Cổ phiếu Vingroup không đỡ nổi thị trường

Diễn biến tích cực của VIC không đủ đảo chiều đà giảm của thị trường. Tiếp đà giảm của phiên cuối tuần trước, VN-Index mở cửa lập tức giảm điểm. Vùng 1.300 điểm ghi nhận rung lắc mạnh, đến cuối phiên, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo.

Trên HoSE, hơn 200 mã giảm giá, gấp đôi lượng cổ phiếu tăng. Nhóm vốn hóa lớn VN30 cũng trong trạng thái tương tự. Gây ảnh hưởng tiêu cực nhất là VPL, VCB, VPT, LPB, BID… Áp lực bán ở vùng 1.300 điểm vẫn còn lớn.

Nhóm ngân hàng không còn sự đồng thuận, thị trường gặp khó. Ngành công nghệ thông tin có mức giảm mạnh nhất thị trường với 2.29% chủ yếu đến từ 2 mã FPT (giảm 2,3%) và CMG (giảm 2,4%).

Cổ phiếu Vingroup không đỡ nổi thị trường ảnh 1

VIC đóng góp gần 5 điểm cho chỉ số chính. Dữ liệu: Dstock.

Ngược lại, VIC của Vingroup tăng 7% lên mức 85.600 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu đạt giá trần trong ngày liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Vingroup khởi công dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.

Đà tăng vừa qua đưa VIC về lại mức đỉnh 3 năm, xác lập mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2022. Thanh khoản VIC hôm nay cao gấp 2 lần phiên trước, hơn 9,1 triệu cổ phiếu sang tay. Dòng vốn ngoại cũng giải ngân mạnh vào VIC, mua ròng với giá trị cao nhất toàn sàn, hơn 173 tỷ đồng. Vốn hóa Vingroup vượt 332 nghìn tỷ, cao thứ 2 toàn sàn.

Các mã họ Vin như VHM, VRE cùng tăng giá. Riêng VPL của Vinpearl giảm 2,8%, xuống 98.100 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,1 điểm (0,39%) xuống 1.296,29 điểm. HNX-Index giảm 1,45 điểm (0,66%) xuống 217,24 điểm. UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (0,22%) lên 95,71 điểm.

Thanh khoản tương đương phiên trước, giá trị khớp lệnh HoSE gần 21.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 475 tỷ đồng, tập trung vào VHM, GEX, MSN…

Xem thêm tại tienphong.vn