm. Trong đó, phần lớn ngân hàng ghi nhận NIM giảm trong quý I/2025.
Dù nhà điều hành đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16%, mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây, nhưng sự suy giảm trong tỷ suất sinh lợi trên tài sản đang cản trở đà phục hồi của NIM trong quý II/2025.
Tìm dư địa giữ NIM trong vòng xoáy khó khăn
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những chỉ đạo quyết liệt nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất. Trong đó, lãi suất huy động, vốn là nền tảng để xác định lãi suất cho vay, được điều chỉnh giảm nhằm hướng đến mục tiêu ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Định hướng điều hành hiện vẫn thiên về nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế.
Chia sẻ gần đây, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng Quản trị VietinBank cho rằng, năm 2025, tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng.
Áp lực điều hành đối với Chính phủ, NHNN và toàn hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, VietinBank cam kết tiếp tục bám sát định hướng của cơ quan quản lý nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, trong khi từng bước cải thiện NIM thông qua các giải pháp đồng bộ.
Theo đó, ngân hàng sẽ tập trung kiểm soát chi phí vốn bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mở rộng tệp khách hàng có tiềm năng sinh lời cao, triển khai các dự án nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, tăng cường hiệu quả bán chéo và điều hành cân đối nguồn vốn một cách linh hoạt. Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng tài sản tiếp tục được ưu tiên hàng đầu, bởi chi phí trích lập dự phòng vẫn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.
Lãnh đạo TPBank cũng cho biết, khi tín dụng tăng trưởng mạnh, nhiều ngân hàng đẩy mạnh giải ngân, dẫn tới mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm để thu hút khách hàng. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng phải tuân thủ hệ thống các chỉ tiêu giám sát chặt chẽ và phức tạp. Việc huy động vốn kỳ hạn ngắn thường có chi phí rẻ hơn, nhưng lại làm giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn - một chỉ tiêu quan trọng trong quản trị rủi ro thanh khoản. Đồng thời, các ngân hàng cũng bị ràng buộc bởi yêu cầu duy trì hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), muốn cho vay ra nhiều cũng không được. Bên cạnh đó, cũng chịu giới hạn bởi tăng trưởng tín dụng do NHNN phân bổ, khiến dư địa mở rộng cho vay trở nên hạn chế.
Trước áp lực lớn, để giữ được biên lợi nhuận, TPBank định hướng cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua hai trụ cột chính, đó là nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA giúp giảm giá vốn và cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng tối ưu hơn. Việc duy trì biên lợi nhuận ở mức hợp lý, đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi và kiểm soát hiệu quả chi phí vận hành sẽ giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Tiếp đà hạ lãi suất, mở rộng nhiều chương trình tín dụng ưu đãiTheo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Các tổ chức tín dụng chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay trên website chính thức, nhằm tăng cường minh bạch và tạo thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận nguồn vốn. Tính đến giữa tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đạt mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Trước đó, lãi suất cho vay giảm lần lượt 0,59% năm 2024 và 2,5% trong năm 2023. Song song đó, hệ thống ngân hàng triển khai quyết liệt nhiều chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Một số chương trình phát huy hiệu quả rõ rệt và được mở rộng quy mô nhiều lần, điển hình như: chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tăng từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, sau đó 60.000 tỷ đồng và hiện đạt 100.000 tỷ đồng. Cùng với đó là triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hay chương trình tín dụng dành cho dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, với quy mô hiện đã được nâng lên 145.000 tỷ đồng. Chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số có quy mô khoảng 500.000 tỷ đồng. |