Cầu vốn dần cải thiện, tín dụng vào đà tăng tốc

Cầu vốn dần cải thiện, tín dụng vào đà tăng tốc

Tín dụng tăng

Tăng trưởng tín dụng trong quý III/2024 của nhiều nhà băng rất khả quan so với các quý trước đó và dự báo còn cải thiện.

Theo đó, tín dụng quý III/2024 của Techcombank tăng 17,4% so với đầu năm, đạt 622.100 tỷ đồng… Techcombank đã mở rộng tín dụng vào nhóm khách hàng cá nhân, nhất là nhu cầu vay mua nhà, giúp gia tăng khả năng sinh lời từ các khoản vay có lợi suất ổn định. Dư nợ khách hàng cá nhân tăng 6%, đạt kỷ lục 193.600 tỷ đồng, trong khi tín dụng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 2,9%, lên 395.100 tỷ đồng.

MB tăng trưởng tín dụng 13,5% tính đến hết tháng 9/2024. Dư nợ cho vay khách hàng riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng tốt, đạt 664.452 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghiệp phụ trợ.

Kết thúc 9 tháng năm 2024, dư nợ tín dụng của ACB tăng khoảng 14% so với đầu năm nay, khả năng đến cuối năm hoàn tất mục tiêu tăng trưởng 18%. Với HDBank, dư nợ tín dụng đạt 412.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so đầu năm. LPBank cho vay khách hàng tăng 16,1%, đạt 319.770 tỷ đồng. Tại VIB, dư nợ tín dụng tăng gần 12% so với đầu năm nay, cao hơn mức trung bình ngành là 9%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng gần đây.

Cụ thể, tháng 10/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng 0,98% so với tháng trước; tháng 9/2024 tăng 1,1%; tháng 8/2024 tăng 0,75%; tháng 7/2024 giảm 0,09% và tháng 6/2024 tăng 2,03%.

Theo ông Lệnh, tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm thường tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 10 tháng đạt 3.855 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so cuối năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng), tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cuối năm.

Đồng thời, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dịp cuối năm, tiếp tục được tổ chức thực hiện.

Đến nay, doanh số cho vay đối với chương trình này trên địa bàn TP.HCM đạt 9.778 tỷ đồng, cho 37 doanh nghiệp tham gia chương trình (gồm doanh nghiệp bình ổn, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng). Lãi suất cho vay thấp, bình quân khoảng 4%/năm, là yếu tố chính góp phần hỗ trợ chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Sẽ đạt mục tiêu

Thông thường, tín dụng trong 2 tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn các tháng trước, gắn liền với yếu tố mùa vụ do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và du lịch thường tăng trưởng tốt dịp cuối năm cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng tới.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 31/10, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,4%).

Trước đó, NHNN thông tin, tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2024 cũng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (6,95%).

Các con số đó cho thấy, tín dụng đang vào đà tăng tốc. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Để kích cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay cả với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.

Từ cuối quý II/2024, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến ngày 20/10 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023).

Đồng thời, các ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thông báo đầu năm 2024 như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank… được tăng room tín dụng lên mức 18 - 18,7%. Với hạn mức này, các ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng để có thể cấp vốn cho nền kinh tế.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, cầu vốn trong nửa cuối năm thường tăng cao hơn nửa đầu năm, nên mục tiêu tín dụng 15% mà ngành ngân hàng phấn đấu đạt được không quá khó.

Vì vậy, các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng vốn tín dụng cuối năm. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát chất lượng tài sản, bởi nợ xấu có xu hướng tăng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn