Cú đấm của ‘thổi nồng độ cồn’: Lợi nhuận Sabeco sụt giảm cả nghìn tỷ, một doanh nghiệp bán bia hơi hiếm hoi tăng trưởng

Từng là thị trường bia tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng từ ngày 1/1/2020, quy định xử phạt lái xe có nồng độ cồn chính thức được áp dụng đã tác động mạnh tới doanh số ngành bia Việt Nam.

Với quy định chặt chẽ, áp dụng cho tất cả các đối tượng điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm: xe ô tô, xe máy, xe đạp, xe máy kéo, xe chuyên dụng) với khung hình phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe, đủ sức nặng khiến bất kỳ ai đang có ý định nâng cao ly rượu bia đều phải suy nghĩ lại.

Thực tế, quy định về nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông đã được áp dụng từ năm 2020, nhưng phải đến 1-2 năm gần đây, việc xử phạt mới được siết chặt. Nhiều quán nhậu hiện đã cung cấp cả dịch vụ lái xe ôm hay taxi giảm giá, thậm chí miễn phí về nhà cho khách nhậu nhằm cải thiện tình hình. Dù vậy, doanh số ngành bia vẫn bị ảnh hưởng.

Không chỉ thế, trong năm nay, các doanh nghiệp bia cũng chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, cùng với xu hướng tiêu dùng giảm. Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao. Trong khi đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.

photo-1712877063296

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành bia, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã CK: SAB) đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Theo báo cáo tài chính năm 2023, Sabeco đạt doanh thu thuần 30.461 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.255 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 13% và 23% so với mức cao kỷ lục đạt được năm 2022. Biên lợi nhuận gộp của Sabeco cũng giảm từ 30,8% xuống 29,8%. So với kế hoạch đề ra, SAB chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco - mã CK: SBB), một doanh nghiệp sản xuất gia công các dòng sản phẩm bia của Sabeco như là Saigon Lager, Saigon Export, Saigon Special và Saigon 333Export với hơn 80% doanh thu đến từ việc sản xuất bia cho Sabeco ghi nhận đã lỗ 4 năm liên tiếp. 

Trong năm vừa rồi, Sabibeco ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.020 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022. Trừ đi các chi phí, Sabibeco lỗ sau thuế hơn 152 tỷ đồng, số lỗ tăng mạnh so với năm 2022 lỗ 3,5 tỷ đồng và là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay. 

Cú đấm của ‘thổi nồng độ cồn’: Lợi nhuận Sabeco sụt giảm cả nghìn tỷ, một doanh nghiệp bán bia hơi hiếm hoi tăng trưởng- Ảnh 2.

Chủ hãng Bia Hà Nội,Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã CK: BHN) đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 là mức thấp thứ 2 kể từ khi lên sàn chứng khoán của Habeco, chỉ cao hơn con số năm 2021. Dù "hụt hơi" song nhờ kế hoạch thận trọng, Habeco vẫn vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt 60% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Habeco gia tăng khoản chiết khấu thương mại 13% lên 144 tỷ đồng mặc dù doanh thu giảm. Đây thông thường là khoản hoa hồng giảm giá ưu tiên cho khách hàng mua với số lượng lớn, nhằm khuyến khích người mua mua nhiều hàng hóa hơn

Doanh nghiệp bia hiếm hoi ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trong năm qua là CTCP thương mại Bia Hà Nội (Habeco Trading - mã CK: HAT). Khác với những doanh nghiệp khác có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất bia, Habeco Trading chủ yếu kinh doanh bia hơi Hà Nội keg 501, keg 301 ... trên cả nước, trong đó tập trung chính tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, ...

Việc kinh doanh cho thuê hệ thống nhà kho và nhà điều hành tại Trung tâm thương mại Habeco Trading 33 tại khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội cũng góp phần tăng thêm doanh thu và lợi nhuận hàng năm cho Công ty.

Năm 2023, Habeco Trading ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.234 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, tăng 63%.

photo-1712877302824

CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (Halobeco - mã CK: BHL) kinh doanh các sản phẩm bao gồm bia Hạ Long Classic, bia Hạ Long Sapphire, bia Hạ Long Golden, ... Đây là một doanh nghiệp bia gây chú ý vì đã tăng trưởng liên tiếp cả chục năm, cùng với đó là EPS cao chót vót lên đến 36.000 đồng. Thế nhưng trong năm vừa rồi, mạch tăng trưởng của Halobeco đã bị cắt đứt. Dù doanh thu vẫn tăng 7,4% so với năm 2022 đạt 1.470 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 111 tỷ đồng, giảm 12%.

Kết quả kinh doanh tốt nên Halobeco luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt rất cao. Cổ phiếu HLB cũng là một trong những cổ phiếu đắt nhất nhì sàn chứng khoán với mức giá hiện tại khoảng 275.000 đồng/cp.


Xem thêm tại cafef.vn