Cứ 100 đồng chi cho tiêu dùng nhanh thì đến 21 đồng để dành uống bia: Sabeco, Habeco… kỳ vọng cán đích lợi nhuận sau 9 tháng trầm lắng?

Cứ 100 đồng chi cho tiêu dùng nhanh thì đến 21 đồng để dành uống bia: Sabeco, Habeco… kỳ vọng cán đích lợi nhuận sau 9 tháng trầm lắng? - Ảnh 1.

Nielsen IQ vừa có khảo sát về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), ghi nhận cứ 100 đồng người dân chi cho FMCG thì 21 đồng chi vào mặt hàng bia, tiếp theo là nước giải khát 19,1 đồng, sữa 13 đồng, thực phẩm 8,7 đồng.

Khảo sát được thực hiện trên 70 ngành hàng tiêu dùng nhanh ở 63 tỉnh thành trong 10 tháng đầu năm.

Bia, nước giải khát phục hồi

Như vậy, nếu quý 3 tốc độ tiêu thụ đang suy giảm ở tất cả các ngành hàng thì sang tháng 10 tiêu dùng nhanh đã hồi phục. Trong đó, mặt hàng bia, nước giải khát đang phục hồi tốt.

Trước năm 2019, Việt Nam đã đứng top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là Top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Nghị định 100 đã và đang là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia.

Một số yếu tố như giá nguyên liệu sản xuất đã và đang tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Cụ thể, các nguyên liệu chính trong sản xuất bia gồm bột trợ lọc năm 2023 dự tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%.

Đặc biệt với Malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.

Quý 3/2023 "ông lớn" Sabeco thực hiện chưa đến 60% kế hoạch lợi nhuận, kỳ vọng ở quý 4

Thống kê tình hình kinh doanh quý 3/2023 của các công ty bia trên ngành, cho thấy “ông lớn” ngành bia CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận lợi nhuận ròng 3.170 tỷ đồng, giảm 24% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch, Công ty chỉ thực hiện được 57% chỉ tiêu lợi nhuận.

Một công ty bia khác, CTCP Habeco - Hải Phòng (HBH) ghi nhận lãi sau thuế là 736 triệu đồng trong quý 3/2023, giảm 75% so với cùng kỳ. Nhưng con số này được coi là tích cực hơn con số lỗ của 2 quý trước đó. Nguyên nhân theo Habeco - Hải Phòng do sản lượng trong kỳ giảm, bao gồm sản lượng sản xuất giảm 21% và sản lượng tiêu thụ giảm 26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh như giá Malt, gạo, đường đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất đã làm giảm lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco - Hải Phòng giảm 29% xuống còn 130 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.

Những đơn vị còn lại cũng đồng loạt giảm lãi mạnh, đơn cử Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi giảm đến 55% LNST sau 9 tháng (chỉ còn 78 tỷ đồng), Bia Sài Gòn - Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ; Bia Hà Nội - Hải Dương giảm 1/3 lợi nhuận chỉ còn 7 tỷ đồng...

Sang quý 4, với tình hình bắt đầu khả quan trở lại, công ty bia kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu cả năm (Sabeco 9 tháng mới thực hiện chưa đến 60% chỉ tiêu). Chưa kể, quý cuối năm thường là quý cao điểm của ngành bia Việt với loạt hoạt động tiệc tùng, tri ân… và kéo dài sang Tết Nguyên Đán 2024.

Xem thêm tại cafef.vn