‘Cỗ máy in tiền’ chậm nhịp, ngân hàng dần chán công ty tài chính?
Làn sóng ngân hàng thoái vốn công ty tài chính
Mới đây, Ngân hàng Quân đội (MB) công bố kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty Tài chính MB Shinsei (MCredit), liên doanh giữa MB và Shinsei Bank (Nhật Bản). Theo đó, MB sẽ chuyển đổi MCredit sang mô hình công ty cổ phần hoặc TNHH một thành viên, đồng thời thực hiện các bước chuyển nhượng để MCredit không còn là công ty con.
Động thái này nằm trong chiến lược tái cấu trúc đầu tư của MB, nhằm tập trung phát triển mảng kinh doanh lõi và mở rộng quốc tế. Trước đó, năm 2017, MB đã bán 49% cổ phần MCredit cho Shinsei Bank, thu về 615 tỷ đồng.
Những năm gần đây, thị trường tài chính chứng kiến hàng loạt thương vụ ngân hàng thoái vốn một phần hoặc toàn bộ tại các công ty tài chính. Trong đó, VPBank nổi bật nhất với thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit trị giá 1,4 tỷ USD năm 2021.
Một thương vụ đình đám khác là SHB bán công ty tài chính SHBFinance cho Krungsri (Ngân hàng Ayudhya, Thái Lan). Tháng 8/2021, SHB ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ vốn tại SHBFinance cho Krungsri. Đến tháng 11/2024, Krungsri quyết định mua nốt phần còn lại sớm hơn dự kiến.
Mặc dù giá trị cụ thể của thương vụ chưa được công bố, truyền thông quốc tế ước tính con số vào khoảng 3.600 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ năm 2023, Chủ tịch SHB – ông Đỗ Quang Hiển cho biết, đây là thương vụ có giá trị cao nhất trong số các giao dịch tài chính mà Việt Nam từng thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
"Giá trị bán theo như thỏa thuận thì chưa công bố được, nhưng cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài", ông chủ SHB nói.
Gần đây nhất, SeABank đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Tài chính PTF cho AEON Financial Service (Nhật Bản) vào tháng 2/2025, với giá trị 4.300 tỷ đồng (175 triệu USD). Thương vụ được khởi động từ năm 2023 và được NHNN chấp thuận vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, MSB vẫn đang tìm đối tác để thoái vốn khỏi Công ty Tài chính TNHH MTV TNEX (TNEX Finance, trước đây là FCCOM). Dù từng có nhiều cuộc đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2021 đến nay nhưng các thương vụ liên tiếp đổ vỡ vì nhiều lý do, từ chiến lược thay đổi đến tác động của dịch COVID-19.
ĐHĐCĐ năm nay, MSB tiếp tục trình cổ đông hai phương án, bán toàn bộ hoặc một phần vốn tại TNEX Finance cho đối tác có năng lực trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
![]() |
Đại diện SeABank và AEON Financial tại Lễ ký kết bàn giao PTF ngày 03/02/2025. Ảnh SeABank |
"Cỗ máy in tiền" chậm nhịp
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam từng được xem là “mỏ vàng” nhờ tỷ lệ tiếp cận tín dụng chính thức thấp – chỉ khoảng 40% dân số trưởng thành, theo Ngân hàng Thế giới. So với các nước trong khu vực như Thái Lan (82%) hay Malaysia (92%), Việt Nam có khoảng trống lớn cho các công ty tài chính tiếp cận nhóm khách hàng không đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng truyền thống.
Dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng thực sự ưu tiên đầu tư phát triển công ty tài chính mà mình sở hữu. Tại một số đơn vị, với dư nợ khiêm tốn và thị phần hạn chế, mảng tài chính tiêu dùng gần như không tạo ra đóng góp đáng kể cho lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ.
Đơn cử như TNEX Finance – công ty con của MSB, dù đã hoạt động lâu nhưng quy mô dư nợ đến năm 2024 chỉ ở mức 1.774 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm ngoái là 3.807 tỷ đồng, doanh thu 359 tỷ và lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng.
Tương tự, công ty tài chính của SeABank cũng ghi nhận mức đóng góp khiêm tốn, với 61 và 167 tỷ đồng, tương đương 1,32% và 2,76% trên tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng trong năm 2023 và 2024.
![]() |
Báo cáo SeABank 2024 |
Ngược lại, tại một số ngân hàng lớn, công ty tài chính không đơn thuần là mảng phụ trợ mà được định vị là đòn bẩy chiến lược thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Các nhà băng này đầu tư bài bản vào vốn, công nghệ, vận hành và nguồn nhân lực, đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh độc lập nhưng liên kết chặt chẽ với ngân hàng mẹ – như VPBank với FE Credit, MB với MCredit hay HDBank với HD Saison.
Ngoài ra, họ cũng khai thác hiệu quả hệ sinh thái sẵn có để mở rộng tín dụng tiêu dùng. Nhờ đó, trong thời kỳ đỉnh cao của thị trường, các công ty tài chính từng được ví như “cỗ máy in tiền” cho ngân hàng mẹ.
Một ví dụ tiêu biểu là FE Credit, công ty tài chính từng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho VPBank. Trong nhiều năm liên tiếp, FE Credit đóng góp tới 40–45% tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng, với mức lãi ròng duy trì ổn định ở 4.000–4.500 tỷ đồng mỗi năm. Thành công của FE Credit không chỉ giúp VPBank bứt phá về quy mô vốn hóa mà còn tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược mở rộng kinh doanh đa ngành.
![]() |
FE Credit từng là "cỗ máy in tiền" với mức lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng mỗi năm |
Tương tự, trong giai đoạn đỉnh cao, MCredit từng mang về cho ngân hàng mẹ MB mức lợi nhuận hơn 4 đồng trên mỗi 10 đồng vốn chủ sở hữu.
