Chân dung Hóa dầu Phước Khánh

1 (5)

Trụ sở CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex). Ảnh Petimex

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. 

Đáng chú ý, sau khi nêu ra hàng loạt tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu sang Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với một số nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu.

Cụ thể đó là hành vi vi phạm pháp luật trong góp vốn thành lập CTCP Hóa dầu Phước Khánh, phát hiện thông qua việc thu thập thông tin, tài liệu tại CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex).

Theo kết luận thanh tra, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đồng ý chủ trương cho Petimex đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch kho ngoại quan; việc xác định giá trị tài sản (bồn chứa xăng dầu T10, T11, T12) để góp vốn thành lập CTCP Hóa dầu Phước Khánh chưa theo tiêu chuẩn thẩm định giá, có nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước; việc góp vốn bằng tiền mặt sai quy định.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện, Petimex được hoàn lại vốn bằng tiền mặt với số tiền 18,9 tỷ đồng - khoản tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn và giá trị cổ phần, có khả năng tài sản Nhà nước được bán ra chưa thẩm định lại. 

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Hóa dầu Phước Khánh được thành lập vào tháng 8/2017 với vốn điều lệ 90 tỷ đồng, góp bởi Petimex (49%), CTCP Biển Việt (viết tắt: VietSea, 25%), ông Nguyễn Danh Hoàng Việt (20%) và ông Đỗ Đức Thu (6%). Đến tháng 7/2019, vị trí Chủ tịch HĐQT công ty này do ông Nguyễn Hoàng Quân (SN 1979) nắm giữ, thay thế cho người tiền nhiệm là ông Đặng Thanh Hải (SN 1973). Cập nhật tại ngày 31/10/2022, ngoài ông Quân thì vị trí đại diện pháp luật của công ty này còn có thêm ông Võ Đăng Khoan (SN 1982).

Các cổ đông sáng lập Hóa dầu Phước Khánh đều là những cái tên đáng chú ý.

Đầu tiên là CTCP Biển Việt (VietSea)-pháp nhân ra đời từ tháng 8/2004 và tính đến tháng 4/2023 có vốn điều lệ 270 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (SN 1962). Nữ doanh nhân sinh năm 1962 này hiện đang là Chủ tịch HĐQT/Người đại diện tại loạt pháp nhân khác trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu (cùng có vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng) gồm Công ty TNHH Thể Thức Một, Công ty TNHH Dầu Hàng Hiệu, Công ty TNHH Một thành viên Dầu nhờn Biển Việt, Công ty TNHH Motor Grand Frix, bên cạnh đó còn có Công ty TNHH Hóa chất Biển Việt và CTCP Thương mại Vận tải Savimex (VĐL 10 tỷ đồng) hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa ven biển.

Vào đầu năm 2018, VietSea còn góp vốn thành lập CTCP Wondersea hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Wondersea là chủ đầu tư tòa nhà Wondersea Building tại số 16 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM- Đây cũng là nơi Hóa dầu Phước Khánh đặt trụ sở chính.

Thời điểm ban đầu, Wondersea có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Ngoài VietSea góp 40% thì danh sách cổ đông sáng lập công ty này còn có CTCP Vận tải biển Khai Nguyên (40%) và bà Chu Thị Minh Tâm (20%). Trong đó, ông Mai Văn Toản-Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Vận tải biển Khai Nguyên hiện cũng đang là đại diện chi nhánh 1-CTCP Dịch vụ Hàng hải Mỹ Giang (tên viết tắt MSS)-pháp nhân do VietSea góp 29,64% vốn.

Bên cạnh VietSea thì danh sách cổ đông sáng lập MSS còn có 2 công ty con của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là Công ty liên doanh TNHH kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (20%) và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (17,86%), còn CTCP Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S (32,5%). Trong đó, S.T.S là pháp nhân từng được được Nhadautu.vn đề cập khi tham gia phiêm IPO của Thalexim (Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ) vào năm 2017. 

Trong khi đó, không có nhiều thông tin về ông Đỗ Đức Thu, cổ đông nắm 6% vốn Hóa dầu Phước Khánh. Dù vậy, trùng hợp thay CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex)- một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có tiếng ở miền Tây, đồng thời là cổ đông sáng lập nên Hóa dầu Phước Khánh, cũng có Trưởng phòng kế hoạch-đầu tư tên Đỗ Đức Thu sinh năm 1973. Vị này hiện còn là Thành viên HĐQT tại CTCP Nhiên liệu Đồng Tháp-công ty con của Petimex.

