Cổ phiếu tăng mạnh: Khi bất động sản trở lại đường đua
Trong tuần "khai trương" hệ thống KRX, thị trường chứng khoán ghi nhận những diễn biến tích cực. Chỉ số VN-Index có thêm 41 điểm, tương đương 3,34%, đóng cửa ở ngưỡng 1.267,30 điểm. Dù thanh khoản sụt giảm nhẹ so với những tuần trước, dòng tiền vẫn duy trì ở mức ổn định, với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên xấp xỉ 17.000 tỷ đồng.
Một điểm sáng khác là động thái quay lại mua ròng của khối ngoại, với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Tín hiệu này góp phần không nhỏ trong việc gia cố niềm tin cho giới đầu tư trong nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang bước vào giai đoạn vận hành theo chuẩn quốc tế mới.
Với sự khởi sắc của thị trường chung, nhiều cổ phiếu đã nối dài chuỗi tăng và vượt đỉnh trong tuần qua.

HoSE: Bất động sản và dược phẩm dẫn sóng, GEX vượt đỉnh
Trên sàn HoSE, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần gồm có: JVC (+18,14%), ITC (+17,58%), PET (+17,20%), TNI (+16%), CSM (+15,26%), NLG (+14,55%), IMP (+14,26%), DLG (+13,89%), GEX (+13,21%) và GEG (+13,19%).
Đáng chú ý là sự trở lại đầy bất ngờ của nhóm dược phẩm – y tế sau thời gian dài im ắng. Dẫn đầu là cổ phiếu JVC của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật – với mức tăng 18,14%, trong đó có hai phiên tăng trần liên tiếp, phản ánh lực cầu mạnh mẽ từ dòng tiền đầu cơ. Với mức giá 4.950 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của JVC đã vượt mốc 550 tỷ đồng.
Trong khi đó, một mã dược phẩm khác là IMP cũng ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp, đi kèm thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất. Về mặt kỹ thuật, IMP đang hướng đến vùng đỉnh được thiết lập hồi tháng 3/2025.

Tuy nhiên, tâm điểm sự chú ý lại thuộc về nhóm bất động sản khi nhóm này có tới ba đại diện lọt Top 10: ITC, NLG và DLG. Trong đó, cổ phiếu ITC của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà (INTRESCO) nổi bật với hai phiên tăng trần cùng thanh khoản tăng đột biến. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang tập trung và có xu hướng đẩy giá vượt vùng cản.
Hiện cổ phiếu ITC đã đạt 11.750 đồng/cp, tương ứng vốn hóa hơn 1.150 tỷ đồng. Nếu tiếp tục duy trì đà tăng, mã này có thể vượt qua mốc kháng cự 12.800 đồng/cp – đỉnh cao thiết lập trong các năm 2023–2024 – và tạo mặt bằng giá mới.
Về kết quả kinh doanh, INTRESCO ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý I lần lượt đạt 160,5 tỷ đồng và 11,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Doanh nghiệp hiện đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Ngoài ra, không thể không kể đến cổ phiếu GEX của Công ty CP Tập đoàn Gelex. Dù mức tăng không quá vượt trội nhưng mã này tiếp tục vượt đỉnh trong tuần qua. Tính từ đáy gần nhất, GEX đã tăng hơn 50%, lên mức 30.000 đồng/cp, đưa vốn hóa Gelex vượt 25.700 tỷ đồng.
Ngược chiều, nhóm cổ phiếu giảm sâu trong tuần bao gồm SFC (−15,83%), SVI (−13,83%), RAL (−12,11%), ABR (−10,70%), ICD (−9,09%), DXV (−8,33%), CCC (−7,87%), HRC (−7,53%), TYA (−7,14%) và PGI (−6,52%).
Trong đó, cổ phiếu CCC của Công ty CP Xây dựng CDC gây bất ngờ khi rơi về vùng giá 19.000 đồng/cổ phiếu – gần sát mức giá chào sàn (18.300 đồng/cổ phiếu). Đáng nói, CCC chỉ mới niêm yết trên HoSE từ ngày 21/4/2025 và từng có thời điểm tăng mạnh lên 26.000 đồng ngay sau khi lên sàn.
HNX: PRC “lên mây”, KSQ “dò đáy”
Trên sàn HNX, 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất lần lượt là: PRC (+60,00%), KHS (+29,02%), DLI (+27,69%), PDB (+17,27%), CTP (+16,48%), HCC (+14,63%), MED (+13,75%), DST (+13,73%), HMH (+13,19%), VMS (+13,09%).

