Chuyển đổi xanh - 'vấn đề sống còn'

4448920230814133014

Chuyển đổi xanh là một trong những yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp Việt Nam phải sớm đáp ứng. Nguồn ảnh: Shutterstock

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, việc từng bước "xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt hiện hụt hơi trong quá trình chuyển đổi xanh, thậm chí phải rời khỏi thị trường một cách đột ngột. Điển hình nhất là nhóm dệt may đang chật vật trước tiêu chuẩn xanh từ các nước phát triển. Một thống kê chỉ ra hơn 80% doanh nghiệp dệt may thuộc nhóm vừa và nhỏ, do đó đa số thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, đáp ứng các quy định phức tạp như LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc.

Không chỉ riêng ngành dệt may, đây cũng là bài toán khó nói chung với đa phần các doanh nghiệp trong nước. Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng đa số doanh nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh và bền vững. Thêm vào đó, bài toán đối với Việt Nam khi tiến hành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là cần lực lượng lao động có tay nghề cao.

Dù vậy, chuyển đổi xanh là một trong những yêu cầu bắt buộc mà doanh nghiệp Việt Nam phải sớm đáp ứng. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các nước châu Âu đưa tiêu chí về xanh lên số 1, chất lượng số 2 và giá thứ 3. Do vậy, việc Việt Nam không đáp ứng tiêu chí phân loại xanh sẽ gặp thách thức lớn cả về tăng trưởng tín dụng lẫn hỗ trợ doanh nghiệp.

Không chỉ Châu Âu, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Do đó, nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt thì 6 loại hàng hoá quy định trong CBAM sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi vào các thị trường này.

Chuyện cây gậy và củ cà rốt trong chuyển đổi xanh

Để thúc đẩy doanh nghiệp, nền kinh tế chuyển đổi xanh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, phải có cơ chế động lực đủ mạnh, tức là có cả "cây gậy và củ cà rốt". Việt Nam đã xây dựng được cơ chế chính sách về chuyển đổi xanh nhưng gần như lại để doanh nghiệp tự chiến đấu. Điều này rất khó để thúc đẩy chuyển đổi xanh như mục tiêu Chính phủ đề ra.

"Tôi lấy ví dụ như Trung Quốc đi trước ta khoảng vài năm nhưng đã có những thứ đáng tham khảo. Một là lĩnh vực tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh được giảm lãi suất. Họ đã lập quỹ phát triển xanh quốc gia để hỗ trợ, khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường. Thứ hai là Việt Nam chưa cụ thể hóa, Quỹ đầu tư quốc tế có 15,5 tỷ USD để đầu tư vào nhưng ta chưa có danh mục, dự án, chương trình, địa phương cụ thể để họ đầu tư", ông Lực nói.

Ngoài ra còn có vấn đề liên quan đến danh mục phân loại xanh, đây là điểm cần cập nhật đầy đủ và kịp thời. Về đơn vị thẩm định, tư vấn danh mục phân loại xanh, chuyên gia này cho rằng nên thuê tư vấn độc lập và xây dựng cơ chế thẩm định mạch lạc.

"Bản thân chính các doanh nghiệp cũng gặp áp lực “xanh hóa”. Rõ ràng, sự hạn chế của hành lang pháp lý phát triển nguồn vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng như chính sách riêng khuyến khích từng lĩnh vực hoạt động cũng khiến doanh nghiệp khó chuyển đổi xanh", chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh.

TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên vấn đề cần bàn vẫn là năng lực thực thi việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đây là vấn đề mới, chưa rõ khái niệm, luật lệ chưa đầy đủ thì rất khó thực thi.

Ông Thiên nhấn mạnh, nhà nước cần có vai trò, trách nhiệm biến thách thức tổng thể thành cơ hội của doanh nghiệp, tức là phải thiết kế hệ thống chính sách, cơ chế để doanh nghiệp thấy cơ hội ở đó. Bên cạnh đó, cần cho thấy lợi ích của doanh nghiệp thì họ sẽ làm. Đó gọi là biến thách thức của chính quyền thành cơ hội của doanh nghiệp.

"Về cơ bản, cơ chế thị trường là đặc biệt quan trọng, còn ưu đãi chỉ là đi kèm. Chúng ta đã cam kết với thế giới nên không chuyển đổi xanh là không được, thậm chí càng chuyển sớm càng có lợi. Đây là thách thức mới nhưng là vấn đề sống còn", TS. Trần Đình Thiên lưu ý.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhận định, Việt Nam đang đi cùng với thế giới về mặt tư duy trong tăng trưởng xanh, nhưng vấn đề ở đây là thách thức với Việt Nam trong chuyển đổi xanh còn lớn.

"Tổng kết thực hiện kế hoạch chuyển đổi xanh quốc gia cho thấy chúng ta mới đi được 1/4 chặng đường và yếu nhất vẫn là ở thực thi chính sách. Để giải quyết vấn đề này, giai đoạn 2021-2030 cần rà soát lại vướng mắc trong thực thi chuyển đổi xanh để không lặp lại những vấn đề như giai đoạn trước", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nói.

Chuyên gia này cho biết các vướng mắc đầu tiên là năng lực thực thi chủ trương chính sách. Việt Nam đã có sổ tay hướng dẫn tín dụng xanh, tăng trưởng xanh, đã có quy định về chuyển đổi xanh. Nhưng hiện nay vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh, tiêu chí môi trường.

Hai là hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Việc thiếu hỗ trợ sẽ tạo nguồn cung hạn chế cho thị trường. Vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, nhận thức doanh nghiệp chưa đẩy đủ để tham gia vào chuyển đổi xanh, đi cùng với đó là sự hấp dẫn của trái phiếu xanh, tín dụng xanh còn chưa cao.

Ba là làm thế nào để có nền tảng chuyển đổi xanh. Xanh hoá sản xuất là cấu phần quan trọng, cơ cấu năng lượng, phát thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Từ cấp độ quốc gia, công nghệ đầu tư không đủ. Trung bình các nước đầu tư khoảng 2,2% GDP cho công nghệ trong khi đó Việt Nam còn rất thấp, cần hỗ trợ để chuyển đổi công nghệ cho doanh nghiệp.

Dư nợ tín dụng xanh hiện nay chỉ tập trung nông nghiệp, năng lượng trong khi còn nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế còn cần chuyển đổi và chiếm tỷ trọng lớn như xây dựng, giao thông hoặc công nghiệp chế biến chế tạo - cần coi đây là đột phá.

Bốn là làm sao nâng cao nhận thức qua truyền thông. Cần xây dựng văn hoá chuyển đổi xanh, thay đổi nhận thức của các địa phương về chuyển đổi xanh, đó không phải chỉ là vấn đề dự án, vốn. Có thể thấy yêu cầu chuyển đổi xanh đã sát cửa ngõ nhưng vẫn sự quan tâm, tập trung chưa nhiều.

Xem thêm tại nhadautu.vn