Cổ phiếu ngân hàng có giảm sức hấp dẫn vì lãi suất giảm?

Vì sao cổ phiếu ngân hàng còn “điu hiu”?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 để định hướng cho việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa lấy lại được vai trò dẫn dắt trong những tháng đầu năm và những phiên gần đây cũng vậy.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 25/5, cổ phiếu ngân hàng nhận hiệu ứng ngược, khi chỉ số ngành này đã giảm 0,91%, với 18/20 cổ phiếu nhóm này điều chỉnh biên độ trung bình 1%. Nhiều mã ngân hàng giảm mạnh đã tạo thêm gánh nặng khiến chỉ số VN-Index giảm điểm trong phiên. Sang phiên 26/5, mặc dù sắc xanh đã nhiều hơn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng kết phiên cũng chỉ có 11/27 mã ngân hàng tăng điểm, còn lại vẫn 16/27 mã giảm hoặc đứng giá. Mức tăng của 11 mã này cũng rất nhẹ, chỉ từ 0,1 điểm đến 0,25 điểm so với phiên trước.

Theo các chuyên gia, sở dĩ dòng tiền “hờ hững” đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng một phần là do bối cảnh chung của thị trường. Song phần nhiều là do nhà đầu tư chưa thực sự kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của các nhà băng.

Thống kê cho thấy, tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp do mặt bằng lãi suất cho vay cao, cũng như nhu cầu vay của doanh nghiệp hạn chế vì nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, dù là thanh khoản không còn quá lo ngại nhưng tình hình huy động vốn của các ngân hàng vẫn chưa tích cực, nhất là tiền gửi từ nhóm các doanh nghiệp.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV cũng cho rằng, biên lãi ròng (NIM) bình quân chung của ngành ngân hàng tiếp tục chịu áp lực thu hẹp. Theo đó, ngành ngân hàng bước sang 2023 với triển vọng NIM suy giảm, riêng ở quý I/2023, NIM 12 tháng liên tiếp toàn ngành thu hẹp xuống mức 3,6% từ mức 3,8% ở 4 quý năm 2022. Theo chuyên gia của BSC, nguyên nhân đến từ việc chi phí vốn gia tăng khi tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) toàn ngành sụt giảm; và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chững lại có thể cũng khiến ngành ngân hàng gặp khó trong việc cải thiện lợi suất trên tài sản sinh lời.

“Dù vậy, chúng tôi nhận thấy mức độ giảm NIM này là không bất ngờ so với kỳ vọng trước đó. Điều này nhìn chung đến từ cầu tín dụng suy yếu so với năm 2022, cùng việc LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động) toàn ngành đã bị đẩy lên mức cao khiến lãi suất đầu vào tăng nhanh hơn lãi suất đầu ra” - chuyên gia BSC cho hay.

NIM sẽ phân hóa, nên chọn cổ phiếu ngân hàng nào?

Xu hướng hạ lãi suất thời gian qua có thể là yếu tố hỗ trợ NIM khi chi phí huy động thường sẽ giảm trước do chênh lệch kỳ hạn tài sản nợ - có. Tuy nhiên, các chuyên gia của BSC cho rằng cần theo dõi thêm khi tỷ lệ CASA của ngành chưa có dấu hiệu tích cực. Sự phân hóa về NIM có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm nay.

Theo đó, các ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng ngành nghề và tập trung mảng bán lẻ được kỳ vọng sẽ duy trì NIM tích cực hơn, khi nguồn CASA từ nhóm bán lẻ thường ổn định và ít nhạy cảm hơn so với nhóm doanh nghệp lớn. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có nhiều tỷ trọng tín dụng phân bổ vào lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được kỳ vọng NIM 2023 thu hẹp. “Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang đi đầu trong việc cắt giảm lãi vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ ghi nhận lãi suất đầu ra giảm nhanh hơn lãi suất đầu vào, từ đó cũng khiến NIM mỏng hơn” - chuyên gia của BSC cho hay.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bức tranh chung của cổ phiếu ngân hàng vẫn có điểm sáng. Theo phân tích của các chuyên gia này, lãi suất giảm sẽ giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, từ đó giúp các ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người vay. Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn sẽ kém hấp dẫn hơn do lãi suất thấp hơn, điều này có thể giúp tăng lượng tiền CASA, góp phần làm giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng.

Tuy vậy, theo các chuyên gia của BSC, về mặt định giá, cổ phiếu của ngành ngân hàng vẫn còn đó sự hấp dẫn. Với các rủi ro của ngành đã dần lộ diện như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại; hay lo ngại về chất lượng tài sản, BSC cho rằng, các yếu tố này đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng và mức định giá hiện tại của ngành vẫn hấp dẫn, đặc biệt là sau hàng loạt các chỉ đạo và chính sách hỗ trợ từ đầu năm. Cụ thể là chỉ số P/B TTM (giá/giá trị số sách 12 tháng liên tiếp) trung bình các ngân hàng niêm yết trên HOSE loại trừ VCB, BID, SSB là 1,1 lần so với trung bình 5 năm là 1,5 lần.

Còn dư địa cho các yếu tốt bất ngờ trong phần còn lại của năm

Theo BSC, trong môi trường bất ổn gia tăng, hầu hết các ngân hàng đặt kết hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2023 thấp hơn nhiều so với 2022. Sự thận trọng trong việc đặt kế hoạch kinh doanh được thể hiện ngay trong kết quả quý I/2023 khi hầu hết các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đi đúng tiến độ và ít có yếu tố bất ngờ. Ước tính tổng lợi nhuận trước thuế cả ngành trong quý I/2023 giảm 3,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ được ban hành vào thời điểm cuối quý I, II/2023, BSC cho rằng, có nhiều dư địa cho yếu tố bất ngờ với ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm./.