Tăng kịch trần suốt cả tuần, cổ phiếu PRC của Công ty CP Logistics PORTSERCO bỏ xa phần còn lại về khả năng bứt phá. Không chỉ vậy, thanh khoản cũng tăng đột biến, với khối lượng giao dịch bình quân hơn 40.000 đơn vị/phiên. Kết thúc tuần, cổ phiếu PRC vọt lên 44.800 đồng, đưa vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ 54 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, PORTSERCO có tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ tổng hợp Cảng Đà Nẵng, thành lập ngày 15/8/1993, chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần cảng bao gồm kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, cũng như kinh doanh thương mại nhiên liệu, dầu nhớt và các loại thiết bị, vật tư kỹ thuật. Ngày 26/9/2002, doanh nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phần theo Quyết định số 3086/2002/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, với tên gọi đầy đủ là Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Cảng Đà Nẵng, tên giao dịch tiếng Anh là PORTSERCO. Đến năm 2010, công ty chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PRC.
Dù tăng mạnh trên thị trường, nhưng kết quả kinh doanh của PORTSERCO không quá nổi bật. Kết thúc quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 31,8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 660 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, 10 cổ phiếu giảm mạnh ghi nhận sự góp mặt của KSQ (−33,33%), SMT (−23,48%), HTC (−18,5%), VEB (−16,67%), CAN (−11%), X20 (−10,34%), TTL (−10%), ALT (−10%), VE3 (−9,57%), TBX (−9,09%).
Trái ngược với PRC, cổ phiếu KSQ lại giảm sàn trong cả 5 phiên giao dịch của tuần qua. Tính theo mức giá 1.600 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP CNC Capital Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 48 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu này giảm sâu xuất phát từ thông tin bị hủy niêm yết bắt buộc. Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã thông báo về việc hủy niêm yết đối với 30 triệu cổ phiếu KSQ của CTCP CNC Capital Việt Nam, hiệu lực từ ngày 27/5/2025.
UpCOM: BVL thăng hoa nhờ KQKD tươi sáng
Trên sàn UpCOM, cổ phiếu BVL của Công ty CP BV Land dẫn đầu nhóm tăng tăng mạnh khi có thêm 49%. Không chỉ tăng mạnh về giá, mã này còn ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản, với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 23.000 đơn vị – cho thấy sự nhập cuộc của dòng tiền.
Động lực cho đà tăng này đến từ kết quả kinh doanh quý I tích cực: BV Land đạt gần 538 tỷ đồng doanh thu và 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và hơn 66% mục tiêu lợi nhuận của năm.
Top cổ phiếu tăng mạnh khác trên UpCOM còn có VE9 (+31,25%), TBR (+30%), PCM (+29,13%), BDW (+28%), HAV (+25,71%), V11 (+24,45%), DTC (+22,5%), VIH (+22,73%) và CI5 (+22,03%).

Ngược lại, 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất gồm có: VTQ (−39,88%), DNT (−22,43%), TLT (−20%), FCS (−17,39%), GND (−13,79%), VIN (−13,64%), DVC (−13,19%), PHS (−12,65%), HTP (−12%) và UCT (−15%). Các mã này chủ yếu là những doanh nghiệp có nền tảng yếu hoặc thua lỗ kéo dài, cho thấy sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trên UpCOM, nơi nhà đầu tư đang ngày càng chọn lọc hơn.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn