Bứt phá từ đáy, cổ phiếu ngành điện bất ngờ 'soán ngôi' VIC, GEX
Dù tiếp nối đà tăng từ tuần trước, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự khi áp lực bán gia tăng tại mốc đỉnh cũ 1.330 điểm. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.314 điểm, tăng hơn 13 điểm so với tuần liền trước. Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao, với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên vượt 26.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến còn khá tích cực, nhiều cổ phiếu tiếp tục nối dài chuỗi tăng giá và thiết lập các mốc đỉnh mới trong tuần qua.

HoSE: VNE tạo sóng lớn, nhóm Vingroup tiếp tục phá đỉnh
Trên sàn HoSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần qua ghi nhận sự góp mặt của: VNE (+36,99%), DQC (+34,62%), HAH (+19,52%), VHM (+18,62%), TEG (+16,95%), VIC (+16,25%), GEX (+14,82%), CII (+13,91%), HVN (+13,24%), DPG (12,75%).
Với chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu VNE của Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam trở thành mã tăng mạnh nhất trên sàn HoSE trong tuần qua. So với vùng đáy 2.300 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng Tư, VNE đã tăng gấp gần 3 lần, lên mức 6.740 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp vượt 550 tỷ đồng.
Dù ghi nhận đà tăng ấn tượng, VNE vẫn đối mặt với nhiều rủi ro về mặt thông tin công bố. Ngày 4/4/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu này vào diện kiểm soát do vi phạm nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính trong hai năm liên tiếp. Đến tháng 2/2025, HoSE tiếp tục phát đi cảnh báo về khả năng hủy niêm yết nếu doanh nghiệp tiếp tục chậm trễ trong việc nộp báo cáo năm thứ ba.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 3/4, VNE đã có công văn giải trình và cho biết đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 vào ngày 11/4/2024. Báo cáo soát xét bán niên năm 2024 cũng đã được nộp đúng hạn.

Ngoài VNE, bộ đôi VIC – VHM cùng cổ phiếu GEX cũng thu hút sự chú ý trong tuần qua. Tính theo giá đóng cửa phiên 23/05, cả ba mã này đều đã vượt xa vùng đỉnh trong ba năm trở lại đây và đang tiến tới những vùng giá cao mới.
Tuy nhiên, xét theo phân tích kỹ thuật, cả VIC, VHM và GEX đều đang phát ra tín hiệu chốt lời sau nhịp tăng mạnh và có khả năng sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh trong tuần tới.
Các cổ phiếu còn lại trong nhóm như CII, DPG, HVN, DQC,... cũng ghi nhận tín hiệu tăng giá tích cực. Đây đều là những mã sở hữu câu chuyện riêng, tạo ra kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới, nhờ đó thu hút dòng tiền lớn tham gia.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn HoSE trong tuần qua bao gồm: D2D (-24,78%), TDH (-17,85%), BCG (-15,86%), ACB (-15,13%), DHM (-13,64%), SAV (-12,74%), LPB (-12,47%), MDG (-11,03%), VPL (-10,59%), VTP (-9,24%).
Dù có màn “hồi sinh” mạnh mẽ trong tuần trước, cổ phiếu BCG vẫn nhanh chóng rơi về vùng giá đáy sau khi chịu án phạt hạn chế giao dịch. Cụ thể, ngày 20/5, HoSE đã quyết định chuyển cổ phiếu BCG của Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch, bắt đầu từ ngày 27/5. Nguyên nhân là doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 quá 45 ngày.
Theo quy định mới của hệ thống giao dịch KRX, các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch như BCG sẽ chỉ được khớp lệnh định kỳ nhiều lần, mỗi đợt kéo dài 15 phút, và không được thực hiện giao dịch thỏa thuận hay giao dịch lô lẻ.
Đối với VPL, áp lực chốt lời đã khiến cổ phiếu này giảm hơn 10% so với tuần trước. Tính theo mức giá 90.300 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Công ty CP Vinpearl hiện rơi vào khoảng 162.000 tỷ đồng. Dù điều chỉnh mạnh, Vinpearl vẫn nằm trong nhóm 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn HoSE.
HNX: VFS hút thanh khoản, tiệm cận đỉnh lịch sử
Trên sàn HNX, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần gồm: L40 (+36,10%), VC6 (+25,79%), BXH (+25,40%), PRC (+19,27%), PTD (+18,75%), NFC (+15,87%), VFS (+14,09%), LBE (+13,81%), VHE (+10,53%) và DST (+10,17%).

