Chủ tịch Masan Group: Mục tiêu doanh thu 90.000 tỷ đồng, có ý định IPO Masan Consumer

Kế hoạch lãi hơn 4.000 tỷ đồng

Sáng ngày 25/4, Tập đoàn Masan tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, trong đó đề cập định hướng hoạt động các ngành hàng và giải đáp các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng.

Năm 2024, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng 7% - 15% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế từ 2.250 tỷ đồng đến 4.020 tỷ đồng, tương đương tăng 20% - 115% so với cùng kỳ. Công ty dự kiến không chia cổ tức năm 2023 lẫn 2024.

Để đạt các mục tiêu này, lãnh đạo Tập đoàn cho biết sẽ tập trung vào các trụ cột tăng trưởng lợi nhuận của các công ty kinh doanh tiêu dùng thuộc Masan Consumer (MCH), thúc đẩy tăng trưởng WinCommerce (WCM) và cải thiện hơn nữa biên lãi gộp, xây dựng chương trình hội viên cho hệ sinh thái, giảm đòn bẩy tài chính, giảm sở hữu các mảng kinh doanh không cốt lõi…

Cụ thể, Tập đoàn dự kiến thành viên WCM đạt doanh thu thuần từ 32.500 tỷ đồng đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt từ 8% đến 13% so với cùng kỳ; MCH đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng; Phúc Long đạt từ 1.790 tỷ đồng đến 2.170 tỷ đồng; Masan Meatlife đạt từ 7.100 tỷ đồng đến 7.800 tỷ đồng; Masan High-Tech Materials (MHT) đạt từ 15.000 đến 15.800 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị MSN trình phương án chào bán cổ phần là cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức, với tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành cho mỗi phương án. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm gần nhất.

Ngoài ra, Masan còn dự kiến phát hành ESOP với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần lưu hành, tức khoảng hơn 7 triệu cổ phiếu. Giá phát hành là 10.000 đồng/CP.

Ý định IPO Masan Consumer

Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đăng Quang tiết lộ, Tập đoàn có ý định IPO Masan Consumer trong thời gian tới. Theo chiến lược "Go Global", Tập đoàn đặt mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới với Masan Consumer hướng đến 10 - 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.

Trả lời câu hỏi cổ đông về kế hoạch M&A đối với MSN, Lãnh đạo Tập đoàn cho biết chưa có kế hoạch mua thêm công ty khác. Mục tiêu lớn nhất là “Go Global” để đưa các thương hiệu ra toàn cầu, tập trung vào chiến lược đưa MCH trở thành công ty tiêu dùng hàng đầu Đông Nam Á, mục tiêu WCM sẽ sinh lãi tốt hơn và Phúc Long có EBITDA 25%.

Ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc MCH bổ sung, Công ty thành viên này hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150 - 250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.

Theo vị này, quy mô thị trường hàng tiêu dùng FMCG mà MCH phục vụ lên đến 15 tỷ USD, nhưng Công ty mới chỉ chiếm khoảng 8%. Thậm chí với quy mô thị trường FMCG Việt Nam khoảng 32 tỷ USD thì MCH cũng mới chiếm thị phần 3 - 4%. Do đó, ông Thắng đánh giá công ty còn nhiều cơ hội để cạnh tranh với đơn vị khác.

Với thương hiệu Omachi, Công ty đặt mục tiêu mở rộng thị tường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín… Với thương hiệu Chinsu, đặt mục tiêu phục vụ hơn 30 triệu bát nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương - Tổng Giám đốc WCM, Công ty đã hoàn thành tái cơ cấu năm 2023 và đang mang đến những cải thiện đáng kể với doanh thu tăng trưởng 9%, lên gần 8.000 tỷ đồng trong quý I/2024; đồng thời đạt Chỉ số Lợi nhuận trước lãi vay và thuế Thu nhập doanh nghiệp (EBIT) dương trong 3 quý liên tiếp với 2.205 cửa hàng có EBIT dương.

WCM đặt mục tiêu có hơn 4.000 cửa hàng cuối năm nay, với 90% số siêu thị mini đạt mức hòa vốn ở cửa hàng. Công ty kỳ vọng việc tăng lượng người dùng hoạt động sẽ tăng doanh thu thêm 1 tỷ USD và có lãi ròng vào năm 2025. Mục tiêu đến năm 2028, doanh thu dự kiến tăng gấp đôi năm ngoái lên 60.000 tỷ đồng, với khoảng 8.000 cửa hàng.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn