![]() |
Theo chuyên gia, để nắm bắt cơ hội, nhà đầu tư chỉ nên mua trước phiên tăng mạnh hoặc mua vào sau đợt điều chỉnh. Ảnh: Dũng Minh |
Yếu tố bên ngoài vẫn có tác động lớn
Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2025 của Chứng khoán Vietcap cho rằng, định giá hiện tại của VN-Index đang khá hấp dẫn với P/E trượt 12 tháng là 13,2 lần - thấp hơn một độ lệch chuẩn so với P/E trung bình 10 năm. Định giá của thị trường Việt Nam cũng thấp hơn so với các thị trường mới nổi khác tại Đông Nam Á. Nhờ vậy, khi các quỹ chủ động nước ngoài rõ hơn về tình hình thuế quan, có khả năng các quỹ sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Theo thống kê từ Vietcap, trong tháng 4 và tháng 5/2025, giá trị giao dịch trung bình/ngày tổng 3 sàn tăng mạnh, trên 1 tỷ USD – mức cao nhất trong 3 năm qua. Điều này là do độ biến động thị trường gia tăng sau khi Mỹ bất ngờ công bố mức thuế 46% lên hàng hóa của Việt Nam vào ngày 2/4 đã khuyến khích hoạt động giao dịch sôi động của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, bất chấp biến động thị trường, số tài khoản chứng khoán mở mới trong nước vẫn duy trì tích cực, đạt hơn 10 triệu tài khoản, cho thấy mối quan tâm bền bỉ của nhà đầu tư cá nhân trong nước đối với thị trường cổ phiếu.
Nhận định về thị trường chứng khoán, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) Nguyễn Thị Mỹ Liên cho rằng, bức tranh kinh tế trong thời gian tới sẽ còn khó dự đoán và những biến động từ chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là từ phía Mỹ, vẫn sẽ tạo áp lực lên môi trường kinh doanh, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư.
Điều đáng chú ý là các yếu tố như tỷ giá và lãi suất hiện không còn là biến số chính trong các dự báo. Dù tỷ giá tăng kịch trần và lãi suất vẫn ở mức thấp, nhà đầu tư cá nhân lại có xu hướng gửi tiết kiệm thay vì giải ngân, cho thấy tâm lý vẫn còn dè dặt. Thuế quan nay đã trở thành nhân tố có ảnh hưởng lớn hơn, chi phối mạnh đến các quyết định phân bổ vốn, buộc các nhà đầu tư phải tính toán lại chiến lược.
Mặc dù đối mặt với những thách thức từ bên ngoài, Việt Nam vẫn được nhìn nhận là một điểm sáng với khả năng thích ứng linh hoạt. “Sự chủ động trong điều hành của Chính phủ, các công cụ hỗ trợ nền kinh tế được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thích nghi, cải thiện năng lực cạnh tranh, sản xuất và giảm thiểu tác động từ những bất ổn bên ngoài. Dù kinh tế các tháng cuối năm có thể sẽ khắc họa rõ nét hơn các khó khăn nếu như chưa có tiến triển thuận lợi trong đàm phàm, chúng tôi vẫn tin vào khả năng thích ứng của Việt Nam, như một điểm sáng đáng chú ý trong khu vực và thế giới” - bà Nguyễn Thị Mỹ Liên khẳng định.
Đầu tư theo khẩu vị
Chia sẻ về chiến lược đầu tư, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS) phân tích, nhà đầu tư nên phân bổ tiền để mua vào trong những phiên giảm cũng như hạn chế đu theo những phiên tăng mạnh, chỉ nên mua trước phiên tăng mạnh hoặc mua vào sau đợt điều chỉnh.
Hiện tại, chuyên gia này dự báo khoảng 60 - 65% khả năng thị trường đã tạo đáy. Trong 35% trường hợp còn lại, nếu thị trường có giảm thêm, nhà đầu tư vẫn sẽ có cơ hội bán ra. Nếu đang cầm cổ phiếu và sợ thị trường giảm xuống, nhà đầu tư có thể yên tâm vẫn có những phiên hồi phục để bán lại. Do đó, khi "lướt sóng", nếu không bán ra được trước những phiên giảm mạnh, nhà đầu tư có thể chờ đợi đợt sóng hồi phục. Với hiện tại, nếu lo lắng, nhà đầu tư có thể bán ra 30% cổ phiếu và duy trì 70% danh mục. Chỉ khi thị trường thực sự xấu, tức nằm dưới đường MA50, MA200, nhà đầu tư mới nên giảm danh mục xuống dưới 70% cổ phiếu.
Đưa ra chiến lược đầu tư, ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Kafi phân thành 2 loại khẩu vị rủi ro chính. Thứ nhất, chiến lược đầu tư an toàn (chấp nhận rủi ro thấp): Nhà đầu tư cần hạ tỷ trọng danh mục tổng thể về ngưỡng 50%, đặc biệt tái cấu trúc nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp từ giao thương quốc tế và dòng vốn FDI ra khỏi danh mục; cùng với đó là bổ sung các nhóm cổ phiếu phòng thủ như nhóm tiện ích, bảo hiểm. Những biến động lớn là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư có điểm mua giá thị trường tốt hơn với nhóm cổ phiếu tăng trưởng bền vững như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, xây dựng cho vị thế đầu tư trung - dài hạn.
Thứ hai, chiến lược đầu tư theo biến động (chấp nhận rủi ro cao): Ngoài việc hạ tỷ trọng tổng thể, các nhóm cổ phiếu có tương quan cao với biến động giá hàng hóa được cân nhắc bổ sung vị thế trong danh mục. Bối cảnh biến động địa chính trị có thể gây tác động lên chuỗi cung ứng hàng hoá, nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất được hưởng lợi về biên lợi nhuận nhờ giá hàng hóa, giá thành phẩm biến động tăng. Tuy vậy, tổng thể danh mục không nên sử dụng đòn bẩy quá cao trong thời điểm này.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường biến động, nhà đầu tư vẫn có cơ hội “biến nguy thành cơ” nếu biết giữ vững tâm lý và hành động dựa trên cơ sở thông tin dữ liệu khách quan. Việc tái cơ cấu danh mục, ưu tiên sản phẩm rủi ro thấp, tận dụng chính sách ưu đãi, sử dụng công cụ tài chính phù hợp và liên tục cập nhật kiến thức sẽ giúp nhà đầu tư không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn gia tăng hiệu quả bền vững và tích cực trong tương lai.
Thanh khoản thị trường sẽ vượt 1 tỷ USD từ năm 2026 Vietcap dự kiến giá trị giao dịch trung bình ngày năm 2025 sẽ tương đối đi ngang. Thêm nữa, bộ phận phân tích Vietcap dự báo giá trị giao dịch trung bình ngày năm 2026 sẽ tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 1,1 tỷ USD. Diễn biến này được hỗ trợ bởi kỳ vọng triển khai Hệ thống KRX sẽ rút ngắn chu kỳ thanh toán, qua đó cải thiện tính thanh khoản thị trường và thúc đẩy hoạt động giao dịch và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn vững chắc nhờ sự hỗ trợ mạnh từ Chính phủ và dòng vốn FDI ổn định, từ đó tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. |