Cầu bắt đáy nằm im, hàng cắt lỗ bị ép bán tháo

Một nhịp hồi lên đầy hi vọng trong nửa đầu phiên chiều nay đã không dẫn dụ được thanh khoản. Trái lại, lực cầu quá yếu vùng giá cao trong khi hàng thua lỗ về ngày một nhiều đã tạo thêm sức ép. Thị trường lao dốc nặng hơn từ sau 2h và VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, bốc hơi 1,41% giá trị.

Chiều nay thị trường thận trọng hơn khi đến kỳ đáo hạn phái sinh. Bên Short đang rất thuận lợi khi VN30 đã giảm tới hơn 110 điểm kể từ thời điểm đảo kỳ hạn ngày 21/9 vừa qua. Đây có thể là một phần lý do lực cầu bắt đáy hành động yếu ớt hơn nhiều so với chiều qua, chỉ chờ đợi giá rất thấp.

Thanh khoản phiên chiều trên hai sàn không tăng được so với phiên sáng và giảm 51% so với chiều hôm qua. Rổ VN30 giao dịch đặc biệt yếu, thậm chí thanh khoản còn sụt giảm 11% so với buổi sáng. Với lực cầu quá kém, không có gì bất ngờ khi VN30-Index tiêu cực hơn nhiều so với VN-Index, giảm 1,84% lúc đóng cửa. So với phiên sáng, tới 21/30 cổ phiếu giảm sâu hơn, chỉ 8 mã có cải thiện.

VPB là trụ gây bất ngờ nhất trong VN30 khi đột ngột bị xả mạnh. Chốt phiên sáng cổ phiếu này mới giảm vừa phải 1,33% so với tham chiếu, nhưng đến chiều rơi tiếp 3,38% nữa, đóng cửa giảm chung cuộc 4,67% so với tham chiếu. VPB bị xả tới 2,83 triệu cổ trong đợt ATC, tạo sức ép mạnh. Thanh khoản phiên chiều của mã này cũng tới trên 138 tỷ đồng, tăng 21% so với giao dịch buổi sáng. Diễn biến rất tệ của VPB khiến VN30-Index “bay” mất 4,9 điểm và VN-Index mất 1,8 điểm.

Mặc dù tổng thể thanh khoản của nhóm VN30 chiều nay giảm 11% so với phiên sáng, nhưng lại có nhiều cổ phiếu tăng mạnh thanh khoản giống như VPB. Tiếc rằng đại đa số các mã đó đều giảm giá sâu hơn, thể hiện lực bán tháo tăng. SSI, STB, FPT,  MWG, VNM là những cổ phiếu khớp phiên chiều tới trên 100 tỷ đồng và giá lao dốc sâu hơn. Thanh khoản tốt và hồi giá tích cực chiều nay chỉ có VIC khi mã này thu hẹp được mức giảm còn 1,37% so với tham chiếu nhờ phục hồi 1,17% trong phiên chiều. Thanh khoản của VIC buổi chiều tăng 24% so với buổi sáng, đạt 103,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu vốn hóa lớn đang gây sức ép rất mạnh lên VN-Index.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đang gây sức ép rất mạnh lên VN-Index.

Loạt cổ phiếu trụ ảnh hưởng rất lớn đến VN-Index khi những mã giảm sâu hầu hết nằm trong top 10 vốn hóa hàng đầu. VCB giảm 1,63%, GAS giảm 1,33%, VHM giảm 1,85%, VIC giảm 1,37%, VNM giảm 3,38%, VPB giảm 4,67%, HPG giảm 1,25%... đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Chỉ có BID tăng 0,5%, CTG tăng 0,88% là ngược dòng trong top 10. Mở rộng ra top 20 vốn hóa thì cũng chỉ thêm BCM tăng 0,32%.

Sàn HoSE đóng cửa với 18 cổ phiếu giảm sàn, bao gồm nhiều mã chứng khoán như FTS, CTS, VCI, AGR, CTS. FTS, VCI thậm chí thanh khoản cả trăm tỷ đồng. Ngoài ra có VPG, DLG, VOS cũng sàn với thanh khoản khá cao. Đó là chưa kể tới hơn trăm cổ phiếu khác giảm quá 2% giá trị.

Khối ngoại là điểm sáng hiếm hoi chiều nay khi tăng mua thêm 984,5 tỷ đồng trên sàn HoSE, mức mua ròng khoảng 236 tỷ đồng. Phiên sáng khối này mới mua ròng nhẹ 33,6 tỷ. Các mã được mua tốt là FPT +79,6 tỷ, STB +68,7 tỷ, HPG +51,3 tỷ, PDR +36,1 tỷ, PVD +31,8 tỷ, DGC +31,4 tỷ, VHC +29,7 tỷ, DIG +21,5 tỷ. Phía bán có VCI -67,3 tỷ, VNM -50,5 tỷ, VHM -45,3 tỷ, SSI -35,1 tỷ, MWG -33,1 tỷ, VND -24,1 tỷ.

Độ rộng VN-Index cuối phiên ghi nhận 141 mã tăng/364 mã giảm, tốt hơn so với phiên sáng nhưng cổ phiếu nào yếu vẫn giảm thêm. Cụ thể, HoSE phiên sáng có 178 mã giảm trên 1%, trong đó 115 mã giảm trên 2% thì kết phiên tới 187 mã giảm trên 1% với 120 mã giảm trên 2%, thậm chí 18 mã giảm sàn (phiên sáng mới 6 mã giảm sàn).

VN-Index đóng cửa còn 1.087,85 điểm, thấp hơn mức thấp nhất phiên hôm qua, xác nhận chỉ số tiếp tục đi tìm đáy sâu mới. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm tới 36%, chỉ đạt 14.136 tỷ đồng là thấp bất ngờ. Thậm chí tính cả thỏa thuận, HoSE và HNX cũng chỉ đạt tổng giao dịch 15.246 tỷ đồng.

Xem thêm tại vneconomy.vn