Chuyển động mới tại Angimex

agm-hinh

Cửa hàng xe máy Angimex Furious. Nguồn: AGM

Bán tài sản thu hồi vốn

Từ cuối năm 2023 tới nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang – Angimex (mã: AGM) liên tục công bố quyết định HĐQT thông qua chuyển nhượng loạt vốn công ty con, liên doanh, liên kết để thu hồi vốn bổ sung nguồn vốn lưu động.

Cụ thể, ngày 8/3, Angimex thông báo nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex – Kitoku (AKJ). Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo, vốn điều lệ 8 tỷ đồng, trong đó Angimex sở hữu gần 33% vốn. Giá chuyển nhượng do bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần APC Holdings đề nghị.

Ngày 1/3, HĐQT công ty thông qua chủ trương chuyển nhượng tối đa 3,25 triệu cổ phiếu, tương đương 32,5% vốn Công ty cổ phần Golden Paddy cho Công ty cổ phần The Golden Group. Golden Paddy vốn 110 tỷ đồng, trong đó The Golden Group góp 68,18%, cá nhân ông Lương Đặng Xuân góp 2,27% và phần còn lại là Angimex góp. Giá chuyển nhượng 32,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HĐQT công ty còn muốn chuyển nhượng toàn bộ 25% vốn Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn – An Giang (Sagico). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị vốn 46 tỷ đồng. Các cổ đông gồm Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV, Công ty cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang và Angimex.

Bên nhận chuyển nhượng là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM và Công ty cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang.

Đồng thời, công ty bán thêm giai đoạn 1 một phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex Furious (kinh doanh xe máy và phụ tùng xe), tương ứng 21% vốn cho Công ty cổ phần The Golden Group.

Tính đến 31/12/2023, Angimex có 6 công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, lương thực, giống và dịch vụ nông nghiệp sở hữu 100% vốn. Đồng thời, công ty cũng góp vốn vào 5 công ty liên doanh và liên kết tổng vốn đầu tư 145 tỷ đồng.

Angimex hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo, nằm trong tốp đầu tại Việt Nam. Vào năm 2021, Angimex kỳ vọng có sự thay đổi lớn khi nhà đầu tư mới Louis Holdings vào thế chỗ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Song qua năm 2022, nhóm Louis Holdings gặp biến cố khi người đứng đầu khi đó là ông Đỗ Thành Nhân bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán. Kể từ đó, hoạt động kinh doanh của Angimex lao dốc và không có dấu ấn đặc biệt trên thị trường.

Những chuyển động mới của Angimex xuất phát từ cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra đầu tháng 11/2023. Đại hội được tiến hành thành công với sự tham gia của 13 cổ đông, đại diện và sở hữu cho 9,24 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết, chiếm 50,79% vốn công ty.

Cổ đông đã thông qua việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các nhà máy. Nguyên nhân bán tài sản là do công ty bị mất cân đối vốn, đầu tư mua nhà máy – tài sản dài hạn bằng vốn phát hành trái phiếu ngắn hạn – thời hạn 1 đến 2 năm. Điều này khiến công ty thiếu hụt dòng tiền trả nợ ngân hàng, nhà đầu tư và không có nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

Danh sách công ty con, liên doanh, liên kết sẽ bán gồm Lương Thực Angimex, Angimex Furious, Chế biến lương thực Angimex, Dịch vụ nông nghiệp cao Angimex, Angimex – Kitoku, Sài Gòn – An Giang, Golden Paddy, Thương mại Louis Angimex. Tổng giá gốc đầu tư 719 tỷ đồng, dự phòng 133,5 tỷ đồng.

Các nhà máy bán gồm Bình Thành, Đa Phước, Đồng Tháp 3, Định Thành, tổng giá gốc đầu tư 330 tỷ đồng, đã khấu hao 123 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn khủng

Cuối năm 2023, cơ cấu vốn công ty rất mất cân xứng khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 29 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả 1.230 tỷ đồng với chủ yếu nợ ngắn hạn.

Do vậy, bên cạnh bán tài sản bổ sung vốn lưu động, công muốn vay cá nhân, tổ chức tín dụng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cụ thể, Angimex muốn bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn lên 332 tỷ đồng. Giá chào bán chưa được xác định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Đồng thời, tại thời điểm cuối năm 2023, công ty có khoản nợ vay 987 tỷ đồng, gồm 560 tỷ vay trái phiếu. Không có tiền trả, công ty dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ, phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức kèm chứng quyền riêng lẻ hoán đổi nợ hoặc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để huy động tiền trả nợ. Số lượng cổ phiếu phát hành sẽ là 56 triệu đơn vị.

Như vậy, Angimex dự kiến phát hành tổng cộng 71 triệu cổ phiếu gọi vốn trả nợ và mở rộng sản xuất. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 182 tỷ đồng lên 892 tỷ đồng.

Việc thua lỗ 2022 và 2023 đã khiến lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Do đó, lãnh đạo công ty đề ra biện pháp dùng quỹ đầu tư phát triển (120 tỷ đồng) và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (5 tỷ đồng) để bù đắp lỗ quỹ kế.

Với năm 2024, ban lãnh đạo đề ra kế hoạch kinh doanh tăng mạnh so với 2023 như doanh thu 2.854 tỷ đồng, gấp 3,5 lần; có lãi trước thuế 27 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ.

Nhóm APG Capital chiếm quá bán trong HĐQT

Cuối cùng, cổ đông miễn nhiệm thành viên HĐQT Phạm Trung Kiên và bầu thay thế ông Nguyễn Hữu Phú cho nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Ông Phú do nhóm cổ đông sở hữu 20% vốn công ty gồm Công ty cổ phần APG Capital và 9 cá nhân đề cử. Thành viên HĐQT mới của Angimex sinh năm 1993, thường trú tại tỉnh Bắc Ninh, hiện đang là Trưởng phòng kinh doanh CTCP APG Capital, Chủ tịch HĐQT An Trường An và Thành viên HĐQT GKM Holdings.

Nhóm APG Capital đã hiện diện tại Angimex từ kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2023 khi đề cử ông Đỗ Minh Đức và ông Nguyễn Đoàn Mạnh Hiếu vào HĐQT.

Như vậy, danh sách HĐQT của Angimex hiện có 5 người thì đến 3 người đến từ nhóm APG Capital. Ông Lê Tiến Thịnh (Chủ tịch HĐQT) và ông Võ Kim Nguyên vào HĐQT từ giữa 2022 và từng làm thành viên HĐQT của Louis Holdings.

Xem thêm tại nhadautu.vn