Chuyên gia: 16 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD trong quý I nhưng năm 2024 sẽ có rất nhiều thách thức

16 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%.

Như vậy, một tín hiệu đáng mừng là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia: 16 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD trong quý I nhưng năm 2024 sẽ có rất nhiều thách thức
Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong quý I, Việt Nam có tới 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%), nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).

Thêm vào đó, chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2024 đạt 5,66%, tăng so với cùng kỳ những năm trước. Từ đó, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra đánh giá khả quan về bức tranh sản xuất, xuất khẩu của nước ta.

Những thách thức đón chờ trong năm 2024

Xét ở hiện tại, tình hình phục hồi sản xuất khả quan hơn đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu, cùng với nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ biến động của tăng trưởng kinh tế thế giới, xung động địa chính trị kéo dài, xu hướng phi toàn cầu hoá, chính sách bảo hộ của các nước, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh với các nước trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Cụ thể, theo các nhà hoạch định chính sách, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023; xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, một trong những thách thức hiện nay đối với xuất khẩu hàng Việt là chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.

Hiện các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng... Đây là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Thêm vào đó, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết, cước vận tải biển vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023 do xung đột tại Biển Đỏ. Xung đột ở một số nơi trên thế giới vẫn tiếp diễn, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại. Những khó khăn này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam, từ đó tác động đến khách hàng, nhãn hàng đối tác của các doanh nghiệp Việt.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Để duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và các cam kết từ các FTA, tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần khẩn trương, nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới.

Chuyên gia: 16 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD trong quý I nhưng năm 2024 sẽ có rất nhiều thách thức
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần khẩn trương, nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu thị trường.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để tạo đà cho xuất khẩu các tháng tới, các doanh nghiệp cần duy trì chặt chẽ quan hệ với đối tác hiện có bằng chất lượng, trách nhiệm và gia tăng chữ tín, bảo đảm nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, đồng thời tích cực, chủ động tìm thị trường mới như thị trường các sản phẩm Halal Trung Đông, châu Phi và phát triển sâu thị trường ASEAN.

“Doanh nghiệp cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, cải thiện năng lực canh tranh, xây dựng thương hiệu Việt, thêm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để gia tăng vai trò và tác động của đổi mới sáng tạo đến xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên kết với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài để cùng bổ sung lợi thế”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng lưu ý.

Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tham mưu, đề xuất giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu giải pháp ứng phó cũng như thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về diễn biến của thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp và định hướng tìm kiếm đơn hàng từ thị trường chịu rủi ro thấp hơn bởi lạm phát.

Mặt khác, Bộ duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, đặc biệt là các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; đồng thời khuyến nghị với địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại; trong đó, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Hơn nữa, Bộ sẽ thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn