Chỉ số DXY 'nguội' dần, tỷ giá USD/VND vẫn liên tục 'nóng'

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến ngày 22/4/2025, tỷ giá giao dịch trên thị trường ở mức khoảng 25.896 VND/USD, tăng 1,64% so với cuối năm 2024.

NHNN nhận định, thời gian qua, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực phức tạp, chủ yếu từ những biến động khó lường của kinh tế - chính trị toàn cầu, đặc biệt là các chính sách thuế quan của Mỹ và sự biến động mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, tạo sức ép lên nhiều đồng tiền khác.

Còn theo thống kê từ Chứng khoán MBS, tháng 4 vừa qua, tỷ giá liên ngân hàng tăng 1,4% so với cuối tháng 3, lên mức 25.994 VND/USD, và tăng 2,1% so với đầu năm. Trên thị trường tự do, tỷ giá đã lên mức 26.470 VND/USD, còn tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.956 VND/USD, tương ứng mức tăng lần lượt 2,8% và 2,5% so với đầu năm 2025.

Biến động tỷ giá USD/VND trong thời gian qua.

Phía MBS cho biết, mặc dù chỉ số DXY đã giảm mạnh 9,7% từ đỉnh năm 2025, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong tháng 4 do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, trong tháng 4, KBNN tiếp tục chào mua USD từ các NHTM với tổng trị giá 110 triệu USD, qua đó đã phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình thương mại đối mặt với nhiều bất ổn liên quan đến các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng.

Ngoài ra, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh về mức đáy 13 tháng vào cuối tháng đã khiến chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm ở mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Do đó, các yếu tố trên đã gây sức ép đáng kể lên tỷ giá.

Về triển vọng dài hạn, NHNN nhận định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong thời gian tới nhiều khả năng vẫn đối mặt với áp lực lớn do tác động từ cả yếu tố quốc tế lẫn trong nước.

Trên bình diện quốc tế, các yếu tố đáng chú ý gồm chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump, vốn được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; diễn biến khó lường trong điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); căng thẳng địa chính trị và rủi ro từ những cú sốc giá cả hàng hóa.

Ở trong nước, thị trường cũng đối diện thách thức từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, cùng với nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế vẫn ở mức cao. Những yếu tố này được dự báo sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Trong khi đó, các chuyên gia của MBS dự báo tỷ giá USD/VND trong năm 2025 sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 VND/USD. Dự báo này dựa trên kỳ vọng rằng các chính sách nới lỏng tài khóa của chính quyền Mỹ, kết hợp với chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, lãi suất duy trì ở mức cao và xu hướng bảo hộ thương mại, sẽ góp phần củng cố giá trị đồng USD trong năm nay.

Bên cạnh đó, những chính sách thuế quan khó dự đoán từ phía Mỹ được cho là sẽ làm gia tăng thách thức đối với hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam, đồng thời tạo thêm áp lực lên dự trữ ngoại hối - vốn đã giảm sút đáng kể sau khi NHNN phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm ngoái để ổn định thị trường.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, MBS đánh giá một số yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn mang lại tín hiệu tích cực. Cụ thể, thặng dư thương mại đạt khoảng 3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn FDI giải ngân đạt 6,74 tỷ USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ) và lượng khách quốc tế phục hồi mạnh với mức tăng 23,8% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia MBS, những động lực sẽ tiếp tục tạo lực đỡ nhất định cho đồng VND.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn