Chuỗi rút vốn chưa có điểm dừng: Khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất từ đầu năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 4/2025 với việc tiếp tục bán ròng mạnh tay, ghi nhận giá trị lên tới 14.506 tỷ đồng trên cả ba sàn. Con số này không chỉ lớn nhất kể từ đầu năm mà còn đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường.
Tính từ đầu năm 2025, tổng giá trị bán ròng của khối này đã xấp xỉ 42.000 tỷ đồng , tương ứng hơn 1,6 tỷ USD chảy ra khỏi sàn chứng khoán Việt Nam. Áp lực bán ngày càng tăng tốc qua từng tháng, trong bối cảnh thị trường nội địa vẫn duy trì sự ổn định, thanh khoản cải thiện và nhiều nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực.

Tính riêng trong tháng 4, tâm điểm bán ròng tiếp tục rơi vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, dẫn đầu là VIC khi bị khối ngoại xả ròng tới 4.197 tỷ đồng, bỏ xa phần còn lại. Theo sau, cổ phiếu FPT bị bán ròng 1.859 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng cũng không thoát khỏi làn sóng rút vốn với MBB (1.394 tỷ), VCB (1.147 tỷ), TPB, STB, HCM… đều bị bán ròng hàng trăm tỷ đồng.
Ngược lại, dù áp lực bán ròng bao trùm, thị trường vẫn ghi nhận lực mua tích cực từ khối ngoại tại một số cổ phiếu. Hòa Phát (HPG) tiếp tục là điểm sáng với giá trị mua ròng hơn 1.309 tỷ đồng. Cổ phiếu bán kẻ MWG cũng ghi nhận lực mua ròng gần 1.200 tỷ. Một số cổ phiếu khác như GEX, HVN, VRE hay BMP cũng nhận được giải ngân của khối ngoại.

Tình hình vĩ mô toàn cầu biến động khó lường khả năng cao là nguyên nhân động tới quyết định dòng vốn ngoại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa phát đi tín hiệu rõ ràng về khả năng hạ lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục neo cao và làm tăng sức hấp dẫn của tài sản tại các thị trường phát triển. Đồng thời, đồng USD mạnh lên cũng khiến nhiều quỹ đầu tư tái cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng tại các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam.
Cùng với đó, thị trường Việt Nam vẫn thiếu hàng hoá chất lượng. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.
Động lực mới từ KRX và kỳ vọng nâng hạng
Dù vậy, yếu tố nội tại kinh tế bền vững đang củng cố đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Theo số liệu công bố, GDP quý 1/2025 tăng trưởng ấn tượng 6,93%, cao nhất trong 5 năm. Lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư tạo nền tảng giúp thị trường chứng khoán giữ được sức đề kháng trong bối cảnh dòng vốn ngoại suy giảm. Môi trường vĩ mô thuận lợi cũng đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp niêm yết hồi phục mạnh mẽ cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đây là tiền đề quan trọng để định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư dài hạn.
Gần nhất, ngày 5/5, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) sẽ chính thức đi vào vận hành. Đây được xem là bước ngoặt lớn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với chuẩn quốc tế về giao dịch, qua đó nâng cao tính minh bạch và hấp dẫn với dòng vốn ngoại. Song song, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng để gỡ bỏ những nút thắt còn lại trong lộ trình nâng hạng thị trường. Khi được chuyển từ thị trường cận biên lên mới nổi, Việt Nam có thể thu hút hàng tỷ USD từ các quỹ chỉ số thụ động và chủ động – yếu tố từng tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho nhiều quốc gia trong quá khứ.
Thực tế, áp lực bán ròng từ khối ngoại có thể vẫn chưa dừng lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức giá hợp lý, kỳ vọng vào một chu kỳ mới khi dòng vốn quốc tế quay trở lại. Theo SSI Research, đà bán mạnh đã đẩy tỷ trọng khối lượng NĐTNN sở hữu trên TTCK Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015 đến nay. Cùng với sự suy yếu của DXY, kỳ vọng áp lực bán ròng từ khối ngoại trong giai đoạn tới sẽ có thể hạn chế.

Xem thêm tại cafef.vn