Trong đó, dù không tăng mạnh bằng L40 hay BXH nhưng cổ phiếu VFS của Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt vẫn là mã nổi bật nhất nhờ thanh khoản vượt trội. Với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt trên 1,8 triệu đơn vị, VFS thu hút sự chú ý của cả nhà đầu tư ngắn hạn lẫn dài hạn.
Tuần qua, mã này đã tăng hơn 14%, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 27.800 đồng/cổ phiếu. Xét về kỹ thuật, VFS là một trong những mã tích cực nhất ngành chứng khoán, khi duy trì xu hướng tăng (uptrend) ổn định trong suốt một tháng qua. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VFS đã vượt 3.300 tỷ đồng, cho thấy sự cải thiện đáng kể về sức hút và vị thế trên thị trường.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn HNX tuần qua cho thấy tâm lý thận trọng vẫn hiện hữu, đặc biệt ở các mã thiếu yếu tố cơ bản hỗ trợ.
Danh sách 10 mã giảm sâu nhất gồm có: SDU (-18,52%), SDA (-17,78%), API (-12,66%), SDN (-12,45%), VNT (-12,23%), VE8 (-11,11%), TMC (-10,98%), ATS (-9,71%), SGH (-9,58%), và BST (-9,57%).
Đáng chú ý nhất API, cổ phiếu từng có chuỗi tăng giá mạnh mẽ trong giai đoạn trước, đã điều chỉnh đáng kể sau khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh. Mã này hiện đã lùi về mức giá 6.700 đồng/cổ phiếu, với các phiên giảm điểm đi kèm thanh khoản lớn – tín hiệu cho thấy áp lực chốt lời đang áp đảo và khả năng nhịp điều chỉnh sẽ còn kéo dài trong ngắn hạn.
Diễn biến này gửi đi tín hiệu cảnh báo đối với nhà đầu tư lướt sóng, khi dòng tiền bắt đầu trở nên chọn lọc hơn trong bối cảnh thị trường chung chưa thực sự bứt phá.
UPCoM: Bất ngờ mang tên DNN
Trên sàn UPCoM, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần là DNN (+66,67%), DLT (+39,53%), DAS (+37,84%), DKC (+33,33%), NDP (+32,50%), BSG (+31,71%), HMD (+29,95%), DKG (+27,91%), TAB (+27,91%) và STH (+27,27%).
Trong số đó, DNN – cổ phiếu của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng – gây chú ý khi tăng trần 5 phiên liên tiếp, trở thành mã tăng mạnh nhất tuần. Tuy nhiên, thị giá hiện tại chỉ vỏn vẹn 500 đồng/cổ phiếu. Bất chấp mức giá “rẻ như cho”, thanh khoản của DNN gần như bằng 0 trong nhiều năm qua, do cơ cấu sở hữu cô đặc: UBND TP. Đà Nẵng và Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung nắm hơn 95% vốn.
Điểm đặc biệt là dù ít giao dịch, DNN vẫn đều đặn chi trả cổ tức tiền mặt hằng năm ở mức cao, trung bình 2.000–2.500 đồng/cổ phiếu, tức gấp 4–5 lần thị giá hiện tại.

Ở chiều ngược lại, top 10 mã giảm sâu trên UPCoM gồm: VTQ (-54,60%), SII (-37,80%), FRM (-33,93%), BMG (-31,32%), BBM (-27,27%), NVP (-27,27%), DWS (-26,77%), SVG (-25,88%), DCG (-25,77%) và HAV (-25%).
Tổng thể, diễn biến của thị trường trong tuần qua cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Trong khi một số mã tăng tốc mạnh mẽ nhờ dòng tiền đầu cơ và kỳ vọng kết quả kinh doanh, thì nhiều cổ phiếu lại rơi vào vùng điều chỉnh sâu vì thiếu thông tin hỗ trợ hoặc gặp áp lực bán kỹ thuật.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn