Công ty niêm yết lãi hiệu quả nhất sàn chứng khoán: 1 đồng vốn 5 đồng lời

Trong năm dương lịch 2023, CTCP Mía Đường Sơn La (Mã: SLS) trở thành điểm sáng về tính hiệu quả trong kinh doanh, vươn lên đứng đầu về chỉ số EPS (lãi ròng phân bổ trên mỗi cổ phần) và bỏ xa các đơn vị đứng phía sau. 

Công ty tiếp tục có mùa bội thu khi lãi ròng 4 quý gần nhất xấp xỉ 1.342 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Với vốn điều lệ chưa đến 98 tỷ đồng, hệ số EPS đạt 53.408 đồng, đồng nghĩa cổ đông bỏ ra 1 đồng vốn thu về hơn 5 đồng lời.

Đây là mức sinh lời cao nhất trong lịch sử của công ty mía đường và cũng là con số EPS kỷ lục từng ghi nhận trên thị trường chứng khoán.  

Mía đường Sơn La vẫn thường xuyên xuất hiện trong nhóm doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả sinh lời trên vốn cao trên thị trường, nhưng đây là lần đầu tiên doanh nghiệp đường này đứng đầu bảng xếp hạng. 

Tiền thân của công ty là nhà máy đường trực thuộc Nông trường quốc doanh Tô Hiệu Sơn La, được chính thức thành lập doanh nghiệp từ năm 1997. Công ty quản lý vùng nhiên liệu khoảng 9.700 ha, sở hữu nhà máy đường RS 3.000 tấn mía/ngày và nhà máy đường luyện RE 5.000 tấn mía/ngày. 

Lưu ý rằng, công ty có trụ sở tại tỉnh Sơn La này thuộc diện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó lợi nhuận trước thuế các năm qua đúng bằng lãi ròng.

 *: Lấy 4 quý gần nhất do khác niên độ tài chính. Nguồn: HL tổng hợp.

Thống kê các công ty niêm yết đã có công bố báo cáo tài chính (loại trừ các công ty trên thị trường UPCoM) cho thấy chỉ có 10 đơn vị có hệ số EPS cao hơn 10.000 đồng, đa phần là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ. 

Một cái trên quen thuộc trong bảng xếp hạng này là CTCP Bến xe Miền Tây (Mã: WCS), là đơn vị quản lý bến xe lớn nhất cho các tuyến giao thông kết nối với TP HCM với Đồng bằng Sông Cửu Long, và một số tỉnh khác.

Theo báo cáo kinh doanh năm 2023, Bến xe Miền Tây có quy mô doanh thu tăng gấp rưỡi lên hơn 140 tỷ đồng và là con số cao nhất trong lịch sử. Lợi nhuận sau thuế gần 67 tỷ đồng, tăng trưởng 73% và cao nhất 4 năm (xấp xỉ mức kỷ lục năm 2020).

Công ty lý giải do áp dụng thu tiền giá dịch vụ theo biểu đồ xe chạy đã được phê duyệt từ đầu năm 2023 và cơ quan chức năng cũng cấm xe giường nằm vào nội đô từ ngày 10/1/2023 nên các doanh nghiệp đưa xe vào bến nhiều hơn. 

Đơn vị quản lý bến xe này duy trì vốn điều lệ 25 tỷ đồng kể từ khi lên sàn năm 2010 đến nay, hệ số EPS theo đó đạt 26.593 đồng (chưa bao gồm việc trích các quỹ khác nếu có). 

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Mã: RAL) cũng là một cái tên quen thuộc trong danh sách khi xếp hạng 3 trong số các công ty niêm yết, với EPS năm ngoái đạt 24.813 đồng.

Kết quả này là nhờ doanh thu và lợi nhuận năm 2023 lên mức cao kỷ lục lần lượt 6.100 tỷ và 366 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị hưởng ưu đãi thuế TNDN sau khi được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ năm 2023 và tăng năng suất đèn led do chuyển đổi số.

Một cái tên gây bất ngờ khác là CTCP Kinh doanh Than Miền Bắc - Vinacomin (Mã: TMB) lọt nhóm có EPS trên 20.000 đồng, nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc khi nhu cầu và giá than tăng mạnh trong năm vừa qua. 

Công ty bán than ở khu vực miền Bắc này ghi nhận doanh thu tăng gấp rưỡi lên mức kỷ lục hơn 37.100 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 76% lên mức cao nhất trong lịch sử 343 tỷ đồng. 

Các công ty niêm yết có EPS trong khoảng 10.000-20.000 đồng cũng phần lớn là các đơn vị có hoạt động kinh doanh ổn định với mức lãi cao trong các năm qua. 

Các đơn vị này gồm Vinacafe Biên Hòa (Mã: VCF), Xuất nhập khẩu than Vinacomin (Mã: CLM), Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Mã: NSC), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), Lâm Nông Sản Thực phẩm Yên Bái (Mã: CAP), Bao bì Biên Hòa (Mã: SVI).

Phần đông các doanh nghiệp trên có quy mô vốn nhỏ (dưới 200 tỷ đồng) nên có lợi thế hơn về tính hiệu quả trên vốn, các công ty có vốn lớn thường bị pha loãng cổ phiếu dẫn đến EPS thấp hơn. 

Kinh doanh thuận lợi với mức lãi cao trên vốn giúp các doanh nghiệp này thường xuyên chia cổ tức ở mức cao, đây là một yếu tố quan trọng cho các dòng tiền mang tính phòng thủ nhắm đến và qua đó đưa mức định giá cổ phiếu lên cao.

Các mã chứng khoán như SLS, WCS, RAL, VCF, BMP đều thuộc nhóm đắt đỏ nhất thị trường với thị giá trên 3 chữ số; trong khi các mã còn lại cũng đang được giao dịch ở thị giá cao khoảng 60.000-100.000 đồng/cổ phiếu. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn