Chờ kết quả đàm phán với Mỹ: NĐT ôm nghìn tỷ chờ sẵn trên sàn

Gần 10 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân

Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 4/2025, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 193.948 tài khoản chứng khoán – mức cao nhất trong gần 18 tháng trở lại đây. Tính đến cuối tháng 4, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 9.831.867.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023, đặt mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản nhà đầu tư vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Như vậy, sau 4 tháng đầu năm, chỉ tiêu của năm 2025 đã sớm được hoàn thành.

Đánh giá về đà gia tăng số tài khoản mở mới, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, theo quan sát lịch sử, lượng tài khoản chứng khoán thường tăng mạnh trong các giai đoạn thị trường biến động lớn. Trong những tháng VN-Index dao động 15–20%, số tài khoản mở mới ghi nhận mức tăng rất nóng.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Tháng 4 vừa qua, độ lệch giữa đỉnh và đáy của VN-Index lên tới 23%. Thị trường giảm sâu đã tạo cơ hội giải ngân hấp dẫn cho những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt. 

“Nhà đầu tư có sẵn tiền mặt và chưa có kế hoạch tài chính sẽ mở tài khoản để đầu tư, tận dụng cơ hội mua vào sau các phiên giảm mạnh. Trong tháng 4, VN-Index đã có ít nhất ba phiên giảm gần sàn, nhiều cổ phiếu chiết khấu tới 30–40%, tạo cơ hội rõ rệt,” ông Sơn nhận định.

Ông cũng dẫn lại các thời điểm khác như tháng 2–3/2022 hay năm 2020, khi VN-Index giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19, cũng chứng kiến số lượng tài khoản mở mới tăng nhanh. Tương tự, khi thị trường bước vào sóng tăng như tháng 10–12/2020 hoặc tháng 7–8/2022, lượng nhà đầu tư mới cũng gia tăng đáng kể.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam còn mới mẻ nên dư địa tăng trưởng số lượng tài khoản vẫn còn. Nếu năm nay thị trường tiếp tục có những nhiễu động đáng kể, số lượng tài khoản mở mới sẽ còn tăng mạnh. Ngoài ra, kỳ vọng về các yếu tố như đàm phán thương mại, thuế quan hay khả năng nâng hạng thị trường sau khi hệ thống KRX đi vào vận hành có thể là động lực thu hút thêm dòng tiền mới”, ông Sơn nói.

Dòng vốn ngoại quay lại, chờ đợi kết quả đàm phán Mỹ – châu Á

Về diễn biến nhà đầu tư nước ngoài, thống kê cho thấy dòng vốn ngoại đã quay trở lại khu vực Đông Nam Á và châu Á trong khoảng một tháng trở lại đây. Trong bối cảnh các yếu tố bất định gia tăng, như chính sách thuế quan thay đổi khó lường, đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, nhiều nhà đầu tư toàn cầu đang đánh giá lại phân bổ tài sản.

“Đồng USD đã giảm khoảng 7,5% so với đầu năm, trong khi đồng tiền nhiều nước như yen Nhật, won Hàn Quốc, bảng Anh và euro đều tăng giá đáng kể. Khi giá trị đồng USD suy yếu và chính sách thương mại của Mỹ thiếu rõ ràng, nhà đầu tư có xu hướng rút bớt tỷ trọng khỏi Mỹ để đảm bảo tài sản”, ông Sơn lý giải.

Xét theo chỉ số, tính đến cuối tháng 4, S&P 500 giảm gần 4% so với đầu năm, trong khi các chỉ số đại diện cho thị trường mới nổi, cận biên và châu Âu như MSCI lại ghi nhận mức tăng hơn 5%. Đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn đang dịch chuyển sang các thị trường ngoài Mỹ.

Tại Việt Nam, dòng tiền ngoại đã quay lại mua ròng với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng trên cả ba sàn giao dịch trong tuần gần nhất. Theo ông Sơn, đây là tín hiệu tích cực và có thể tiếp tục được duy trì khi Việt Nam và các quốc gia khác chờ đón câu chuyện đàm phán với Mỹ.

“Anh vừa công bố kết quả đàm phán sơ bộ khá tích cực với Mỹ, trong khi Trung Quốc và Mỹ cũng đang đàm phán trở lại. Dù chưa có thông tin chi tiết, việc các bên quay lại bàn đàm phán sẽ giúp giảm bớt tổn thất do hàng rào thuế quan. Tôi kỳ vọng đàm phán Việt – Mỹ sẽ có kết quả khả quan trong thời gian tới, từ đó tạo thêm động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Sơn dự báo.

Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng

Phân tích nhóm cổ phiếu nổi bật, chuyên gia của VPBankS cho rằng thị trường đang phân hóa rõ nét. Một số nhóm ngành như hóa chất, logistics đã lấy lại phần lớn đà giảm trong tháng 4 và vượt qua các ngưỡng trung bình quan trọng (MA). Trong đó, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm đã quay trở lại xu hướng tăng.

“Nhà đầu tư có thể cân nhắc tìm cơ hội ở những cổ phiếu đã tạo đáy và còn cách xa vùng điều chỉnh trước tháng 4 như nhóm bất động sản khu công nghiệp – theo chiến lược ‘mua khi chiết khấu, đón sóng hồi’. Ngoài ra, các cổ phiếu công nghệ như FPT, CTR cũng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi nhờ kỳ vọng tăng trưởng khi Mỹ và các đối tác thương mại quay lại bàn đàm phán”, ông Sơn nhận định.

Trong ngắn hạn, ông Sơn cho rằng cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Dù có giai đoạn chững lại trong kỳ nghỉ lễ, nhóm này đã lấy lại đà tăng trong những phiên gần đây và có thể giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.280 điểm, lấp lại khoảng trống giảm sâu hồi đầu tháng 4.

Về trung và dài hạn, dù một số nhà đầu tư lo ngại việc nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế có thể ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, ông Sơn cho rằng mặt bằng định giá cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn hấp dẫn. Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tín dụng sẽ duy trì tăng trưởng tốt và tạo cơ hội cho các ngân hàng mở rộng lợi nhuận.

“Trong quý I/2025, biên lãi ròng (NIM) của một số ngân hàng đã co lại, do các tổ chức tài chính chia sẻ gánh nặng với nền kinh tế thông qua việc cung cấp các gói vay ưu đãi. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi, cổ phiếu ngân hàng vẫn thường là nhóm ghi nhận tăng trưởng sớm và mạnh. Tôi tiếp tục kỳ vọng rằng nếu các đàm phán thương mại diễn ra thuận lợi và nền kinh tế ổn định trở lại, cổ phiếu ngân hàng sẽ là điểm đến ưu tiên của dòng tiền trong năm nay”, ông Sơn khẳng định.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn