Cửa sáng cho lợi nhuận ngành hóa chất, phân bón

Phân bón bước vào chu kỳ mới

Theo nhận định của nhiều CTCK, đến hết quý I/2024, sự phục hồi và tăng trưởng đối với ngành phân bón, hóa chất tại Việt Nam cơ bản đã đúng như các dự báo. Theo đó, hiện nay những căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ, sự cố gián đoạn đường ống dẫn khí amoniac tại sân băng Bethpage và việc Nga, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón đã khiến giá phân bón tăng liên tục.

Các chuyên gia tại CTCK Mirae Asset cho rằng, 2024 sẽ là năm các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất có sự bứt phá mạnh trong doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, giá phân urê đã tăng trưởng 11% trong quý I vừa qua có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp lớn ngành phân đạm như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận (Mirae Asset dự báo doanh thu năm 2024 của DPM sẽ tăng 24%, lợi nhuận sau thuế tăng 169%, DCM doanh thu tăng 24% và lợi nhuận sau thuế tăng 111% so với 2023). Các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón số lượng lớn khác, cũng sẽ hưởng lợi lớn do mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với phân bón DAP, NPK đã giảm xuống 0% từ 15/7/2023.

Theo nhận định của giới phân tích, yếu tố giá thành và giá bán các loại phân bón hiện nay ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả kinh doanh của các nhóm doanh nghiệp ngành này. Vì thế các biến động về giá phân bón thế giới, nguồn cung nguyên liệu và các điều chỉnh trong chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu sẽ tác động mạnh đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong năm nay, các CTCK nhận định rằng cổ phiếu và định giá các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp tăng cao đột biến. Theo lịch trình họp của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ được thảo luận tại cuộc họp thứ 7 vào tháng 5/2024 và có thể được bỏ phiếu thông qua tại cuộc họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Nếu Luật này được thông qua, thì mặt hàng phân bón được phân vào nhóm chịu thuế GTGT 5%. Đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp sẽ được áp dụng hoàn 7-10% thuế đầu vào. Đây là động lực tăng trưởng đáng kể cho các doanh nghiệp phân bón lớn.

Trứng vàng ở “cửa ngách” hóa chất

Không chỉ có nhiều động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mảng sản xuất, xuất khẩu phân bón, với một số tập đoàn lớn ngành hóa chất, phân bón như Vinachem, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, trong năm nay, việc đầu tư vào sản xuất nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng đang được kỳ vọng là mảng kinh doanh có nhiều hứa hẹn.

Về phía Vinachem, trong năm nay tập đoàn này tập trung khá mạnh nguồn lực cho sản xuất một số nguyên liệu như acid phosphoric cho ngành bán dẫn, hydro xanh hoặc các hóa chất cơ bản phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Tập đoàn này cũng tái khởi động dự án muối mỏ kali tại Lào nhằm phát triển sản xuất các hóa chất nguyên liệu cho ngành điện tử, xe điện.

Đối với Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, theo giới phân tích, hiện phốt pho vàng (nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất ra acid photphoric dùng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn và màn hình LCD) đang là sản phẩm chủ lực khiến doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh và sẽ tiếp tục là chìa khóa nắm giữ 50% doanh thu xuất khẩu của tập đoàn này trong các năm sắp tới.

VCBS nhận định, trong năm nay, giúp giá phốt pho vàng tăng cao. Các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu để phát triển pin LFP và sản xuất chất bán dẫn cho các thiết bị 5G. Vì thế các doanh nghiệp đầu tư mạnh loại hóa chất này tại Việt Nam như Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) và CTCP DAP - Vinachem (DDV) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi lớn với mức dự báo lợi nhuận ròng tăng trưởng 25-30% so với năm trước.

Với những diễn biến như kể trên, VCBS nhận định, trong các quý còn lại của năm 2024, nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất sẽ được giới phân tích khuyến nghị mua và nắm giữ. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phân bón, hóa chất chiếm thị phần lớn các loại phân ure, NPK, DAP như DPM, DCM, BFC, LAS… có nhiều kỳ vọng tăng trưởng mức định giá cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x nhờ lợi nhuận tăng mạnh.

Trong dài hạn, việc ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển hóa nhanh từ sử dụng phân bón vô cơ nguồn gốc hóa học sang hữu cơ (dự kiến đạt 25% vào năm 2025) sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp phân bón triển khai các chiến lược giảm phát thải khí carbon, đầu tư thương mại tín chỉ carbon. Từ đó duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, đồng thời hỗ trợ tăng giá cổ phiếu và mức định giá doanh nghiệp trên thị trường vốn.

Theo Đỗ Cường/thoibaonganhang.vn

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn