Cổ phiếu dầu khí và cao su bứt phá, thị trường lại chao đảo vì tin đồn

Sau khi giảm khá sâu, VN-Index bật lại từ vùng 1.276 điểm và dừng lại phiên 2/4 với mức giảm nhẹ. Thanh khoản tốt trở lại, 24.100 tỷ đồng của toàn thị trường và 21.200 tỷ đồng sàn HoSE.

Trước giờ giao dịch, mọi sự chú ý của nhà đầu tư tập trung vào tin đồn về việc ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) bị cấm xuất cảnh.

Thông tin trên ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đặc biệt là các cổ đông của Sacombank. Mở cửa phiên giao dịch ngày 2/4, sắc đỏ đã áp đảo và đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu STB giảm mạnh và có thời điểm xuống đến 29.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 5,7%, và gây ra áp lực lớn đến thị trường chung, kéo theo hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu khác lao dốc. Trạng thái này duy trì trong phần lớn thời gian của phiên sáng.

Cuối phiên sáng, Sacombank có có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí về việc trang Facebook có tên "THANG DANG" đã nhiều lần đăng thông tin bịa đặt và vu khống lãnh đạo Sacombank. Ngân hàng Sacombank khẳng định những thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin trên của Sacombank đã phần nào giải toả tâm lý nhà đầu tư. Sau giờ nghỉ trưa, thị trường chung đã có sự hồi phục trở lại. Trong đó, lực cầu dâng cao vào cuối phiên đã giúp các chỉ số đóng cửa trong sắc xanh. Dù vậy, cổ phiếu STB vẫn có mức giảm tương đối mạnh là 3,8% xuống 30.200 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh đột biến 105 triệu đơn vị.  STB đứng thứ 2 về tác động tiêu cực đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,55 điểm. Trong khi đó, VCB 0,74% và lấy đi của VN-Index 0,95 điểm. Các mã ngân hàng như VPB, MBB hay VIB cũng gây áp lực lớn đến VN-Index.

Ở chiều ngược lại, GVR tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 2,25 điểm. Chốt phiên, GVR tăng trần lên 32.250 đồng/cp và khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, GAS tăng 2,36% và đóng góp 1,07 điểm.

Cổ phiếu đầu ngành cao su đóng góp mạnh mẽ cho sự hồi phục của VN-Index.

Bên cạnh GVR, các cổ phiếu ngành cao su cũng tăng rất tốt, trong đó, RBC cũng tăng trần, DRI tăng 7,3%, DPR tăng 3,5%.. Nhóm dầu khí cũng có một phiên hết sức tích cực, trong đó, CNG được kéo lên mức giá trần, PVD tăng 6,2%, PVS tăng 7,4%, PVB tăng 5,6%. Thông tin hỗ trợ nhóm ngành này vẫn đến từ việc hưởng lợi từ siêu dự án Lô B - Ô Môn. Mới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tham gia Lễ ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng có sự hồi phục tốt. SHS tăng đến 4,4%, VDS tăng 3,1%, CTS tăng 2,6%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,52 điểm (0,43%) lên 1.287,04 điểm. Toàn sàn có 248 mã tăng, 241 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3 điểm (1,24%) lên 245,9 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 96 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,08%) lên 91,4 điểm.

Tổng giá trị khớp lệnh riêng trên HoSE đạt 1,09 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 27.517 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thoả thuận chiếm 1.985 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 2.791 tỷ đồng và 863 tỷ đồng.

STB là mã khớp lệnh nhiều nhất thị trường với 105 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, SHS khớp lệnh được 32 triệu đơn vị. Các mã MBB, GEX, DXG và VND đều khớp lệnh trên 28 triệu đơn vị.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 737 tỷ đồng trên sàn HoSE, và 16 tỷ đồng trên UPCoM, trong khi mua ròng 178 tỷ đồng ở sàn HNX. Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã STB với 284 tỷ đồng. VCI cũng bị bán ròng 224 tỷ đồng. SSI, MSN, VNM hay VHM đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, TCB được mua ròng mạnh nhất với 188 tỷ đồng. PVS cũng được mua ròng 163 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn