“Công ty chứng khoán cần nâng cao năng lực về vốn, quản trị rủi ro để thực hiện giao dịch không ký quỹ”

Thưa ông, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ cho việc nâng hạng TTCK và sắp đến thời điểm phải hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông, trong ngắn hạn, đâu là giải pháp cấp bách để kịp tiến độ đề ra?

Theo các tiêu chí để nâng hạng thị trường, hiện Việt Nam đạt 7/9 tiêu chí, vẫn còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện gồm: ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài và cơ chế xử lý đối với các giao dịch thất bại.

Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) đang rất tích cực và nỗ lực đưa ra các giải pháp để có thể triển khai việc giao dịch không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với tổ chức nhà đầu tư nước ngoài.

Với tiêu chí này, một trong những yêu cầu quan trọng là đảm bảo không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền tại thời điểm T0. Tại SSI, chúng tôi đã đưa ra giải pháp đánh giá dựa trên năng lực của từng nhà đầu tư để cung cấp hạn mức giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài được quyền giao dịch 100% hạn mức đó mà không cần phải ký quỹ giao dịch.

Theo ông, các công ty chứng khoán cần có giải pháp gì để đề phòng những biến cố, rủi ro khi nhà đầu tư giao dịch không thanh toán đúng thời gian?

Về giải pháp, trước hết là phải đảm bảo năng lực về vốn của các công ty chứng khoán. Điều này rất quan trọng khi không yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ trước khi giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Đối với giải pháp giao dịch không yêu cầu ký quỹ, các công ty chứng khoán (CTCK) phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó mới là Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSD). Như vậy, giải pháp đầu tiên là các CTCK cần nâng cao năng lực tài chính, tức là vốn bằng cách phải tăng vốn.

Khi FTSE chấp thuận nâng hạng cho TTCK Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi, ngay lập tức, thị trường Việt Nam sẽ có 1,6 tỷ USD được rót vào từ các quỹ ETF bị động, con số này sẽ nhân lên 4 – 5 lần nữa từ các quỹ đầu tư chủ động. Do đó, năng lực về vốn của các CTCK để đón nhận lợi ích này là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, một giải pháp dự phòng quan trọng nữa là hệ thống quản trị rủi ro của CTCK. Các CTCK phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro để từ đó mới đánh giá được năng lực nhà đầu tư, có cơ sở kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả.

Thị trường không tránh khỏi việc phải đi theo xu thế chung, vì vậy, các CTCK nói chung, trong đó có các CTCK nhỏ cũng cần phải có các giải pháp như vậy, phải đáp ứng được năng lực về vốn và quản trị rủi ro.

Bởi nếu không theo kịp xu thế, không đáp ứng được những năng lực này, họ có thể gây ra rủi ro khi tham gia thị trường, trước tiên là rủi ro cho chính bản thân CTCK đó, thứ hai là rủi ro cho nhà đầu tư và thứ ba là rủi ro cho toàn thị trường.

Theo ông, điều gì khiến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ tuân thủ việc thanh toán đúng và đủ khi không cần ký quỹ 100%?

Những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài là những nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực tài chính. Và khi tham gia giao dịch trên một thị trường, những nhà đầu tư tổ chức lớn này rất ngại rủi ro có thể gây ảnh hưởng uy tín của họ.

Khi các nhà đầu tư lớn tham gia vào TTCK, họ luôn luôn nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ trước khi rót vốn. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể rót hàng triệu, hàng tỷ USD vào TTCK để đầu tư, nếu gặp sự cố, thất bại dù chỉ một lần không thực hiện thanh toán đúng và đủ, họ sẽ bị cảnh báo.

Do vậy, có thể nói 99% các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không muốn những “sự cố” xảy ra nên luôn cố gắng sắp xếp tiền để thanh toán đúng và đủ. 1% còn lại có thể do rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến quá trình thanh toán, đơn cử như nhà đầu tư ở Hoa Kỳ do khoảng cách về địa lý và thời gian khiến họ chưa kịp sắp xếp tiền hoặc giao dịch ngoại hối dẫn đến việc chuyển tiền chậm.

Do đó, trong trường hợp giao dịch thất bại, CTCK và nhà đầu tư nên ngồi lại với nhau cùng đàm phán. Vào ngày T+2 nếu tiền chưa về thì không nhất thiết chúng ta phải bán ngay để thu tiền mà nên đề xuất thêm một ngày nếu như nhà đầu tư chứng minh được đến T+3 họ có tiền. Còn đến ngày T+3 mà nhà đầu tư không có thiện chí hay không có khả năng thanh toán, lúc đó CTCK bán cũng chưa muộn.

Theo quan sát của ông cũng như dựa vào quá trình làm việc cùng UBCKNN, các cơ quan quản lý có liên quan, ông đánh giá như thế nào về xác suất TTCK Việt Nam được nâng hạng?

Về xác suất tôi nghĩ là lớn, nhưng vấn đề ở đây là thời gian. Chúng ta cần có thời gian sửa đổi cơ chế chính sách, cụ thể là sửa đổi các thông tư nếu yêu cầu thêm các điều kiện đối với CTCK khi thực hiện giao dịch không cần ký quỹ.

Theo đó, không chỉ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà cần có sự chung tay của các cơ quan, bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rút ngắn quy trình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn