Công ty sản xuất thuốc ung thư đầu tiên của Việt Nam dồn lực mở rộng tệp khách hàng thông qua kênh đấu thầu
Tại Việt Nam, việc sản xuất thuốc điều trị ung thư đang đặt ra những rào cản đáng kể cho các các công ty dược phẩm nội địa do cần nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng với chi phí R&D rất cao. Ngoài ra, việc phát triển thuốc ung thư yêu cầu chi phí đầu tư lớn, công nghệ sản xuất phức tạp, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế cao và cạnh tranh kém hơn so với thuốc ngoại dựa trên chất lượng và thương hiệu. Do đó, khoảng 88% nguồn cung thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam là từ ngoại nhập.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar – mã chứng khoán DBD) là doanh nghiệp dược duy nhất có khả năng sản xuất thuốc ung thư. Đây cũng là 1 trong 3 nhóm sản phẩm chủ lực tạo nên tên tuổi và lợi thế cạnh tranh cho Bidiphar, bên cạnh 2 nhóm khác là thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân.
Danh mục sản phẩm hấp dẫn và dẫn đầu ngành, đầu tư xây dựng các nhà máy mới đạt tiêu chuẩn EU-GMP
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định Bidiphar sở hữu năng lực cạnh tranh mạnh mẽ với danh mục sản phẩm rất hấp dẫn. Bidiphar là doanh nghiệp dược nội địa dẫn đầu trong sản xuất thuốc chống ung thư, với sản phẩm được sử dụng tại
các bệnh viện tuyến trung ương và cơ sở y tế trên toàn quốc. Sau hơn một thập kỷ phát triển thuốc điều trị ung thư, doanh nghiệp đã đưa hơn 5 triệu đơn vị sản phẩm ra thị trường, được tin dùng tại các bệnh viện tuyến trung ương. Đặc biệt, các sản phẩm thuốc điều trị ung thư của Bidiphar có mức giá rất cạnh tranh, thấp hơn trung bình khoảng 40% so với thuốc nhập khẩu từ châu Âu và 20% so với thuốc từ châu Á, giúp các bệnh viện và bệnh nhân có nhiều lựa chọn kinh tế hơn trong điều trị ung thư, đồng thời cho thấy hiệu quả và sức cạnh tranh của dược phẩm nội địa trong lĩnh vực này.
Dòng sản phẩm dung dịch thẩm phân cũng có mức độ cạnh tranh trong ngành khá thấp khi chỉ có 5 doanh nghiệp tham gia sản xuất và phân phối sản phẩm này tại kênh bệnh viện và Bidiphar hiện đang đứng thứ 3 trong 5 doanh nghiệp này với thị phần chiếm 24% tại kênh ETC.
Ngược lại, thị trường thuốc kháng sinh tại Việt Nam là thị trường rất phân mảnh, tồn đọng rủi ro cạnh tranh khá cao do đây là dòng thuốc dễ bào chế. Tuy nhiên, mảng thuốc kháng sinh của Bidiphar vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhờ 70% thuốc kháng sinh được bào chế ở dạng thuốc tiêm phục vụ kênh bệnh viện. Doanh thu thuốc kháng sinh chiếm khoảng 28% trong tổng doanh thu dược phẩm, có tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 8%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023.
DBD hiện đang vận hành 2 nhà máy theo tiêu chuẩn WHO-GMP, điều này giúp công ty nâng cao năng lực sản xuất và đảm bảo chất lượng trong việc cung cấp dược phẩm. Công ty cũng đang trong lộ trình xét duyệt nâng cấp hai dây chuyền lên tiêu chuẩn EU-GMP, dự kiến nộp hồ sơ vào năm 2025 và hoàn tất thủ tục vào năm 2026. Nếu hoàn tất, các sản phẩm thuốc chống ung thư sẽ được tham gia đấu thầu thuốc điều trị ung thư ở nhóm 1, 2 có giá bán cao hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trong phân khúc thuốc điều trị ung thư ngoại nhập từ năm 2026.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2024 – 2028, Bidiphar có kế hoạch đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP tại Khu Kinh tế Nhơn Hội nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Trong đó nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ đã khởi công xây dựng vào quý 3/2023 và dự kiến đưa vào vận hành từ quý 1/2027. Nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam dự kiến được khởi công từ năm 2025 và đưa vào vận hành từ quý 1/2027; để tài trợ công ty đang có phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán là 23,3 triệu đơn vị, giá tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu. PHS cho biết DBD hiện vẫn đang tiến hành đàm phán với 4 nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên tiêu chí tìm kiếm đối tác chiến lược mang lại giá trị mới, có thể chuyển giao công nghệ và đồng hành lâu dài cùng công ty.
Dồn lực nghiên cứu sản phẩm mới, lợi nhuận dự phóng tăng trưởng đột phá trong năm sau
Bidiphar còn được biết tới là doanh nghiệp đầu ngành về R&D với nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới, trở thành doanh nghiệp dược Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm (năm 1992), dung dịch tiêm truyền kháng sinh, vitamin, axit amin (năm 1997) và thuốc điều trị ung thư (năm 2010). Trong giai đoạn 2018 – 2023, công ty đã phát triển gần 100 sản phẩm mới và dự kiến sẽ được cấp thêm vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 trong lĩnh vực thuốc điều trị ung thư nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao và nâng cao vị thế cạnh tranh. Những nỗ lực không ngừng trong R&D của Bidiphar phản ánh chiến lược giúp phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự ổn định giá thuốc trên thị trường, nâng cao năng lực ngành dược phẩm quốc gia.
Về tình hình kinh doanh, tính riêng trong quý 3/2024, Bidiphar ghi nhận doanh thu thuần và LNTT lần lượt đạt 452 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, tăng 10% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng gần 4% lên 1.250 tỷ qua đó hoàn thành 63% kế hoạch năm. LNTT đi ngang tại mức 254 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Trong bối cảnh thị trường thuốc kênh OTC đang dần bão hòa do mức độ cạnh tranh cao và những bất cập về thuốc giả, thị trường thuốc kênh ETC được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng chính của ngành dược phẩm Việt Nam. Việc khơi thông các quy định đấu thầu thuốc trong bệnh viện đóng góp lớn vào xu hướng này. PHS đánh giá triển vọng dài hạn của Bidiphar tương đối khả quan dựa trên kỳ vọng tham gia đấu thầu ở nhóm cao, hỗ trợ chiến lược mở rộng thị phần trong nước thông qua kênh ETC.
PHS kỳ vọng Bidiphar sẽ ghi nhận tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai nhờ mở rộng tệp khách hàng thông qua kênh đấu thầu, sở hữu sức khỏe tài chính vững mạnh so với các doanh nghiệp cùng ngành, song vẫn lưu ý công ty vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ có khả năng gây rủi ro về giá cả và nguồn cung trong tương lai.
Dự phóng Bidiphar có thể ghi nhận doanh thu thuần năm 2024 - 2025 lần lượt đạt 1.802 tỷ và 1.979 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết các dòng sản phẩm trong cơ cấu hàng tự sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng kép CAGR đạt 9,55%/năm trong giai đoạn 2023 – 2033. Biên lợi nhuận gộp năm 2025 dự kiến cải thiện lên mức 48,1% dựa trên kỳ vọng gia tăng tỷ trọng của các dòng sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao như thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh tiêm, dung dịch thẩm phân và vitamin. LNST trong năm 2024-2025 lần lượt được dự báo tăng 4% lên 280 tỷ sau đó tăng 21% lên 339 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu DBD chốt phiên 27/11 đạt 49.400 đồng/cp, tăng 14% từ đầu năm, qua đó tiến sát đến vùng đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 10 vừa qua.
Xem thêm tại cafef.vn