Cùng 100 đồng vốn chủ sở hữu, 'đại gia vàng bạc' PNJ thu về lợi nhuận gần gấp 3 lần 'ông lớn' DOJI

Năm 2023, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mang về mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục 1.971 tỷ đồng, cao nhất trong 35 năm hoạt động. Mặc dù doanh thu thuần chỉ đạt 33.136 tỷ đồng thấp hơn 740 tỷ đồng so với 2022. Tuy nhiên, biên lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần được cải thiện từ 5,3% lên 5,9%, tăng 0,6%.

Tổng doanh thu bán lẻ chiếm 90% tổng doanh thu, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó doanh thu bán sỉ giảm 31% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi sức mua suy giảm chung của ngành. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giảm thấp hơn mặt bằng chung của ngành.

Trong 2 tháng đầu năm 2024 (mùa Tết và Thần tài), PNJ ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 22% lên 8.478 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 1% so với nền kỷ lục năm ngoái, đạt 550 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trung bình 2 tháng năm 2024 đạt 17,4%, thấp hơn mức cùng kỳ năm 2023 (19,4%), do sự thay đổi cơ cấu hàng hóa, biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.

Với CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, không phải năm 2023 mà 2022 mới là năm “lãi khủng” nhất của đại gia này với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.017 tỷ đồng.

Sang năm 2023, DOJI bất ngờ ghi nhận lãi sau thuế giảm gần một nửa so với năm 2022, tụt về mức hơn 491 tỷ đồng.

Theo đó, doanh thu của DOJI đạt 75.798 tỷ đồng, giảm 2% tương đương 1.558 tỷ đồng, so với năm 2022 trong khi giá vốn hàng giảm nhẹ từ 76.167 tỷ đồng xuống 74.906 tỷ đồng, số liệu theo VTC News.

Lợi nhuận của DOJI suy giảm trong năm 2023 trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh. Riêng năm 2023, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước đã tăng hơn 12 triệu đồng mỗi lượng. Từ mức giá 67,4 triệu đồng/lượng, lên mức giá 79,5 triệu đồng/lượng.

Xét về hiệu suất sinh lời trên doanh thu, quy mô doanh thu của DOJI năm 2023 gấp hơn 2,2 lần doanh thu của PNJ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của PNJ lại gấp 4 lần lợi nhuận sau thuế của DOJI.

Chỉ số ROS năm 2023 của DOJI và PNJ lần lượt là 0,6% và 5,9%, tương đương với cứ 100 đồng bán ra, PNJ “đút túi” 6 đồng còn DOJI chỉ lãi 0,6 đồng.

ROE của hai doanh nghiệp cũng có khoảng cách lớn. Năm 2023, hệ số ROE của DOJI và PNJ lần lượt là 7,5% và 21,6%. Như vậy cùng 100 đồng vốn chủ sở hữu, PNJ thu về lợi nhuận gần gấp 3 lần của DOJI.

Sở dĩ PNJ có hiệu suất sinh lời tích cực là do duy trì được biên lợi nhuận gộp vượt trội trong các năm. Như năm 2023, nếu biên lợi nhuận gộp của DOJI vào khoảng 1,1% thì của PNJ lên tới 18,2%.

Trên thực tế thì biên lợi nhuận của PNJ đã luôn có khoảng cách rất lớn với DOJI và các doanh nghiệp cùng ngành từ nhiều năm trước. Nguyên nhân là từ chiến lược của PNJ chuyển hướng sang bán lẻ từ cả chục năm trước. Cần nói thêm rằng, biên lợi nhuận từ bán lẻ khoảng 27% trong khi bán sỉ chỉ 3-5% còn xuất khẩu là 10-12%.

Cùng 100 đồng bán ra, PNJ đút túi được gần 6 đồng còn DOJI thu về chưa đầy 1 đồng
Cơ cấu doanh thu PNJ: Bán lẻ chiếm tỷ trọng chính

Hiện nay, PNJ đã có mạng lưới phân phối rộng khắp với 402 điểm bán tại 55 tỉnh thành. Con số này bao gồm 393 cửa hàng PNJ Gold, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ và 1 Trung tâm kinh doanh sỉ.

Về DOJI, Tập đoàn có 15 Công ty thành viên hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - con, 5 Công ty liên kết góp vốn và 61 Chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán…, tạo nên hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp hầu hết các vùng miền của Việt Nam.

Năm 2023 là một năm đầy biến động của thị trường vàng khi ghi nhận những đợt tăng giá, “xô đổ” mọi kỷ lục với mức chênh lệch chưa từng thấy với giá vàng quốc tế. Bước sang năm 2024, vàng vẫn tiếp tục là tâm điểm của câu chuyện tài chính khi tăng giá phi mã, liên tục lập kỷ lục mới.

Theo ước tính, từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng hơn 17%. Mức lãi này cao gấp nhiều lần so với lãi suất gửi ngân hàng hiện nay. Lý giải về việc giá vàng tăng chóng mặt, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, biến động này bị tác động bởi hai yếu tố, đó là biến động cùng chiều với giá vàng thế giới và các yếu tố từ thị trường trong nước.

Còn theo giới chuyên gia, giá vàng tăng chóng mặt một phần do lượng vàng miếng SJC trên thị trường đang khan hiếm, Công ty SJC đã không được gia công thêm vàng miếng. Cùng với đó, những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản không hiệu quả và lãi suất huy động bị giảm xuống thấp đã khiến người dân có xu hướng đổ tiền nhàn rỗi vào đầu tư kim loại quý này.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn