Cổ phiếu EVG đã tăng hơn 60% kể từ khi bị đưa vào diện cảnh báo

Sau phiên sáng giảm nhẹ, thị trường nới thêm đà giảm và cũng như phiên hôm qua, khi chớm thủng 1.060 điểm, VN-Index đã bật lên nhờ một số mã lớn như GAS, VNM, FPT tăng khá tích cực, giúp chỉ số đóng cửa trong sắc xanh, dù bảng điện tử vẫn đa số là các mã giảm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 172 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng 2,84 điểm (+0,27%), lên 1.064,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 669,5 triệu đơn vị, giá trị 11.703,9 tỷ đồng, giảm gần 16% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 55,4 triệu đơn vị, giá trị 1.160 tỷ đồng.

Cổ phiếu EVG đã tăng hơn 60% kể từ khi bị đưa vào diện cảnh báo ảnh 1

Các cổ phiếu GAS và FPT đều nhích gần 2,5% lên 94.700 đồng và 83.200 đồng, cùng với đó, một số mã lớn khác cũng đảo chiều tăng nhẹ giúp chỉ số đứng vững như MSN, VCB, BID, VHM.

Trong khi đó, cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ VN30 là GVR khi +4% lên 16.750 đồng, khớp hơn 5,27 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu STB vẫn là tâm điểm khi thanh khoản tiếp tục gia tăng và đứng đầu thị trường với 35,2 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 1,5% xuống 27.000 đồng. Các sắc đỏ khác cũng chỉ giảm nhẹ như VPB -1%, SSI -0,9%, PDR -0,7%, HPG -0,5%, NVL -0,4%...

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một vài cái tên ở nhóm khu công nghiệp, xây dựng, bất động sản, đầu tư công nổi lên, với SJS tăng kịch trần +7% lên 44.400 đồng, SGR +6,9% lên 23.200 đồng, HUB +6,7% lên 16.750 đồng.

Đáng kể nhất là EVG khi cũng đã đóng cửa ở giá trần +6,9% lên 5.440 đồng – mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2022, thanh khoản khớp lệnh đạt hơn 10,44 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ khi niêm yết tháng 6/2017.

Dù bị đưa vào diện cảnh báo cách đây một tháng do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2022, nhưng cổ phiếu EVG đã tăng vọt từ 3.330 đồng lên 5.440 đồng, tương ứng tăng hơn 60%. Thanh khoản trong khoảng thời gian này cũng tăng vọt từ ngưỡng 1 triệu cổ phiếu lên 4 đến 7 triệu cổ phiếu/phiên.

Tăng khá khác phần lớn đều thuộc các nhóm ngành trên, như BCG +3% lên 9.170 đồng, NHA +3,8% lên 19.250 đồng, TV2 +4% lên 30.150 đồng, VNE +6,1% lên 12.250 đồng. Các mã TIP, CIG, THG, TCD, HHV, TTB, LHG có mức tăng từ 2% đến gần 3%.

Ngoài ra, hai cổ phiếu nguyên vật liệu đã hút lực cầu tốt từ phiên sáng là HHP và BMP đều giữ vững phong độ, với HHP tăng trần +6,6% lên 12.900 đồng, khớp 3 triệu đơn vị, BMP còn tăng 5,5% lên 78.400 đồng, khớp 0,8 triệu đơn vị.

Trái lại, dù có tới hơn 200 mã giảm, nhưng đa phần chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên như TGG -6% xuống 3.270 đồng, ORS -3,2% xuống 13.600 đồng, GIL -3% xuống 23.000 đồng, HBC -2,9% xuống 8.150 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ trở lại tham chiếu khi giao dịch trở lại trong phiên chiều và giằng co nhẹ trước khi có nhịp tăng nhẹ vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 74 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,38%), lên 216,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 81,5 triệu đơn vị, giá trị 1.510,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 12,66 triệu đơn vị, giá trị 153,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đảo chiều tăng là động lực chính cho HNX-Index, điển hình như cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn là PVS đã tăng 3,1% lên 30.400 đồng, khớp gần 8,7 triệu đơn vị.

Tương tự là IDC khi +4,6% lên 41.300 đồng, VCS +6,4% lên 54.800 đồng. Cùng với đó, sắc xanh cũng hiện diện tại VGS, MST, TAR, BCC, PVC, HUT và đáng kể là PVB khi leo lên giá trần +9,9% lên 17.800 đồng.

Các cổ phiếu giảm điểm phần lớn chỉ mất điểm nhẹ, như SHS -0,9% xuống 11.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn khi có 11,53 triệu đơn vị, CEO -1,9% xuống 25.400 đồng, khớp 6,22 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, khá nhiều cổ phiếu chỉ về được tham chiếu đã không giúp UpCoM-Index trở lại sắc xanh, mà chỉ thu hẹp đà giảm so với cuối phiên sáng.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,27%), xuống 80,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39 triệu đơn vị, giá trị 430,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có hơn 13,3 triệu đơn vị, giá trị 248,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu KVC vọt lên giá trần +38,5% lên 1.800 đồng, trong ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM, đồng thời thanh khoản cũng vươn lên dẫn đầu với gần 6,2 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu khác cũng đã có phiên tỏa sáng là CEN khi chạm sắc tím +14,6% lên 4.700 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị.

Ở các cổ phiếu khác, hàng loạt mã như BSR, C4G, VHG, HHG, ABB, PXS, G36, LMH đã chỉ có giá tham chiếu khi đóng cửa.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều chỉ nhích nhẹ, với VN30F2306 tăng 0,9 điểm, tương đương +0,09% lên 1.057 điểm, khớp lệnh có hơn 164.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVHM2216 vượt trội về khối lượng giao dịch so với phần còn lại với hơn 1,16 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 4,5% lên 230 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn