Đất Xanh (DXG) dồi dào tiền mặt hơn 5.100 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh dương hơn 1.100 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của Tập đoàn Đất Xanh (DXG), doanh thu thuần gần 925 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (PATMI) hơn 48 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản đạt 33.660 tỷ đồng, tăng 15% chủ yếu đến từ việc tăng khoản mục tiền mặt (tiền và tương đương tiền, đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn) gần 5.100 tỷ đồng- cao nhất trong lịch sử của DXG (trước đó tiền mặt của DXG đạt đỉnh cao hơn 4.500 tỷ đồng vào quý II/2021); trong khi hàng tồn kho giảm nhẹ về 13.387 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn gần 11.794 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DXG đảo chiều mạnh mẽ, dương mạnh hơn 1.130 tỷ đồng,so với các giai đoạn 2022-2024 âm liên tục. DXG thuộc số ít doanh nghiệp bất động sản có dòng tiền kinh doanh tích cực ngay trong quý đầu năm, nhờ hoạt động bán hàng và thu tiền khách hàng gia tăng, kiểm soát tồn kho và giảm áp lực công nợ.

Trên BCTC DXG, “của để dành” – khoản mục người mua trả tiền trước tăng gần 700 tỷ đồng, lên gần 1.800 tỷ đồng – là tiền đặt cọc/trả theo tiến độ của các khách hàng mua căn hộ - cho thấy năng lực bán hàng và chất lượng dòng tiền của DXG đang có chuyển biến tích cực.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng ghi nhận dương 2.789 tỷ đồng, nhờ phát hành cổ phiếu tăng vốn và huy động vốn vay trung dài hạn có chọn lọc.

Trong ngành bất động sản, dòng tiền thường là “vấn đề sống còn”, so với phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn với dòng tiền, áp lực huy động vốn mới để duy trì hoạt động thì diễn biến tại Đất Xanh có thể xem là điểm sáng hiếm hoi.

Với lượng tiền lớn, những doanh nghiệp như DXG có thể chủ động giảm nợ vay và lãi vay, linh hoạt tái khởi động các dự án tiềm năng và chủ động M&A mở rộng thêm quỹ đất. Đặc biệt, thị trường bất động sản được đánh giá bước vào giai đoạn tái cơ cấu tài sản, nhiều doanh nghiệp phải bán dự án để giải quyết áp lực nợ - theo đó, các doanh nghiệp có sẵn tiền mặt dồi dào sẽ có nhiều cơ hội trong việc M&A các dự án tốt và có lợi thế đàm phán giá.

Thực tế, trong kỳ, dù nợ vay của DXG tăng lên 7.545 tỷ đồng, tăng 15%, nhưng nhờ tăng vốn chủ sở hữu, nên hệ số nợ phải trả/vốn chủ vẫn ở mức dưới 1 (gần 0,97 lần) – mức tương đối an toàn so với trong ngành.

Chuyển biến tích cực ở các con số tài chính đã giúp nhà đầu tư an tâm, tăng niềm tin hơn đối với vấn đề dòng tiền của DXG – liên tục ở mức âm trong nhiều năm khi hàng tồn kho gia tăng, các khoản phải thu lớn cũng như áp lực thanh toán cho người bán.

Q1/2025

Đất Xanh (DXG)

Novaland (NVL)

Phát Đạt (PDR)

Khang Điền (KDH)

Nam Long (NLG)

Dòng tiền từ HĐKD

Dương, cải thiện mạnh (thu tiền trước từ khách hàng)

+1.130 tỷ đồng

Âm (tiếp tục âm nhưng có cải thiện so với cùng kỳ)

-835 tỷ đồng

Âm (tiếp tục âm nhưng có cải thiện so với cùng kỳ)

-438 tỷ đồng

Âm, có cải thiện

-1.316 tỷ đồng

Âm đáng kể (tăng các khoản phải thu)

-936 tỷ đồng

Tiền & tương đương tiền cuối kỳ

5.106 tỷ đồng (cao gần gấp 4 lần, tương đương 30,44%VCSH)

6.084 tỷ đồng (tăng so với đầu năm, tương đương 12,28% VCSH)

84 tỷ đồng (giảm so với đầu năm, tương đương 0,8% VCSH)

2.107 tỷ đồng (tương đương 10,76% VCSH)

4.395 tỷ đồng (tương đương 30,27% VCSH)

Trong mùa báo cáo tài chính quý I, ngoài DXG, còn có Nam Long (NLG) cũng ghi nhận lượng tiền mặt dồi dào so với mặt bằng ngành.

Cụ thể, NLG quý I ghi nhận doanh thu hơn 1.290 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ nhờ bàn giao loạt dự án Akari phase 2, Cần Thơ Central Lake… lợi nhuận sau thuế gần 110 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 65 tỷ đồng. Hoạt động bàn giao tích cực giúp hàng tồn kho giảm 451 tỷ trong kỳ đồng nghĩa một phần tương ứng chuyển hóa thành tiền. Cuối quý I, tiền và tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của NLG đạt trên 5.000 tỷ đồng giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong khi đó, tổng tài sản của Phát Đạt ở mức hơn 23.094 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm, trong đó hàng tồn kho với giá trị hơn 14.000 tỷ đồng. Khoản mục tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn của PDR giảm mạnh, về gần 184 tỷ đồng, tương ứng khoảng 0,8% tổng tài sản, khoảng 1,66% vốn chủ sở hữu (11.108 tỷ đồng). Dòng tiền kinh doanh PDR vẫn ghi nhận thêm một quý âm, ở mức 438 tỷ đồng,

Với NVL, tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản đạt hơn 234.800 tỷ đồng. Hàng tồn kho chiếm hơn 149.000 tỷ đồng – phần lớn là giá trị quỹ đất và các dự án đang triển khai. Tiền và tương đương tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh thuần của NVL vẫn đang âm hơn 835 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 2.500 tỷ đồng (trong kỳ, NVL chi trả nợ gốc vay hơn 9.277 tỷ đồng); dòng tiền từ hoạt động đầu tư dương hơn 4.822 tỷ đồng (chủ yếu nhờ thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác).

Về trung hạn, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu sẽ phụ thuộc việc công ty chuyển hoá được lợi thế tiền mặt thành các con số tăng trưởng thực chất, như mở rộng quỹ đất, đầu tư dự án mới hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn và/hoặc giảm nợ vay – sẽ là tín hiệu tích cực. Ngược lại, nếu dòng tiền lớn ứ đọng, hiệu quả sử dụng vốn không cao sẽ khiến triển vọng tăng trưởng bị giới hạn.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn