Cổ phiếu ngân hàng thiếu sự ổn định?
Không nằm ngoài ảnh hưởng của “cú sốc” thuế quan, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh cùng thị trường chung trong giai đoạn từ 3/4 - 9/4/2025. Mặc dù đã có sự phục hồi tích cực so với đáy ngắn hạn trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung diễn biến nhóm cổ phiếu này vẫn thiếu sự ổn định.
Tổ chức trong nước “xả” mạnh
Trong tuần giao dịch thứ 17 năm 2025 của VN-Index (21-25/4), xét theo ngành, thanh khoản tăng mạnh ở nhóm ngân hàng, tuy nhiên chỉ số giá của ngành giảm tuần thứ 2 liên tiếp, cho thấy áp lực bán vẫn chiếm ưu thế.
Đáng chú ý, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 2072.8 tỷ đồng (khớp lệnh bán ròng 2054.3 tỷ đồng). Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm ngân hàng. Top bán ròng có ACB, VPB, SHB, MBB, TCB, HPG, LPB, VCB, HDB, VIB.
![]() |
Mặc dù đã có sự phục hồi tích cực so với đáy ngắn hạn, nhưng nhìn chung diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn thiếu sự ổn định. |
Áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn hiệu hữu bất chấp nhóm này nhìn chung có kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực.
Theo thống kê từ Yuanta, tính đến ngày 28/4/2025 đã có 685 doanh nghiệp đại diện 40% vốn hóa trên 3 sàn công bố kết quả kinh doanh quý I và 556 doanh nghiệp đại diện 58% vốn hóa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Một số ngành đáng chú ý có tỷ lệ vốn hóa các doanh nghiệp công bố cao: Ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế của 13/27 ngân hàng tăng 21% so với cùng kỳ, tăng trưởng ổn định dù mặt bằng lãi suất ở mức thấp những tháng đầu năm.
Trong đó, một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khả quan như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SSB, +190,7%), MB (MBB, +44,3%), Sacombank (STB, +37,2%), HDBank (HDB, +35,6%), VPBank (VPB, +25,2%).
Dù hầu hết các nhà băng đều quan ngại vấn đề thuế quan sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động kinh doanh trong năm 2025, nhưng phần lớn vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức cao.
Đơn cử, SAHA BANK (SHB) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 14.500 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2024; tổng tài sản vượt 832.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 16%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Còn BIDV đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng nhà nước giao, dự kiến khoảng 16%; duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 1,4%; huy động vốn được điều hành phù hợp nhằm đảm bảo tỷ lệ LDR theo quy định.
Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu lãi trước thuế vượt 40.000 tỷ đồng, tăng 26% so với năm ngoái… Hay kế hoạch lợi nhuận 2025 của Sacombank được đại hội đồng cổ đông thông qua ở mức 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2024; VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) trong năm nay, tăng 26% so với năm 2024…
Đầu tư thế nào?
Theo giới phân tích, mặc dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ gây ra những rủi ro nhất định trong trung hạn, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày giúp rủi ro thuế quan tạm lắng. Xuất khẩu đến thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ cải thiện trong ngắn hạn, khi các nhà nhập khẩu đẩy nhanh đơn hàng không chỉ cho mùa tựu trường mà còn cho mùa lễ cuối năm, ngoại trừ những đơn hàng mất hơn 90 ngày để hoàn thành. Những ngân hàng có mức độ liên quan cao đến xuất khẩu và FDI (ngân hàng thương mại gốc quốc doanh) có thể hưởng lợi phần nào trong ngắn hạn, và có thêm thời gian để phát triển chiến lược trung hạn.
Trong trường hợp hoạt động tích trữ hàng hóa tiếp tục diễn ra trong giai đoạn này, ước tính lợi nhuận năm 2025 của các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng quá đáng kể. Tuy nhiên, về dài hạn, triển vọng vẫn còn nhiều bất định, và tác động dự kiến sẽ chỉ bắt đầu vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Về mặt định giá, sau những biến động của thị trường gần đây, hệ số P/B (giá thị trường/giá trị ghi sổ của cổ phiếu) bình quân của nhóm ngân hàng đã giảm xuống vùng 1,2 lần (dựa trên ROE kỳ vọng khoảng 18%, theo số liệu Bloomberg) và thấp so với mức trung bình 5 năm và gần chạm mức đáy của thị trường trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát và cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong tháng 10/2022.
Mặc dù bất ổn xoay quanh chính sách thuế đối ứng của Mỹ vẫn hiện hữu, mức định giá hiện tại được đánh giá là khá hấp dẫn khi đã giảm về gần giá trị sổ sách, cho thấy cơ hội tích lũy cổ phiếu ngân hàng một cách chọn lọc, đặc biệt là với các ngân hàng có sức mạnh về tài chính, hưởng lợi khi nền kinh tế có sự xoay trục.
SSI Research ưa thích những cổ phiếu của ngân hàng có nguồn vốn cạnh tranh và kết quả hoạt động theo sát sự phục hồi của nền kinh tế như VCB, CTG, TCB và MBB.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu áp lực từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nhà đầu tư khi chọn cổ phiếu ngân hàng nên lưu ý 3 yếu tố chính: chất lượng tài sản, biên lãi ròng (NIM) và triển vọng lợi nhuận.
Cụ thể, dù triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 được đánh giá tích cực, rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu, nhất là với các khoản vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ thuế quan. Mặt bằng lãi suất thấp có thể tạo áp lực lên NIM nhưng lại là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - một trong những động lực chính cho lợi nhuận ngành ngân hàng. Ngoài ra, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã phục hồi và tiếp tục xu hướng cải thiện, hỗ trợ tốt cho khả năng mở rộng NIM trong năm 2025. Cuối cùng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2025 kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số, trong khi định giá P/B chỉ ở mức 1,3x với ROE trung bình 17%, cho thấy mức định giá vẫn hấp dẫn.
Khuyến nghị được ông Khoa đưa ra là nhà đầu tư có thể quan tâm đến những mã cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, duy trì tăng trưởng tín dụng cao và có nhiều dư địa mở rộng NIM trong năm 2025 như VCB, TCB, MBB, VPB, ACB…
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên lưu ý thêm về việc Nghị định 69/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/5/2025 cho phép các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng khác được nâng room ngoại lên trên 30% nhưng không được vượt quá 49% vốn điều lệ (trừ ngân hàng do Nhà nước nắm trên 50% vốn). Quy định này được áp dụng cho VPB, HDB và MBB (không bao gồm VCB, do thuộc nhóm ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối) khiến thị trường kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới giá cổ phiếu của các nhà băng này khi có thêm cổ đông ngoại tham gia vào.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn