Kết quả kinh doanh tích cực

Mới đây, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Cụ thể, TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank (TCB) có lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái; thu nhập lãi thuần là 8.500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) có lợi nhuận trước thuế hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần là 11,3 tỷ đồng, tăng 12% so với quý I/2023.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bảo Việt Bank) ghi nhận lợi nhuận quý I/2024 là 8,3 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần 430 tỷ đồng, tăng 36% so với quý I/2023. Ngân hàng Phương Đông (OCB) có lợi nhuận trước thuế là 1.214 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần trong quý đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 8,6% và chiếm 83,12% tổng thu thuần.

Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành ngân hàng sau kết quả kinh doanh quý I/2024?

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc quý I/2024, nhiều mã cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng có xu hướng tăng. Chẳng hạn như cổ phiếu TCB, kết phiên ngày 29/3 có giá 47.500 đồng/cổ phiếu. Ảnh: FiinTrade.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) có lợi nhuận trước thuế là 2.886 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ, hoàn thành 27,49% kế hoạch năm; thu nhập lãi thuần đạt 3.464 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) có lợi nhuận trước thuế đạt 338,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần đạt 813 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, còn có một số ngân hàng có lợi nhuận “đi lùi”. Chẳng hạn như gân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGB) báo lãi trước thuế hơn 116 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 92,8 tỷ đồng, đồng loạt giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi thuần của PGB quý I/2024 đạt 377 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023.

Triển vọng cho ngành Ngân hàng

Năm 2024, ngành Ngân hàng được dự báo sẽ có những hy vọng tia sáng vào nửa cuối năm. Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), dự kiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 15%, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.

Về tăng trưởng tín dụng, trung bình các ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, trong đó có một số ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu tăng trưởng dưới mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu của Chính phủ như ACB, LPB, TPB, Vietcombank.

Các ngân hàng tư nhân vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cũng là các ngân hàng có room lớn như HDB, MBB, VIB, VPB. Năm nay các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt có khả năng trả cổ tức và có kế hoạch trả cổ tức đều đặn hơn, ví dụ ACB, MBB, HDB, VIB, VPB.

Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành Ngân hàng sau kết quả kinh doanh quý I/2024?

Ảnh minh họa

Về tình hình chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tính theo năm liên tục tăng từ thời điểm Covid-19 đến hiện tại. Bên cạnh đó, việc thu từ xử lý nợ các ngân hàng cũng thấy có sự chậm đi ở năm 2023. VPBankS nhận định, NPL toàn ngành hiện tại vẫn ở mức 1,9%, khá cao so với năm 2022 là 1,7%, tức tăng 12%, trong khi nhìn trong quá khứ chúng ta đang làm rất tốt việc giảm thiểu nợ xấu và tỷ lệ bao nợ xấu cũng đang làm rất tốt để cải thiện.

Về nợ xấu, VPBankS cho biết, nợ xấu qua từng quý đang trong đà giảm, đó có thể là tín hiệu tốt cho thấy nợ xấu có thể đã được “cầm máu”. Nhìn vào cơ cấu nợ quá hạn của toàn ngành niêm yết (nhóm 2 đến 5), nợ nhóm 2 bắt đầu vào xu hướng giảm trong 3 quý trở lại đây là tín hiệu rất đáng mừng, đi kèm với chính sách giãn nợ của Thông tư 02 và một số điều sửa trong Luật Các tổ chức tín dụng mới về xử lý nợ xấu cũng sẽ là hành lang pháp lý hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc chiến đấu với nợ xấu trong tương lai.

Về định giá, VPBankS nhận định, P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013, nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn. Mặc dù trong thời gian tới sẽ có những biến động, rung lắc nhất định, tuy nhiên, VPBankS vẫn kỳ vọng vào tăng trưởng về lợi nhuận và theo đó là vốn chủ sở hữu dần phục hồi trong quý cuối năm 2024.

Cơ hội cho cổ phiếu ngân hàng

Với kết quả kinh doanh quý I đầy khởi sắc, cũng như dự báo tích cực của VPBankS về triển vọng phục hồi ngành ngân hàng 2024, cổ phiếu nhóm ngành này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo đó, các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng được ví như “cổ phiếu vua” bởi nhiều dư địa tăng trưởng, cũng như vai trò trụ cột trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tích cực. Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh gần đây, định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng càng trở nên hấp dẫn.

Đáng chú ý, các chỉ số như P/E, P/B dự phóng ở nhóm này còn có xu hướng "rẻ hơn", bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Ngoài ra, “cơn mưa” cổ tức tiền mặt của nhóm này đang dần trở nên thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư, qua đó, tạo đà tăng giá cổ phiếu.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Yuanta cũng đánh giá tích cực cổ phiếu ngành ngân hàng dựa trên kỳ vọng: thu nhập lãi ròng năm 2024 được cải thiện nhờ khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn và chi phí vốn thấp hơn; định giá của ngành Ngân hàng vẫn hấp dẫn, với dự báo P/B năm 2024 trung vị là 1,1 lần và hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 18%, riêng ROE bình quân của 7 ngân hàng nằm trong danh mục khuyến nghị của Công ty là 20% (bao gồm các mã ACB, BID, HDB, MBB, STB, VCB, VPB).

Ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, cũng như có mức đóng góp lớn trong cơ cấu lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán. Do đó, đây là nhóm có tác động chi phối hàng đầu đến diễn biến thị trường./.