Petimex tiền thân là Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 11/2018. Trong bản công bố thông tin cho sự kiện IPO của Petimex hồi tháng 7/2018, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 là hơn 5.684 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa là 867,3 tỷ đồng. Tổng diện tích đất do doanh nghiệp quản lý và sử dụng là 569.845,35 m2.

Hiện nay, trên trang chủ, doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu hệ thống phân phối trải dài từ tỉnh Khánh Hoà, các tỉnh miền đông Nam Bộ đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1.212 cửa hàng, đại lý.

Dữ liệu Nhadautu.vn thể hiện, tính đến tháng 6/2023, Petimex đang có các công ty con gồm: CTCP Vận tải Xăng dầu Đồng Tháp, CTCP Nhiên liệu Đồng Tháp, CTCP Nhiên liệu Tây Đô, CTCP Dịch vụ du lịch Mỹ Trà, CTCP Thương mại dầu khí Cửu Long. Bên cạnh đó, Petimex còn từng nắm 0,75% vốn CTCP Âu Lạc - "ông lớn" vận tải xăng dầu phía Nam và 14,11% vốn CTCP Vận tải đường sông Đồng Tháp. Tuy nhiên cuối năm 2021, Petimex đã ban hành nghị quyết bán đấu giá cổ phần đang nắm giữ tại hai công ty này.

Ngoài ra vào năm 2006, Petimex còn liên doanh với Công ty SoJitz (Nhật Bản) thành lập Công ty TNHH Sopet Gas One để kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng (LPG). Liên doanh đã đưa vào hoạt động 2 bồn chứa 3.200 tấn gas tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cập nhật tại lần thay đổi gần nhất (16/3/2023), vốn điều lệ của Sopet Gas One đạt 61,2 tỷ đồng, trong đó Petimex nắm giữ 20,4%, số còn lại thuộc về đối tác Nhật Bản.

Đến cuối tháng 6/2023, Petimex có vốn điều lệ 873,2 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm đến 98,63% vốn và đồng thời cử người nắm giữ các vị trí chủ chốt tại công ty này.

Theo đó, tại Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2023-2028 được tổ chức vào trung tuần tháng 12/2023, ông Võ Tiến Thành đã tái đắc cử chức danh Chủ tịch HĐQT Petimex. Ông Võ Tiến Thành là Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp. Vào tháng 3/2023, ông đã được giao làm Người đại diện phần vốn Nhà nước Petimex, hai tháng sau đó tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2023, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT Petimex.

Cùng thời điểm, ông Nguyễn Thanh Huy – Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp cũng được bầu vào thành viên HĐQT và giới thiệu giữ chức Phó Tổng Giám đốc. Ngoài ra người đại diện phần vốn nhà nước tại Petimex còn có ông Lê Thanh Mân đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc và ông Đinh Thiện Hiền – Phó Tổng Giám đốc. 

Trở lại với Hóa dầu Phước Khánh, dữ liệu Nhadautu.vn thể hiện, đến cuối năm 2022, khoản đầu tư của Petimex vào Phước Khánh đang lỗ lũy kế 7,25 tỷ đồng, cùng với đó, Petimex cũng ghi nhận khoản nợ xấu của Phước Khánh gần 2,5 tỷ đồng.

Ở chi tiết đáng chú ý khác, theo kết luận của cơ quan thanh tra, Petimex còn mua xăng dầu của CTCP Đầu tư Nam Phúc, nhưng hạch toán nhập kho, xuất kho không rõ ràng, thiếu hồ sơ hạch toán nhập, xuất, tồn kho.

CTCP Đầu tư Nam Phúc ra đời từ tháng 2/2005 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, danh sách cổ đông sáng lập có bà Võ Thị Hồng Nga (79%). Cập nhật tại ngày 20/12/2023, vốn điều lệ của Nam Phúc đạt 175 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Đoàn Chí Tín (SN 1986). Doanh nhân này hiện cũng đang là Giám đốc tại CTCP Phát triển xăng dầu Long An (vốn điều lệ 150 tỷ đồng-tại ngày 6/10/2021), còn bà Võ Thị Hồng Nga đang là người đại diện của chi nhánh Nam Phúc tại TP.HCM.

Giai đoạn 2014-2016, Nam Phúc đã ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu với nhiều doanh nghiệp, trong đó có CTCP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P và CTCP Dương Đông Hòa Phú. Đây là hai cái tên từng gây nhiều chú ý khi có liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ và vụ buôn lậu xăng dầu lớn nhất tại Bình Thuận, với tổng trị giá hơn 2.034 tỷ đồng từ Singapore về Việt Nam.

Xem thêm tại nhadautu.vn