Gia nhập thị trường muộn (năm 2016), MCredit nhanh chóng vươn lên nhờ hậu thuẫn từ MB và Shinsei Bank. Năm 2018, công ty chiếm 5,2% thị phần tín dụng tiêu dùng chỉ sau 2 năm hoạt động. Đến năm 2022, thị phần MCredit tăng lên 12%, đứng thứ ba toàn thị trường sau FE Credit và Home Credit.
Cũng trong năm này, MCredit lập đỉnh lợi nhuận với 960 tỷ đồng và hệ số ROE lên tới 40,65%, vượt xa mức trung bình ngành.
Cần nói rõ thêm rằng, trong ngành tài chính tiêu dùng (consumer finance) – vốn hoạt động với rủi ro cao hơn ngân hàng thương mại – các công ty thường có ROE dao động từ 15% đến 30% ở điều kiện bình thường. Một số công ty tài chính tiêu dùng đầu ngành như FE Credit, ROE thời điểm tốt nhất cũng chỉ khoảng 25–30%; Home Credit Vietnam, ROE khoảng 20–28%,…
![]() |
MCredit đang cho thấy kinh doanh "hụt hơi" trong 2 năm gần nhất |
Tuy nhiên, chưa vượt được mốc lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận của MCredit rơi mạnh còn 240 tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng ROE giảm xuống còn 8%.
Chủ tịch MB, ông Lưu Trung Thái từng thừa nhận, năm 2023 là thời điểm khó khăn với mảng cho vay tiêu dùng. Dù MCredit đã chuyển hướng sang cho vay dựa trên dữ liệu thay vì tiền mặt truyền thống, kết quả kinh doanh vẫn chật vật.
Khó khăn của MCredit phản ánh phần nào bức tranh nhiều gam màu xám trong ngành tài chính tiêu dùng giai đoạn 2023-2024, với tỷ lệ nợ xấu tăng cao do hệ quả từ suy thoái kinh tế và dịch bệnh Covid. Tính đến tháng 2/2024, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính đã lên tới gần 15%, trong bối cảnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, kết thúc năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Home Credit ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.290 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm trước và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi công bố thông tin tài chính trên HNX. HD Saison lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm trước. FE Credit, sau tái cấu trúc, cũng trở lại đường đua với lợi nhuận 515 tỷ đồng, EVNFinance vượt 20% kế hoạch năm, đạt lãi trước thuế gần 704 tỷ đồng, tăng gần 72% so với năm 2023.
Trong khi đó, MCredit lại cho thấy dấu hiệu “hụt hơi” khi lợi nhuận sau thuế tiếp tục lao dốc, giảm 79% so với năm trước, về mức thấp nhất từ 2019 đến nay.
![]() |
Ảnh: mcredit.com.vn |
Những ông chủ mới
Bên cạnh nỗi lo nợ xấu luôn rình rập, ngành tài chính tiêu dùng còn đối mặt với loạt rào cản khó khăn khác. Một trong số đó là chi phí vốn cao. Đặc điểm của các công ty tài chính là không được phép huy động tiền gửi từ dân cư, do đó phải dựa vào nguồn vốn thứ cấp từ ngân hàng mẹ hoặc phát hành trái phiếu.
Song song đó, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt với sự gia nhập của loạt công ty fintech, ví điện tử, công ty cầm đồ hay nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending). Các đối thủ này thường có lợi thế công nghệ, tốc độ xử lý hồ sơ nhanh và mức độ linh hoạt cao, trong khi nhiều “ông lớn” tài chính tiêu dùng vẫn còn loay hoay trong mô hình vận hành cồng kềnh, thiếu đổi mới.
Chưa kể, hành lang pháp lý dành cho tài chính tiêu dùng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, đặc biệt trong vấn đề quản lý hoạt động thu hồi nợ, bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay không có tài sản đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Sau khi Luật Đầu tư 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê, các công ty tài chính không còn công cụ hiệu quả để thu hồi nợ. Thủ tục khởi kiện hiện tại lại phức tạp và kéo dài, trong khi giá trị mỗi khoản vay thường không lớn, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Khi nhiều ngân hàng trong nước có động thái thoái vốn một phần hoặc toàn bộ, thị trường tài chính tiêu dùng chứng kiến làn sóng thâu tóm mạnh mẽ từ nhà đầu tư ngoại. Những tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, với lợi thế về vốn giá rẻ, năng lực quản trị rủi ro cao và khả năng đầu tư dài hạn, đang trở thành những ông chủ mới.
Nói về thương vụ mua lại 100% vốn Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) từ SeABank, ông Kenji Fujita, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AEON Financial Service, cho biết:
“Sau khi nhận được giấy phép, ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, chúng tôi cũng dự định trong tương lai sẽ phát hành thẻ tín dụng. Chúng tôi sẽ đóng góp càng nhiều càng tốt vào thị trường tài chính Việt Nam bằng kiến thức đã tích lũy của chúng tôi tại Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác”.
Trên thực tế, tập đoàn AEON đã rót hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, xác định đây là thị trường trọng điểm trong chiến lược phát triển khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh hoạt động cốt lõi trong lĩnh vực bán lẻ, AEON đã tham gia mảng tài chính tiêu dùng từ năm 2008 thông qua ACS Việt Nam – chuyên cung cấp dịch vụ mua trả góp và thẻ tín dụng.
Việc thâu tóm PTF, vì thế không chỉ mở rộng năng lực tài chính của AEON tại Việt Nam, mà còn đánh dấu bước đi chiến lược nhằm củng cố hiện diện và đẩy mạnh hệ sinh thái bán lẻ - tài chính tích hợp ở thị trường nước ta.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn