Sau nửa đầu phiên sáng giao dịch trong sắc đỏ, lực cầu sôi động hấp thụ mạnh các cổ phiếu ngân hàng, cùng diễn biến bùng nổ của cặp đôi lớn nhà Vin là VIC và VHM, đã giúp VN-Index đảo chiều khởi sắc và tạm khép lại phiên sáng 19/5 với mức tăng nhẹ.
Trước đà tăng kém bền vững và lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng, thị trường đã nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc nhẹ ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Sau gần 1 giờ giao dịch, VN-Index đã chính thức đảo chiều điều chỉnh. Bất chấp cổ phiếu lớn VIC vẫn giữ đà tăng kịch trần bởi lực cầu nội và ngoại tham gia mạnh mẽ, nhưng thị trường đã nới rộng đà giảm thêm đôi chút về cuối phiên khiến chỉ số VN-Index “thủng” mốc 1.300 điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 110 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index giảm 5,1 điểm (-0,39%) xuống mức 1.296,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 905,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 20.756 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,7% về khối lượng và tăng 3,1% về giá trị so với phiên 16/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77,2 triệu đơn vị, giá trị 2.613,7 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu VIC vẫn là trụ đỡ chính của thị trường khi đóng góp tới hơn 5,4 điểm cho chỉ số chung. Đóng cửa, VIC vẫn giữ đà tăng kịch trần lên mức 85.600 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong gần 3,5 năm của cổ phiếu này, với khối lượng khớp lệnh hơn 9,15 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,22 triệu đơn vị. Ngoài ra, mã này cũng được khối ngoại mua ròng tới hơn 2 triệu đơn vị.
Bên cạnh VIC, cặp đôi còn lại của nhà Vin là VHM và VRE đóng cửa đều tăng hơn 1%, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 5,27 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị.
Ngoài các mã trên, trong nhóm VN30 chỉ còn một vài mã bank là VPB, CTG, HDB, TCB giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LPB giảm mạnh nhất trong rổ VN30, đóng cửa với mức giảm 3,8%; tiếp theo là FPT giảm 2,3%, VJC giảm 2,2%...
Tuy nhiên, cổ phiếu tác động lớn nhất tới thị trường là “tân binh” VPL khi mã này tiếp tục nới nhẹ biên độ giảm trong phiên chiều. Đóng cửa, VPL giảm 2,8% xuống mức 98.200 đồng/CP, là mã tác động mạnh nhất tới thị trường khi lấy đi hơn 1,1 điểm của chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, CII trở thành “ngôi sao” mới. Đóng cửa, CII tăng 6,8% lên mức giá trần 14.200 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 4 thị trường, đạt hơn 26,7 triệu đơn vị và dư mua trần gần 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu CII còn nhận được lực cầu mạnh mẽ từ khối ngoại khi được mua ròng gần 3,3 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, với sự dẫn dắt của VIC, nhóm bất động sản vẫn là nhóm tăng tốt nhất thị trường. Một số mã khác đáng chú ý trong nhóm như DIG tăng 1,6%, KBC tăng 3,5% với thanh khoản đạt quanh mức 15 triệu đơn vị…
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm. Ngoài VPB, TCB, CTG, HDB tăng nhẹ, các mã VCB, MBB, BID, SHB, ACB, STB, EIB, VIB, TPB… đua nhau điều chỉnh nhẹ. Trong đó, VPB và SHB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt đạt 64,65 triệu đơn vị và 59,67 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán lùi sâu hơn khi hầu hết các mã đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong phiên. Trong đó, VIX vẫn sôi động nhất ngành, đạt 43,2 triệu đơn vị, đóng cửa mã này giảm 1,9% xuống mức 12.800 đồng/CP; SSI giảm 1,5% xuống mức 23.350 đồng/Cp và khớp 19,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù có bật hồi đôi chút về cuối phiên, nhưng áp lực bán gia tăng trên diện rộng, đã khiến HNX-Index không thoát khỏi phiên giảm điểm.
Đóng cửa, sàn HNX có 60 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 1,45 điểm (-0,66%) xuống 217,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,2 triệu đơn vị, giá trị 946,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 14,9 tỷ đồng.
Các cổ phiếu HNX30 phần lớn đều mất điểm, trong đó, SHS và CEO cùng giảm 0,8%, với thanh khoản sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 11,67 triệu đơn vị và 6,18 triệu đơn vị; MBS giảm 0,7% và khớp 3,3 triệu đơn vị, PVS giảm 1,5% và khớp 2,5 triệu đơn vị, IDC giảm 2,5% và khớp 1,44 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DL1 vẫn tăng khá tốt 2,2%, đóng cửa đứng tại mức giá 9.300 đồng/CP và khớp lệnh 6,12 triệu đơn vị; ngoài ra VFS khởi sắc hơn khi đóng cửa tăng 6,4% lên mức 23.400 đồng/Cp và khớp 2,06 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, thị trường giao dịch phân hóa và vẫn giữ được đà tăng nhẹ.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,22%) lên 95,71 điểm với 136 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,8 triệu đơn vị, giá trị 544 tỷ đồng.
Cổ phiếu BCR có thêm phiên tăng trần, đóng cửa đứng tại mức giá 2.800 đồng/Cp, tăng 12%, với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một vài điểm sáng khác như AAS tăng 6,8% lên mức 9.400 đồng/Cp và khớp 4,33 triệu đơn vị, VAB tăng 5,2% và khớp 2,79 triệu đơn vị, DDV tăng 1,7% và khớp 2,61 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN302506 giảm 4,1 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.380,1 điểm, khớp lệnh đạt 191.035 đơn vị, khối lượng mở gần 49.090 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo. Tuy nhiên, CVPB2407 vẫn là mã có thanh khoản cao nhất, khớp hơn 4,52 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 20% lên 120 đồng/cq. Tiếp theo là CVIB2501 và CMSN2404 đều có thanh khoản đạt hơn 2,3 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt giảm sàn về mức giá 10 đồng/cq và giảm 16,7% về mức 150 đồng/cq.